Nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15: Người làm thơ ở Bạc Liêu…

Thứ Sáu, 10/02/2017 | 16:14

“Nếu rượu làm cho người ta say vì được chưng cất từ ngũ cốc, thì thơ có lẽ được chưng cất từ cuộc sống nên mới làm cho người ta mê say như vậy”. Đúng là như vậy, uống rượu thường xuyên và gặp được bạn tâm giao trong những cuộc say đó thì say mãi quên thôi, còn tìm đến thơ thường xuyên và gặp được người tri kỷ sẻ chia những vần thơ đồng điệu thì cũng sẽ mê say cùng thơ… Thi ca ra đời, được tìm gặp và ở lại trong lòng người yêu thơ ở Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng cũng bằng con đường như vậy.
Người làm thơ ở Bạc Liêu chưa được chứng nhận là “nhà thơ”, nhưng thơ của họ nếu đã đến với người đọc thì cũng làm người ta mê say! “Danh chính ngôn thuận” thì chỉ được gọi là tác giả thơ, bởi họ chưa được Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp là hội viên chính thức! Thế nhưng, với người đọc, họ chính là những nhà thơ - theo cách hiểu đơn giản và sự chứng nhận ở đây là bằng niềm hâm mộ, thái độ trân trọng, hễ cứ làm thơ thì là nhà thơ, thế thôi! 

Đông đảo người dân đến tham quan triển lãm thơ tại Ngày thơ Việt Nam năm 2016 do Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh tổ chức. Ảnh: C.T

Lực lượng sáng tác thơ ở Bạc Liêu khá phong phú. Họ là những hội viên sinh hoạt trong Chi hội Văn học, Chi hội VH-NT các dân tộc thiểu số, Chi hội VH-NT Trường đại học Bạc Liêu, Chi hội VH-NT Công an tỉnh (trực thuộc Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh), thành viên trong các câu lạc bộ thơ nhạc, nhóm tự lập, câu lạc bộ hưu trí, hoặc cũng có thể là những người làm thơ tự do, cán bộ về hưu, người cao tuổi yêu thích văn chương, giáo viên, thương binh, doanh nhân, bác sĩ, học sinh… Những tác phẩm viết ra có nhiều bài được đến với công chúng, được thưởng thức và yêu thích; cũng có những tác phẩm được cất giữ riêng trong lòng, viết ra để gối đầu nằm thao thức, nhớ hoài về một hình bóng xưa cũ nào đó… Tất thảy đều là thơ! Cũng có những bài thơ được ra mắt công chúng và người yêu thơ, mỗi năm một lần, nhân dịp Ngày thơ Việt Nam do Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh tổ chức. Cùng với điệu ngâm hùng hồn khi cất lên lời bài thơ thần “Sông núi nước Nam” - bản Tuyên ngôn độc lập bằng thơ của Việt Nam và bài thơ mở đường cho đêm thơ Nguyên tiêu “Rằm tháng Giêng” của Bác, những bài thơ của người làm thơ Bạc Liêu cũng được hòa nhịp để tạo thành một Ngày thơ Việt Nam thật ấm áp, tôn vinh nền thi ca Việt Nam và những đóng góp lặng thầm của những người làm thơ Bạc Liêu…
Với buổi tọa đàm về thơ như một bàn tròn thi ca, những người yêu thơ và người làm thơ ở Bạc Liêu được trải lòng mình. Những bài thơ từng làm công chúng hâm mộ sẽ được chia sẻ cùng nhau, những bài thơ ấp ủ bấy lâu cho riêng mình nhân lúc cao hứng cũng được “bật mí”… Một không gian ngập đầy cảm xúc như thế thật hiếm hoi và đối với riêng người yêu thơ thì nó quý giá biết chừng nào giữa những xô bồ cuộc sống. Những bài thơ cùng những bài thơ phổ nhạc được trịnh trọng ghi bằng nét bút thư pháp ra mắt người xem, khiến người làm thơ ấm lòng mà người yêu thơ cũng được tìm đến những vần thơ hay, mới lạ. Những giọng ngâm trầm ấm trong đêm Nguyên tiêu cũng làm cho thơ như ngọt ngào hơn, đánh trúng nỗi lòng của người viết ra… Đó là Ngày thơ Việt Nam ở Bạc Liêu năm nay, một không gian của riêng thơ ca thấm đẫm cảm xúc và sẽ lắng đọng trong lòng người nhiều điều, tin chắc là như vậy.
Không có nhà thơ mà thơ ca Bạc Liêu cũng lai láng như suối nguồn, đủ đầy cung bậc cảm xúc, những tác giả thơ như Ngọc Yến, Tú Nhã, Tú Cần, Minh Hua, Vũ Phượng, Song Nguyễn, Lâm Tẻn Cuôi, Nguyễn Vũ, Thạch Đờ Ni, Minh Toàn, Chí Tôn, Minh Phúc… đã cho “nhánh” thơ Bạc Liêu (trong kho tàng thi ca Việt Nam) những bài thơ tình chứa chan cảm xúc: tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, tình yêu dành cho gia đình… Và  thơ ca Bạc Liêu đâu đợi đến Ngày thơ Việt Nam mới thấy rõ bóng dáng, những tập thơ lần lượt ra mắt độc giả của người làm thơ Bạc Liêu như  “Hôn lên nỗi buồn”, “Vết son”, “Phiên bản tình” của Ngọc Yến; “Thời trăng cũ”, “Tóc bay miền nhớ”, “Ảo ảnh tình xa” của Lâm Tẻn Cuôi; những tập thơ in chung của nhiều tác giả… nếu không làm mê say thì cũng đủ khiến “điêu đứng” những ai yêu thích thơ ca, và cả nhạc nữa, vì rất nhiều bài trong đó được âm nhạc chắp cánh. 
Người làm thơ ở Bạc Liêu cứ âm thầm sáng tác, sẻ chia bằng những con đường riêng của mình, rồi gặp được những tâm hồn đồng điệu. Con đường thơ cứ trải dài như thế vì cảm xúc và tình yêu trong người làm thơ sẽ không bao giờ thôi thổn thức, nói theo cách sẻ chia của tác giả thơ Ngọc Yến: “Phải có cảm xúc thì mới viết thơ được”. Vâng, chính cảm xúc (có khi “nhờ” con tim đã nhiều lần… “lỡ nhịp”) đã giúp người làm thơ Bạc Liêu và những “đứa con tinh thần” họ tạo ra có chỗ đứng riêng trang trọng trong lòng người yêu thơ!
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.