Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

Thứ Tư, 03/04/2024 | 17:15

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 29 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; kết quả cho thấy công tác này hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Để đẩy mạnh công tác ATVSLĐ đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Công nhân lao động tại một cơ sở chế biến xuất khẩu tôm đông lạnh. Ảnh: K.K

CÁC CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU

Cụ thể, phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỷ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động (NLĐ) làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.

Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, người sử dụng lao động và NLĐ. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động, quan tâm ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao. Nâng cao hiệu quả, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, NLĐ trong Tháng hành động về ATVSLĐ, Tháng Công nhân hằng năm.

Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, các cơ quan báo chí trong vận động, tuyên truyền, xây dựng văn hóa an toàn lao động trong hội viên, đoàn viên và Nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng về bảo đảm ATVSLĐ và điều kiện làm việc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong thực tiễn, chú trọng chính sách phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của NLĐ, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn và các tổ chức có liên quan; chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe NLĐ; biện pháp phòng ngừa, ứng phó, xử lý sự cố tai nạn lao động; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ… bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia, tiếp cận tiêu chuẩn thế giới.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính theo hướng thiết thực, đơn giản, công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, NLĐ.

Chú trọng công tác đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với các nơi có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Quản lý chặt chẽ các dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ; quan trắc môi trường lao động; khám sức khỏe định kỳ, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện kỹ năng ATVSLĐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp; thanh tra lao động, thanh tra ATVSLĐ, bao gồm cả khu vực không có quan hệ lao động. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe NLĐ, bảo đảm ATVSLĐ.

Tăng cường nguồn lực nhà nước và doanh nghiệp đầu tư cho công tác ATVSLĐ gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho công tác ATVSLĐ.

KIM KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.