Tháng Chạp và những bận rộn của người quê

Thứ Sáu, 13/01/2017 | 16:12

Ở nông thôn thì giữa tháng Chạp là không khí tết đã tràn về, người ta dễ dàng nhận thấy qua việc trang trí lại nhà cửa, sửa chữa đường sá, hay thu hoạch các loại củ quả phục vụ tết như gừng, bí trắng, hành, tỏi, kiệu… là những thức ăn luôn có trên mâm tết của người Việt từ bao đời. 

Tháng Chạp có trăm công ngàn việc với người quê, nhưng với nỗi lo tết thì họ chẳng bao giờ xao lãng. Ban ngày làm gì làm nhưng đến đêm thì cả nhà hụ hị bên đống củ quả đã thu hoạch kia. Lặt hết râu ria, làm sạch thậm chí làm bóng chúng. Nếu trồng nơi đất cát hay đất pha cát thì công đoạn này khá là nhàn hạ chỉ với vòi nước be bé xịt qua là sạch trơn. Ngược lại với đất thịt thì quả là vất vả.

Khi mà công việc đồng áng đã tạm ổn, thì giờ trống trải nào có được là người quê đem biếu hết cho các chợ ở quê. Ở đó tấp nập nhất là hàng quần áo trẻ em, bởi ngoài nó thì toàn là hàng “cây nhà lá vườn”, có gì để sắm, để mua. Ngày đó, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên được mẹ cha sắm cho bộ quần áo mới, trẻ nào mà không thích. Thời tôi bao lì xì cũng không có, đó là sự thật. Có chăng là ngày tết người quê đến với nhau bằng chai rượu, bọc bánh mứt mà gia đình họ làm được. Quý lắm đấy. Không hớn hở tươi cười, chào đón thì mới là chuyện lạ. Người quê thích chân chất nhưng phải ngọt ngào. Họ ăn bằng tình, bằng mắt chứ không phải bằng miệng. 
Miếng cá trao qua thì miếng cà trao lại. Chủ nhà lại đem ra món gì ngon nhất để đãi  khách. Nhà tôi chỉ có món mứt bí, mứt gừng là tuyệt ngon. Là món mà giữa tháng Chạp phải nhanh thu hoạch và phơi cho được nắng. Nắng làm bớt hăng, bớt mủ trong hai loại củ quả này. Với bí trắng thì chỉ cần gọt vỏ, cắt theo hình mình thích, ngâm với nước chanh phơi nắng một ngày, rồi rim với đường là xong. Còn gừng thì khó và vất vả hơn. Phải xăm cho ra hết mủ nhưng không để nát, làm sao khi rim xong còn nguyên dáng củ gừng thì mới là tài. Chỉ nhìn thôi là đã mê ly rồi. Tuyệt chiêu là ở chỗ đó, thêm chút vất vả, chút tỉ mẩn cùng với sự khéo tay thì món ăn nào cũng sẽ ngon hơn gấp nhiều lần. 
Đã nói “ngày đó” thì phải nói “bây giờ”. Bây giờ, đời sống khá đủ đầy, cao hơn nhiều so với trước. Không hoài cổ đến độ phải về quê để tìm hưởng cái không khí tết xưa khi mà ở đó giờ cũng đã đổi thay. “Cánh tay thương mại” đã thò đến mọi nhà, từ cây kim, sợi chỉ đến gói mì, cân nếp đều được họ phục vụ “thượng đế” hết cỡ. 
Riêng tôi, hình ảnh tết quê đã khắc sâu vào tâm khảm và bùng lên với không biết bao nhiêu là ưu ái khi mỗi độ xuân về. Nhất là những người xa quê đã lâu, cái nhớ càng thêm cồn cào. Cũng có thể do ngày đó thiếu thốn quá nên ăn gì cũng thấy ngon, mặc gì cũng thấy đẹp mà nhớ hoài chăng? 
LÝ THỊ MINH CHÂU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.