Văn hóa - Nghệ thuật
“Giữ lửa” cho nghệ thuật múa trống Sa-dăm
Trong kho tàng nghệ thuật dân gian Khmer, múa trống Sa-dăm (hay Chhay-dăm) là một trong những niềm tự hào của người dân phum sóc. Mặc dù không còn phát triển rầm rộ như trước, song nhiều nghệ sĩ và đồng bào Khmer Bạc Liêu vẫn âm thầm “giữ lửa”, phát huy sức sống loại hình nghệ thuật độc đáo này trong đời sống hiện đại.
Trong bất kỳ lễ hội, sinh hoạt văn hóa của người Khmer, múa trống Sa-dăm luôn là “món ăn tinh thần” không thể vắng mặt. Mọi người yêu thích vì sự vui nhộn, đặc sắc được tạo nên từ những nhạc cụ (chập chõa, Rua Keng, trống, Kráp…) và động tác múa.
Một tiết mục múa trống Sa-dăm của Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Theo các nghệ nhân múa trống Sa-dăm, xuất phát từ dân gian nên các động tác múa trống mang tính tùy hứng nhiều hơn là tuân theo bài bản. Muốn thể hiện thuần thục các điệu múa, người biểu diễn phải làm chủ được chiếc chiếc trống, điều khiển sao cho nhịp nhàng và sinh động. Ngoài ra, còn phải có sức khỏe tốt và sự dẻo dai để thể hiện liên tục nhiều động tác nhảy múa, thậm chí nhào lộn. Dù không còn nhanh nhạy như trước, nhưng những động tác múa của ông Lý Vương - Đội trưởng đội múa trống Sa-dăm xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) vẫn rất mềm mại, linh hoạt. Gần 20 năm dành tình yêu cho Sa-dăm, ông Vương đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị điệu múa trong cộng đồng. Từ niềm đam mê của bản thân, người nghệ nhân dân gian này đã âm thầm trao truyền cho thế hệ trẻ với hy vọng tình yêu Sa-dăm sẽ ngày càng lan tỏa. Đặc biệt, toàn bộ nhạc cụ, trang phục biểu diễn đều do đội tự xuất kinh phí trang bị. Ông Vương tâm sự: “Múa trống Sa-dăm là loại hình nghệ thuật rất độc đáo nhưng dần bị mai một trong cộng đồng người Khmer. Bởi vậy, tôi dành nhiều tâm huyết để truyền dạy cho các bạn trẻ những gì tôi đã được học về điệu múa này. Rất phấn khởi là các em đều yêu thích, chịu khó tập luyện, góp phần giúp múa trống Sa-dăm gìn giữ sức sống trong xã hội hiện đại”.
Những năm gần đây, múa trống Sa-dăm đã được chuyên nghiệp hóa bởi các đoàn nghệ thuật Khmer ở Nam bộ. Ngoài tính chất tùy hứng, điệu múa được sáng tạo để nâng tầm cho tiết mục biểu diễn. Nếu trước đây, Sa-dăm chỉ múa đơn, tập thể thì nay xuất hiện các hình thức: song tấu, tam tấu, tứ tấu theo kiểu đấu trống. Điểm hấp dẫn của những hình thức này là mỗi người biểu diễn vừa phải thể hiện cái tài riêng, vừa hỗ trợ nhau để tạo nên tiết tấu nhịp nhàng, lôi cuốn. Không chỉ là dùng tay, người biểu diễn còn dùng cả khuỷu tay, đầu gối, gót chân để đánh trống. Từ nhiều cách đánh khác nhau mà những giai điệu được tạo ra cũng rất phong phú, đặc sắc. Nghệ sĩ Lý Chiến (Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu) cho biết: “Tiết tấu của múa trống Sa-dăm có khi nhanh, khi chậm, lúc nhẹ nhàng giao duyên, lúc mạnh mẽ vui đùa. Cái khó nằm ở người múa trống phải vừa nhảy, nhào lộn nhiều vòng nhưng phải giữ được nhịp điệu, tuân theo tiết tấu. Với những giá trị độc đáo đó, múa trống Sa-dăm là nội dung không thể thiếu trong nhiều chương trình biểu diễn phục vụ đồng bào Khmer của đoàn”.
Tiếng trống, điệu múa Sa-dăm không chỉ tượng trưng cho sự vui khỏe, an lành người dân tộc Khmer, mà còn giúp cho những lễ hội, sinh hoạt cộng đồng thêm tưng bừng, vui tươi. Nghệ thuật độc đáo này sẽ được ngành chức năng dành sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn để tồn tại mãi theo thời gian, đó là mong muốn của những nghệ sĩ, nghệ nhân Bạc Liêu trót gửi tình yêu cho múa trống Sa-dăm.
TRỊNH HỮU
- Bạc Liêu - Cà Mau tiếp tục họp bàn kịch bản tăng trưởng, mục tiêu phát triển cho tỉnh mới sau hợp nhất
- Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, 3 bị can đã và đang làm việc tại Công ty Xổ số kiến thiết Bạc Liêu bị khởi tố
- Triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trong Bộ Quốc phòng
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thông qua các đề án sắp xếp đơn vị hành chính
- Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Tập huấn công tác giảm nghèo tại Bạc Liêu