Văn hóa - Nghệ thuật
Báo chí với sứ mệnh phát triển văn hóa, con người Việt Nam
>> Bài 3: Báo chí tô sáng diện mạo văn hóa Bạc Liêu
Bài cuối: Tạo lập không gian văn hóa cho báo chí phát triển
Báo chí là một bộ phận cấu thành văn hóa, đồng thời lại là phương tiện quảng bá văn hóa. Chính vì vậy, tạo lập không gian văn hóa cho báo chí phát triển luôn là yêu cầu thường trực để mỗi chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng xây dựng nền báo chí cách mạng bằng những tác phẩm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Nhất là trong bối cảnh thông tin nhiều “ngõ ngách”, nhiều kênh chuyển tải - thời cơ nhiều, thách thức cũng không ít!
Đề cao văn hóa báo chí
Theo Hội Nhà báo Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm chính là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa; thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thật sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...
Văn hóa của nhà báo không chỉ nhìn ở bề ngoài, lời ăn tiếng nói mà còn nằm ở tầm nhìn, tấm lòng, cách nghĩ, ứng xử của một nhà báo với mọi thứ xung quanh! Lớn hơn, nhà báo phải nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại bằng những tác phẩm mang ý nghĩa nhân văn, vì con người, hướng đến xây dựng, phát triển văn hóa, con người.
Người làm báo phải luôn giữ “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Không chỉ viết đúng, viết hay, mà còn phải giữ được lương tâm trong sáng của mình. Đã có rất nhiều quy định, quy tắc nghề báo và đạo đức nhà báo đã được đúc kết từ thực tế môi trường văn hóa báo chí vốn có những biểu hiện tiêu cực như vài điển hình trên làm ảnh hưởng đến vinh dự, trọng trách của những chiến sĩ chân chính!
Tạo lập không gian văn hóa cho báo chí là yêu cầu cấp thiết. Phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí được thực hiện xuyên suốt, với trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa, khắc phục tình trạng phi văn hóa trong hoạt động tác nghiệp và trong các tác phẩm báo chí. Xây dựng, phát triển văn hóa ngay trong mỗi cơ quan báo chí, trong mỗi người làm báo luôn là nhiệm vụ mọi thời đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Phóng viên truyền hình tác nghiệp ở Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh. Ảnh: H.T
Đổi mới để thích ứng
Để thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW trong bối cảnh mạng xã hội khuynh đảo “thị trường” thông tin, vai trò của báo chí chính thống cần phải được phát huy một cách tối đa. Đó là tuyên truyền, cổ động các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới, cổ vũ cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; phê phán những biểu hiện phản cảm, lệch chuẩn về văn hóa... Đây là những yêu cầu thường trực, nhưng cần phải gắn với sự đổi mới - yếu tố bắt buộc để báo chí “giành lại” độc giả, khán, thính giả! Những chương trình talkshow (ngồi lại thảo luận một chủ đề nào đó), gameshow (trò chơi truyền hình), truyền hình thực tế... cần được dàn dựng phong phú hơn, mở rộng trên nhiều kênh truyền hình - điều này tuy còn phụ thuộc vào “túi tiền”, cơ chế hoạt động...
Các cơ quan báo chí cũng cần kiên quyết hơn trong cuộc đấu tranh ngăn chặn các hoạt động báo chí, văn hóa, văn nghệ theo xu hướng thương mại hóa, câu view, “lá cải”, hời hợt. Bên cạnh kiểm soát và xử lý thông tin sai sự thật, phản cảm, xấu, độc góp phần “xanh hóa” không gian mạng; cần tạo ra nhiều hơn nữa những trang thông tin hấp dẫn, quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc, của địa phương. Nghĩa là song hành với chống phải xây!
Đơn cử nhiệm vụ này ở Báo Bạc Liêu. Tồn tại gần 3 năm trước khi kết thúc nhiệm vụ (do yêu cầu sáp nhập các cơ quan báo chí của tỉnh), Bản tin cuối tuần của báo mỗi tháng có 4 chuyên mục định kỳ thì đã có 2 liên quan đến nội dung xây dựng văn hóa, con người! “Những câu chuyện đẹp” kể cho khán giả về những người tình nguyện vá đường, sửa cầu, nhặt đinh để tạo sự an toàn cho người đi đường; những suy nghĩ nhân văn của hiến máu cứu người, hay những suất ăn 0 đồng cho bệnh nhân nghèo; “Đất và người” là những phong tục, tập quán, nghi lễ đậm bản sắc văn hóa Bạc Liêu... Còn trên báo in, trang Văn hóa - Nghệ thuật luân phiên những chuyên mục “Sau lũy tre làng” viết về nét đẹp những vùng quê; “Góc nhìn văn hóa” là những phân tích về câu chuyện thời sự liên quan đến văn hóa, hay bàn những chuẩn mực đạo đức, ứng xử cần được cân chỉnh cho đúng, cho đẹp...; những chuyên mục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gương đảng viên... đều nhất quán mục tiêu xây dựng văn hóa, con người trong phạm vi của một tờ báo địa phương.
Tăng cường quảng bá những chương trình nghệ thuật đậm chất văn hóa bản địa, giới thiệu sâu rộng những sản phẩm, công trình văn hóa đặc trưng; ứng dụng truyền thông kỹ thuật số, mạng xã hội để đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, thích ứng gu thưởng thức của công chúng thời số hóa; nâng chất các chuyên mục, chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu... là những nhiệm vụ đồng bộ cần sự đổi mới của các cơ quan báo chí địa phương, nhất là khi mô hình sáp nhập báo và đài đã khởi động.
Trong chỉ đạo các cơ quan báo chí sau sáp nhập, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt lưu ý: “Trước hết, Ban Biên tập phải xây dựng tập thể đoàn kết, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số để thích ứng với thời cuộc; tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền các nghị quyết, kết quả phát triển kinh tế - xã hội nổi bật của địa phương trong nhiệm kỳ qua; lan tỏa những thông tin tích cực, hình ảnh đẹp để lấn át cái xấu, tư tưởng chống phá của các thế lực thù địch…”.
Báo chí lan tỏa những giá trị văn hóa, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” là đang góp phần thực thi xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Sứ mệnh ấy rất cao cả, là sự tiếp nối trọng trách mà những chiến sĩ báo chí trăm năm qua đã tròn. Người làm báo hôm nay phải noi theo, để mỗi chiến sĩ cầm bút, gõ bàn phím góp phần xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam vẻ vang trong quá khứ, hùng mạnh ở tương lai.
CẨM THÚY
- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính
- Văn phòng Tỉnh ủy: Tập huấn sử dụng Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp các cơ quan Đảng
- Bàn bạc, thống nhất nhiều nội dung quan trọng để hợp nhất 2 cơ quan Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu và Cà Mau
- Giám định Dự án xây dựng tuyến đường từ cầu Tư Cồ đến chùa Linh Ứng (huyện Đông Hải)
- Nhiều đơn vị, địa phương thăm, chúc mừng các cơ quan báo chí nhân dịp 21/6