Hát về Người…

Thứ Tư, 31/08/2016 | 16:57

Hát về Người, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hát bằng trái tim. Những ca khúc đó đã được tác giả viết bằng cả tấm lòng, rồi trao truyền lại cho người hát, họ cũng hát bằng cả sự trân trọng, kính yêu. Có lẽ bởi vì, cuộc đời Người, những cống hiến của Người cho dân tộc này là bao la, không gì sánh nổi, xuất phát từ một trái tim vĩ đại luôn dành tình yêu cho Tổ quốc, đồng bào. Người đã ra đi nhưng trí tuệ, bản lĩnh, tầm vóc và trái tim đó mãi còn ở lại để bao thế hệ nối tiếp nhau ca vang “Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người…”.

“Bác ơi thương nhớ vô cùng, thầm gọi tên kính yêu vô vàn tên Người Hồ Chí Minh/ Toàn dân muôn lòng ghi dấu ơn Bác suốt đời hy sinh…”. Từ lúc nhỏ, khi còn chưa biết tựa của bài hát là gì thì nhiều thiếu nhi như tôi - cách đây chừng 30 năm - đã thuộc lòng những lời ca ấy. Sau này, tôi mới biết đó là ca khúc “Bài ca nhớ Bác” của nhạc sĩ Xuân Quang. “Bắc Nam sum họp một ngày thỏa lòng Bác mong, miền Nam mong đợi một ngày Bác sẽ vô thăm”, đó không còn là ca từ của một bài hát mà trở thành tiếng lòng, niềm mong mỏi của triệu triệu thiếu nhi nói riêng, đồng bào miền Nam nói chung khi nghĩ về Bác!

“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng…”. Ảnh: T.L

Hỏi những thiếu nhi Việt Nam, thử có cháu nào mà không biết giai điệu dễ thương, trìu mến này: “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, râu Bác dài tóc Bác bạc phơ…”. Những khu vui chơi cho thiếu nhi, những nhà nuôi dạy trẻ, nhạc dạo đầu cho những chương trình vui chơi dành cho trẻ nhỏ như “Đêm hội trăng rằm”… dường như luôn xuất hiện ca khúc này như một nhạc hiệu! Nhưng có lẽ ít ai biết được nguồn gốc của ca khúc “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”. Năm 1969, khi hay Bác qua đời, nhạc sĩ Xuân Giao đã sáng tác bài hát này trong niềm xúc cảm dâng trào. Nhạc sĩ đã ghi lại ký ức bản thân về một lần được gặp Bác, nhân đó viết lên niềm ước mong được gặp Bác của thiếu nhi Việt Nam nhiều thế hệ: ước mong được gặp Bác! Ở Việt Nam, một điều ngạc nhiên là rất nhiều đứa trẻ khi chưa biết mặt con chữ đã khắc ghi hình ảnh Bác trong trí óc non nớt của chúng! Tình yêu đặc biệt ấy thể hiện đầy đủ trong ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã. Bài hát này ra đời ngay sau Quốc khánh 2/9/1945. Ngày khai giảng đầu tiên của đất nước độc lập - ngày 5/9/1945 - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho thiếu nhi gửi gắm rằng: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn công học tập của các cháu”. Cũng ngay trong Trung thu độc lập đầu tiên ấy, Người còn bày cỗ vui Trung thu cùng các cháu thiếu nhi… Những tình cảm đặc biệt của Bác dành cho thiếu nhi đã tạo nguồn cảm hứng sâu sắc để Phong Nhã viết “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, ca khúc được bình chọn là một trong những bài hát hay nhất của thế kỷ XX cũng đã sống mãi với thời gian, trong lòng những thế hệ thiếu nhi Việt Nam…
Hàng trăm ca khúc về Bác, trong đó rất nhiều ca khúc với giai điệu đầy tự hào, vẻ vang, có thể kể đến như “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Người là niềm tin tất thắng”, “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, “Lời ca dâng Bác”, “Đêm hành quân nhớ Bác”… Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều ca khúc trầm lắng hơn, xúc động và khắc sâu trong tim dân tộc Việt Nam về chân dung  người lãnh tụ suốt đời hy sinh bản thân mình vì lợi ích của Tổ quốc, dân tộc! Những ca khúc ấy, người hát có khi nghẹn ngào không hát tròn câu, người nghe không ngăn nước mắt. Hãy lắng nghe giai điệu bài ca “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường: “Tôi hát ngàn lời ca, bao la hơn những cánh đồng, mênh mông hơn mặt biển Đông, êm đềm hơn những dòng sông… Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người, là một niềm tin Hồ Chí Minh…”. Trong số hàng trăm ca khúc viết về Bác Hồ thì đây được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, ra đời vào năm 1962, lúc đất nước còn chưa thống nhất! 
Nhạc sĩ Trần Hoàn viết một ca khúc về những giây phút cuối đời của Bác khiến mỗi người nghe đều trực trào nước mắt - “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”: “Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca, trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời. Người muốn đem tận vô cùng, bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông”. Bác muốn nghe khúc hát dân ca trước lúc về bên kia thế giới là để nhắc nhở cháu con, giống nòi: “Rằng đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu thắm thiết những câu hát dân ca”. 
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn thì viết về hành trình ra đi của Bác bằng ca khúc “Dấu chân phía trước”: “Khi tôi còn là hạt bụi người đã lên tàu đi xa…”. Vâng, những “hạt bụi” như chúng ta, những lớp trẻ đời nay và đời sau, dù chưa biết nếm trải chiến tranh vẫn rất tỏ tường rằng, những dấu chân mà Bác đã đi, những dấu chân ấy “không nhẹ như mây”, “không êm không ấm”, “không là dấu nắng”, mà là “mười ngón trăn trở bầm sâu”, vì đó là “dấu chân của dáng đứng lâu, nặng hai vai là Tổ quốc”. Những dấu chân ấy ra đi, bôn ba xa xôi mọi miền “để tôi được là Việt Nam”, “Để người người sống tự do, nhẹ nhàng đôi chân mà bước/ Bác đã là người đi trước, khai rừng băng sông mở lối, cho tôi có cả cuộc đời”. Những dấu chân phía trước ấy đã cho dân tộc Việt Nam có được đất nước mình, xây dựng cuộc đời mình!
Hàng trăm bài hát ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh với những cung bậc tình cảm phong phú mà mỗi nhạc sĩ khi viết, chắc rằng đã cân nhắc từng câu chữ để suy tôn Bác! Cho nên, kho tàng âm nhạc Việt Nam đã có những bài ca bất hủ, những tuyệt tác âm nhạc đi cùng năm tháng như thế về Người.
Cẩm Thúy 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.