BÀI HÁT “BẠC LIÊU QUÊ TÔI”: Nhớ ngày giải phóng…

Thứ Hai, 29/04/2013 | 19:54

Đã 38 năm trôi qua, cứ mỗi sớm mai thức dậy thì khắp phố phường TP. Bạc Liêu lại vang lên giai điệu thiết tha, tươi vui của bài “Bạc Liêu quê tôi” được rất nhiều người yêu thích. Thế nhưng, “cha đẻ” và nguyên nhân ra đời bài hát này thì có lẽ, vẫn còn nhiều người chưa tận tường…

Bài “Bạc Liêu quê tôi” do nhạc sĩ Lê Hoàng Bửu sáng tác. Ông sinh năm 1950 tại ấp Phú Quý (xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Có năng khiếu từ nhỏ, cộng với lòng đam mê âm nhạc và được sự chỉ dẫn tận tình của người anh họ, nên Lê Hoàng Bửu tiến bộ rất nhanh. Năm 1965, Lê Hoàng Bửu tham gia Đoàn văn công Giải phóng khu Tây Nam bộ và chính thức trở thành người chiến sĩ “tay đàn, tay súng” đi phục vụ khắp chiến trường Tây Nam bộ. Mỗi xóm làng anh đi qua đều để lại ít nhiều kỷ niệm, sự mất mát hy sinh của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ta là những vết cắt khó lành trong lòng anh. Đồng hành với những gian nan cũng là giai đoạn tích lũy vốn sống, khẳng định lý tưởng và nuôi lớn tình yêu nghệ thuật, để rồi sau đó lần lượt cống hiến cho đời những tác phẩm chứa chan tình yêu, khát vọng hòa bình, sự tri ân và khắc khoải nỗi niềm với cố hương, trong đó có bài “Bạc Liêu quê tôi”.

Nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Lê Hoàng Bửu. Ảnh: T.L

Sau khi Đài Truyền thanh TX. Bạc Liêu tiếp thu cơ sở vật chất của ngụy quyền để lại, các đồng chí được giao nhiệm vụ làm công tác truyền thanh đã bắt tay vào việc, người lo củng cố hệ thống máy móc, người lo nội dung phát sóng, việc chọn nhạc hiệu cho đài cũng hết sức cân nhắc. Chị Trần Thị Kim Hoàng, nguyên Trưởng đài Truyền thanh TX. Bạc Liêu đầu tiên sau ngày giải phóng kể lại: “Ban đầu, chúng tôi tạm thời sử dụng bài hành khúc không có lời được vài ngày, tuy rất hùng hồn nhưng không phù hợp với địa phương. Tình cờ, tôi nghe trong băng cát-sét mà ba tôi (ông Trần Tấn Phương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu) tặng cho đài có bài “Bạc Liêu quê tôi” của anh Hoàng Bửu sáng tác, bài hát rất tình cảm và đúng với yêu cầu của đài nên tôi quyết định chọn làm nhạc hiệu của đài...”. Sau khi biết được bài hát này do ông Nguyễn Văn Đôi (nguyên là bảo vệ của ông Trần Tấn Phương) thu lúc trước tiếp thu, chúng tôi đã đến tìm gặp ông Đôi. Năm nay, ông Đôi đã 60 tuổi, hiện cư ngụ tại ấp Ninh Bình, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân. “Thời điểm gần ngày giải phóng, bộ đội và anh em diễn viên Đoàn văn công khu Tây Nam bộ về Bạc Liêu chuẩn bị tiếp thu, các anh tổ chức dạy đàn, dạy múa, sinh hoạt văn nghệ… đông vui lắm. Mấy anh nhạc công của Đoàn văn công đàn măng-đô-lin và ghi-ta thùng cho chị Ánh Xuân hát. Tôi nghe bài “Bạc Liêu quê tôi” thấy hay quá nên lấy máy cát-sét thu lại để nghe chơi, chứ không nghĩ rằng sau này lại được sử dụng…” - ông Đôi cho biết.

