Văn hóa - Nghệ thuật
Nhà cổ ở Bạc Liêu: “Hồn ở đâu bây giờ?”
Bạc Liêu có một di sản vật thể quý hiếm mà không phải ở đâu muốn là xây dựng được! Đó là các công trình kiến trúc nhà cổ. Những ngôi nhà đời xưa như “trơ gan cùng tuế nguyệt”, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và sẽ đem về nhiều cái lợi cho người đời nay, đời sau nếu chúng ta biết cách gìn giữ, phát huy giá trị…
Lưu dấu vàng son…
Theo báo cáo tổng kiểm kê di sản văn hóa năm 2006 của ngành chức năng, Bạc Liêu có 21 công trình nhà cổ cùng một quần thể công trình kiến trúc phố chợ nằm trên đường Điện Biên Phủ (đoạn từ đầu đường Hà Huy Tập đến giáp cầu Kim Sơn). Nhà cổ ở Bạc Liêu được xây dựng từ nửa cuối thể kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Nhiều ngôi nhà đã rêu phong nhưng đường nét cổ kính vẫn còn đó, như minh chứng cho sự phồn vinh của xứ Bạc Liêu một thời nổi tiếng là vùng đất nhiều sản vật nhất nhì Nam kỳ lục tỉnh. Thông qua những nét kiến trúc, kết cấu, hoa văn, họa tiết, sự bài trí của nhiều ngôi nhà cổ, người đời nay sẽ thấy được các giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử dân tộc qua từng giai đoạn phát triển mà người đời trước đã gửi lại trong mỗi công trình.
Lịch sử kiến trúc đô thị cũng như kiến trúc nhà ở Bạc Liêu được đánh dấu mốc vào năm 1882, chính quyền Pháp lúc bấy giờ đã tiêu tốn khá nhiều tiền để xây cất dinh thự, công sở làm việc như: Tòa Tham biện (nay là trụ sở Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh), Tòa Ngân khố (nay là Ngân hàng Công thương), Tòa bố Pháp (nay là nơi làm việc của Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh)… Ngoài ra, Bạc Liêu còn hình thành nhiều biệt thự, nhà cao cấp khác được các địa chủ, điền chủ của địa phương xây cất theo lối kiến trúc phương Tây như tòa nhà của đại điền chủ Vưu Tụng, Huyện Sổn, Hội đồng Trạch (cụm nhà Công tử Bạc Liêu) được xây cất dọc dài theo bờ sông Bạc Liêu; bên kia bờ sông còn có nhiều căn nhà mang nét Á Đông. Đặc biệt có phủ thờ dòng họ Cao Triều sang trọng, cổ kính vang tiếng một thời (nhà ông Cao Triều Trực, nhà ông Cao Triều Phát…). Còn nữa là những ngôi nhà Tây của các trí thức Tây học người Việt như nhà ông Trần Văn Chương - thân phụ bà Trần Lệ Xuân, phu nhân ông Ngô Đình Nhu (nay là Bảo tàng tỉnh) xây dựng năm 1916; nhà luật sư Lý Bình Huê (nay là Tòa soạn Báo Bạc Liêu) xây dựng năm 1940, nhà ông Võ Văn Giỏi và bà Triệu Thị Vạn xây dựng trước năm 1930 (nay là Trung tâm Dịch vụ đô thị)…
Theo chân những đoàn khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là các đoàn khảo cổ học Nhật Bản, tôi được mở mang thêm nhiều điều lý thú và hay rằng, Bạc Liêu đang sở hữu những di sản vật thể vô cùng quý giá. Họ phân tích đại ý rằng: đa số các ngôi nhà Tây xưa ở Bạc Liêu đều có không gian thoáng đãng, dù là mùa nào cũng cảm thấy thoáng mát, dễ chịu. Mặt khác, với nét kiến trúc có sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố hiện đại và truyền thống, kết hợp phong thủy đã hình thành cái độc đáo “vừa Tây, vừa ta” trong kiến trúc nhà cổ Bạc Liêu! Chính những đặc trưng này đã làm cho quần thể kiến trúc nhà xưa ở Bạc Liêu mang một sắc thái khác hẳn những dấu ấn Tây ở TP. HCM, Hà Nội… Và đó là tài sản vô giá đối với ngành Du lịch Bạc Liêu.
Đoàn nghiên cứu của Nhật Bản khảo sát kiến trúc xây dựng ngôi nhà cổ của ông Võ Văn Giỏi (trước là Thư viện tỉnh, nay là Trung tâm Dịch vụ đô thị). Ảnh: C.T
Bảo vệ khẩn cấp - phát huy giá trị
Việc đập phá hoàn toàn một ngôi nhà cổ trên địa bàn TP. Bạc Liêu cách đây vài năm là một bài học đắt giá trong việc bảo tồn nhà cổ ở Bạc Liêu mà những người có trách nhiệm phải rút kinh nghiệm! Ngoài một số ngôi nhà cổ hiện đang phát huy giá trị trong việc thu hút du khách thì nhiều ngôi nhà còn lại chẳng biết “hồn ở đâu bây giờ” khi “xác” đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng! Hoặc nhà cổ bị người dân… cách tân đến mất gốc!
Năm 2007, UBND tỉnh đã giao Bảo tàng tỉnh lập dự án bảo tồn nhà cổ trên địa bàn TX. Bạc Liêu (nay là TP. Bạc Liêu). Nghĩa là công tác bảo tồn nhà cổ đã được quan tâm, thế nhưng nhìn vào thực tế, hiện nay nhiều trong số 21 ngôi nhà cổ ở TP. Bạc Liêu vẫn trên đà… xuống cấp. Có rất nhiều nguyên nhân, ngoài tác nhân môi trường thì còn do chính nhận thức con người trong việc bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp chưa kịp thời! Thiết nghĩ, việc bảo vệ khẩn cấp nên được quan tâm bằng những hành động thiết thực nhất đối với những công trình vô giá khó tìm này!
Những du khách nước ngoài am hiểu về kiến trúc cổ khi chiêm ngưỡng các công trình nhà cổ Bạc Liêu đã nhìn nhận rằng đó là những di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Đây còn là tài nguyên du lịch có giá trị của Bạc Liêu nếu biết kết hợp phát triển du lịch. Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo (đảm bảo tính nguyên gốc, chính xác, tính vẹn toàn và sự bền vững của nhà cổ) cần kết hợp tôn tạo cảnh quan thiên nhiên xung quanh, kết hợp sinh hoạt đờn ca tài tử, chế biến và kinh doanh ẩm thực dân dã, gắn kết các giá trị nhân văn khác tùy theo giá trị lịch sử từng ngôi nhà (như nhà Hội đồng Trạch gắn với sự thật và giai thoại về Công tử Bạc Liêu, phủ thờ dòng họ Cao Triều gắn với cuộc đời và sự nghiệp nhân sĩ Cao Triều Phát, nhà ông Trần Văn Chương gắn với câu chuyện về gia đình bà Trần Lệ Xuân…).
Bào tàng tỉnh đang thực hiện đợt tổng kiểm kê các di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng và chưa xếp hạng trên địa bàn tỉnh, trong đó có 12 công trình nhà cổ. Việc làm này là động thái tích cực để tiến tới thành lập một đề án về bảo tồn và phát huy giá trị di tích của Bạc Liêu, trong đó có các công trình kiến trúc cổ.
Phan Anh