Giảm nghèo - Việc làm

NHIỀU BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO

Thứ Sáu, 16/05/2025 | 15:15

Thời gian qua, công tác giảm nghèo gắn với triển khai nhiều dự án hỗ trợ dành cho hộ nghèo đã được triển khai đồng bộ và quyết liệt. Qua đó, góp phần làm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nâng dần các tiêu chí trong giảm nghèo đa chiều. Song, việc thực hiện công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập liên quan đến các chính sách, nhất là các thủ tục hành chính.

 Đoàn Thanh niên Phường 2 hỗ trợ bữa ăn 0 đồng cho hộ nghèo và lao động có hoàn cảnh khó khăn.

GẶP KHÓ VỀ THỦ TỤC

Một trong những bất cập dễ thấy nhất là số lượng văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện về công tác này khá nhiều. Một số văn bản hướng dẫn sau khi ban hành còn gặp khó đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình tại địa phương như: vướng mắc về phạm vi thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững và vướng cả về kinh phí thực hiện Tiểu dự án 3 - Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững…

Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ. Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương chưa được xác định cho cả giai đoạn 2021 - 2025, hoặc xác định mức trần hằng năm nên gặp khó khăn, lúng túng khi xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí thực hiện chương trình. Mặt khác, kết quả giảm nghèo tuy đạt được mục tiêu đề ra, nhưng chưa thật sự bền vững, do người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo vì các lý do khách quan như: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... Đặc biệt, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 áp dụng cho năm 2021 là chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và chưa đánh giá được chi tiết mục tiêu, kết quả cụ thể thực hiện các dự án, tiểu dự án và chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (gọi tắt là Chương trình). Một bộ phận người nghèo vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo bền vững…

Nguyên nhân của các bất cập và hạn chế trên là do cùng thời điểm vừa triển khai, vừa ban hành các văn bản theo quy định, đồng thời quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, do đó dẫn đến chậm ban hành văn bản làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình.

Thêm vào đó, với tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và xu thế đô thị hóa cùng chênh lệch về thu nhập và mức sống cũng ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập người dân, đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo và công tác giảm nghèo để giảm nghèo bền vững.

Song song đó, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương từng lúc thiếu chặt chẽ, nhất là việc tham mưu xây dựng các kế hoạch thực hiện còn chậm so với yêu cầu, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa phục vụ công tác giảm nghèo. Công chức làm công tác giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, còn kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi vị trí công tác ảnh hưởng đến chuyên môn, tiến độ công việc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành còn hạn chế dẫn tới việc tổng hợp, báo cáo chậm…

Cấp chứng chỉ sau đào tạo nghề cho hộ nghèo trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T

CẦN HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

Công tác giảm nghèo tuy còn tồn tại một số khó khăn và bất cập, nhưng từ công tác này cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Đó là việc ban hành các văn bản đầy đủ, kịp thời sẽ là cơ sở và điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình theo quy định. Bởi thực tế, do các quy định ban hành còn chậm, thiếu đồng bộ nên trong giai đoạn đầu còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 góp phần tinh gọn đầu mối và tập trung chỉ đạo, điều hành thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Chương trình cũng thiết kế riêng một dự án về công tác truyền thông, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện, nhằm tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Qua đó, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.

Đối với các hoạt động cùng phương thức tổ chức thực hiện, cùng đối tượng tác động, chỉ khác nhau về nội dung truyền tải thì các nội dung sẽ được lồng ghép trong cùng một hoạt động, trên cơ sở chỉ rõ cơ quan chủ trì, phù hợp với quy định của pháp luật và định kỳ được xem xét, điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn, nhằm tránh chồng chéo, gây lãng phí thời gian, kinh phí. Sự phân công trách nhiệm cụ thể cho cấp ủy, đơn vị phụ trách hỗ trợ, phân công đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo góp phần thực hiện chương trình hiệu quả hơn, thực chất hơn, tạo mối quan hệ, trách nhiệm giữa cơ quan, đơn vị thực hiện với đối tượng thụ hưởng Chương trình.

Một bài học kinh nghiệm khác nữa chính là việc triển khai, thực hiện các dự án, tiểu dự án phải bám sát các quan điểm, chủ trương, các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Trong đó, phải thực hiện đúng đối tượng, đúng phạm vi, có sự tham gia của người dân, đối tượng hưởng lợi và bảo đảm các nguyên tắc dân chủ, công khai, không trùng lắp nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có sự tham gia, giám sát của cộng đồng và xã hội, bảo đảm mục tiêu của dự án, tiểu dự án.

Các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở có sự phân công, phân cấp cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện. Tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng và các tổ chức đoàn thể vào mọi hoạt động của Chương trình, từ việc lập kế hoạch triển khai, quản lý nguồn lực, giám sát và đánh giá kết quả đến việc thụ hưởng thành quả từ các hoạt động của dự án; tăng cường phối hợp công tác giữa các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án. Đồng thời, xác định công tác kiểm tra giám sát, đánh giá là hoạt động thường xuyên, quan trọng nhằm kịp thời phát hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như chấn chỉnh những việc làm, thực hiện chưa đúng theo quy định. Trong thời gian tới cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh…

Tuy nhiên, để công tác giảm nghèo không ngừng phát huy hiệu quả và chống tái nghèo, các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu hướng dẫn thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 - 2030 cụ thể hơn, hạn chế ban hành các văn bản bổ sung, thay thế để tránh trường hợp hiểu nhằm hay trùng lắp giữa các quy định; giảm bớt các thủ tục quy định trong triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình. Đặc biệt là các thủ tục do cấp xã hoặc người dân thực hiện; cơ quan tài chính khi ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí của Chương trình phải tổ chức tập huấn hướng dẫn chi, hoặc chỉ đạo tổ chức tập huấn đến cấp xã để thuận tiện trong việc triển khai sử dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ…

NGUYỄN THANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.