Văn hóa - Nghệ thuật
Đưa đờn ca tài tử vào trường tiểu học: “Điểm sáng” trong cách bảo tồn!
Lần đầu tiên trong tỉnh, nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) đã chính thức đi vào nội dung chương trình học ngoại khóa của học sinh tiểu học. Đây được xem là một trong những động thái thiết thực mà ngành chức năng làm được kể từ khi bộ môn nghệ thuật này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chương trình dạy - học ĐCTT diễn ra tại 6 trường tiểu học trên địa bàn TP. Bạc Liêu gồm: phường 2, phường 7, Hiệp Thành 1, Hiệp Thành, Thuận Hòa và Phùng Ngọc Liêm. Ngoài giờ học chính khóa, học sinh còn có thêm 10 buổi ngoại khóa để làm quen với loại hình âm nhạc truyền thống độc đáo này. Đa phần các em đều biết đến ĐCTT trước khi đến với lớp học này. Song, ở cái tuổi còn ham chơi hơn ham học, thì việc theo đuổi “tới nơi tới chốn” một môn học mới là chuyện không hề đơn giản. Tuy nhiên, nhìn vào sinh khí khai giảng tại các lớp học cùng niềm háo hức hiện rõ trên gương mặt trẻ thơ, có thể nói chuyện đưa ĐCTT vào trường học đã thành công bước đầu.
Một buổi học đờn ca tài tử tại Trường tiểu học phường 2 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: N.V
Có mặt ngay từ ngày đầu tiên của khóa học, bé Nguyễn Yến Linh (phường 2, TP. Bạc Liêu) đã bộc lộ niềm phấn khích khi thấy mấy cô chú biểu diễn phục vụ. Yến Linh có cha mẹ theo nghiệp ĐCTT, nên mấy chị em Linh đều biết ca từ lúc còn rất nhỏ. Yến Linh tâm sự: “Con ca được mấy bài Xuân tình từ hồi học lớp 1 rồi. Con thích nhạc tài tử lắm. Con muốn ca hay như mấy cô, mấy chú trên tivi”. Hỏi thêm vài em trong lớp học, chúng tôi đều nhận được những câu trả lời giống nhau: “Tụi con muốn ca hay giống cô giáo (là chị Trần Thu Tâm - Trung tâm Văn hóa tỉnh - đứng lớp hướng dẫn). Dẫu là lớp học ngoại khóa, nhưng có được niềm hứng khởi và nhiệt tình học tập từ các em, lớp học đã đi đúng hướng trong câu chuyện đưa ĐCTT đến với thế hệ tiếp nối.
Trong 10 buổi học, những người truyền nghề dạy kỹ năng “giữ nhịp” cho các em ca tròn bản Dạ cổ hoài lang theo đúng chuẩn. Từ đó, mới tiếp tục hướng dẫn thêm các bài bản vắn của âm nhạc tài tử. Việc truyền nghề một cách bài bản cho giới trẻ đã được khởi động đầy nhiệt huyết, để từ những lớp học này, niềm đam mê tài tử ở những tâm hồn trẻ thơ được tiếp thêm sức mạnh để có thể thực hiện trọng trách giữ lửa cho phong trào ĐCTT trong tương lai. Động thái này sẽ tác động tích cực đến công tác bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo ở vùng đất được xem là một trong những “chiếc nôi” của nghệ thuật ĐCTT!
Ngoài ý nghĩa như một cơ hội để các em thiếu nhi có thể tiếp cận ĐCTT một cách bài bản, các lớp ngoại khóa này còn mở ra hướng đi mới để các tác phẩm sáng tác bài bản tài tử, vọng cổ dành cho thiếu nhi có “đất dụng võ”. Sau khi nắm vững các thể điệu, nhịp nhàng, các em thiếu nhi sẽ có đủ trình độ để tập tành các bài ca phù hợp với lứa tuổi của mình. Như vậy, chuyện đưa ĐCTT vào trường học lúc này nằm trong kế hoạch của Bạc Liêu nhằm tạo ra lực lượng kế thừa chuyên nghiệp hơn.
Ngọc Vũ
- Bạc Liêu - Cà Mau tiếp tục họp bàn kịch bản tăng trưởng, mục tiêu phát triển cho tỉnh mới sau hợp nhất
- Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, 3 bị can đã và đang làm việc tại Công ty Xổ số kiến thiết Bạc Liêu bị khởi tố
- Triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trong Bộ Quốc phòng
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thông qua các đề án sắp xếp đơn vị hành chính
- Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Tập huấn công tác giảm nghèo tại Bạc Liêu
- Giá tivi sony 55 inch mới nhất 2025