Thời điểm đó hầu như chưa có nhạc phẩm nào viết về Bạc Liêu. Bài “Bạc Liêu quê tôi” được phát sóng đã đáp ứng được sinh khí của những ngày đô thị vừa mới giải phóng, thể hiện niềm tự hào của những người chiến thắng lan tỏa khắp nơi. Khi công việc phát sóng đi vào nền nếp, chị Trần Thị Kim Hoàng mời anh em ở Phòng Văn hóa dàn dựng, thu âm lại cho đạt yêu cầu và bài “Bạc Liêu quê tôi” được sử dụng làm nhạc hiệu của đài cho đến nay. Mỗi ngày 3 buổi truyền thanh, cứ đúng 5 giờ sáng, hàng chục chiếc loa trong nội ô TP. Bạc Liêu lại vang lên ca khúc với giai điệu vui tươi, tự tin qua những ca từ được chắc lọc từ trong máu lửa, hòa quyện với tình yêu quê hương và hiện thực cuộc sống. Hạnh phúc của tác giả khi bản nhạc cất lên làm náo nức lòng người, dâng trào sung sướng khi độc lập, tự do trở thành hiện thực, đoàn tụ, sum vầy, ấm no, hạnh phúc khi quê hương sạch bóng quân thù. Những cảm xúc đó được nhạc sĩ Lê Hoàng Bửu diễn tả: “…Có ai về quê hương tôi Bạc Liêu, hãy vòng qua thăm xóm Mỹ Điền, rồi về thăm Châu Hưng lũy thép, đã bao năm đánh giặc giữ làng, có mẹ Năm tóc đã lên hoa, tay gầy yếu nhưng lòng bao la… Còn gì hơn độc lập tự do… Vui hân hoan đi dưới bóng cờ tung bay, gió Xuân đang tràn về Bạc Liêu…”.

“Khi chúng tôi được tăng cường từ khu về Bạc Liêu giúp tỉnh gầy dựng phong trào văn nghệ, đặc biệt là thành lập đoàn văn công thì tôi vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa suy nghĩ việc sáng tác ca khúc cho tỉnh. Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy và Ban Tuyên huấn rất quan tâm, thường động viên khích lệ tôi, nhưng tôi chưa tự tin lắm, cứ băn khoăn mãi. Tình cờ, tôi nghe mấy anh em kể lại chuyện một bà má chiến sĩ có đến 5 người con hy sinh, bản thân má là một đảng viên rất kiên trung… Vậy là tôi có được cái tứ rồi tiếp tục đưa hình ảnh quê hương xứ sở, những người dân hiền lành yêu nước đáng được tôn vinh, ca ngợi bằng giai điệu. Tôi miệt mài trau chuốt để ca khúc chuyển tải được chủ đề, đồng thời cũng gởi gắm vào đó tấm lòng của mình…” - nhạc sĩ Lê Hoàng Bửu bồi hồi nhớ lại khi dạo những nốt đầu tiên của bài hát “Bạc Liêu quê tôi”.

Nhạc sĩ Lê Hoàng Bửu cũng như bao người con đất Việt đón nhận hạnh phúc lớn lao của cuộc đời, của vận mệnh đất nước với lòng đầy tự hào, hạnh phúc khi được hưởng hòa bình, độc lập. Mỗi người biểu lộ niềm xúc động bằng cách của mình, còn với người nhạc sĩ đã từng đi qua bom đạn, từng chứng kiến cảnh sinh ly tử biệt thì niềm vui giành độc lập tự do còn lớn hơn nhiều. Nếu nói về tác phẩm tiêu biểu thì đối với nhạc sĩ Lê Hoàng Bửu thật khó mà phân loại “thấp - cao”, bởi mỗi chủ đề anh đều gởi vào đó một cảm xúc, nỗi nhớ thương, niềm hạnh phúc, lòng tri ân và cả khoắc khoải, đau đáu khôn nguôi… Mỗi ca từ đều mang sứ mệnh biểu thị tâm tư, mỗi giai điệu là mỗi nốt nhạc lòng của anh. Vì vậy, anh xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú được Nhà nước phong tặng.

Tháng Tư lại về, ký ức xưa cũng theo anh trở về. TP. Bạc Liêu hôm nay đã đĩnh đạc đi lên bằng tiềm lực mà những giá trị văn hóa - lịch sử là thế mạnh của đô thị trẻ và năng động. Biển xanh, muối trắng, lúa vàng… đan xen với từng khu kinh tế tạo nên diện mạo của Bạc Liêu sau 38 năm giải phóng và bài hát “Bạc Liêu quê tôi” của nhạc sĩ Lê Hoàng Bửu cũng đồng hành với tiến trình xây dựng và phát triển của vùng đất anh hùng mà nên thơ này.

Ngọc Diễm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.