Xuân Kỷ Hợi 2019

Bạc Liêu: Vươn ra biển lớn!

Thứ Ba, 29/01/2019 | 13:43

Phát triển kinh tế biển được xếp vào 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng trụ cột này lại mang tính bao trùm cho tất cả các trụ cột khác. Do vậy, việc tập trung phát huy thế mạnh kinh tế biển (như nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo, du lịch, thương mại - dịch vụ…) cũng chính là thực hiện tốt các trụ cột khác.

Khởi công xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bạc Liêu.

Vùng kinh tế năng động

Theo đánh giá, khu vực ven biển Bạc Liêu trong tương lai gần sẽ trở thành vùng kinh tế năng động bậc nhất tỉnh và góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Bởi các thế mạnh về kinh tế chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển và khu vực này đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đó là các dự án Khu nông nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; các dự án phát triển năng lượng tái tạo và điện khí; các dự án phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch; các dự án cảng biển, cảng cá, phát triển khai thác đánh bắt thủy sản, chế biến xuất khẩu; dự án sản xuất muối chất lượng công nghệ cao…

Không chỉ có vị trí, vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, biển Bạc Liêu với hệ sinh thái đặc thù và nguồn lợi thủy hải sản phong phú, nhất là trữ lượng con giống tự nhiên như: tôm, cua, cá kèo, nghêu… rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Đây được ví như “cái nôi” đã và đang nuôi sống nhiều ngư dân vùng ven biển và hứa hẹn sẽ giúp các doanh nghiệp, ngư dân làm giàu nếu như tái cơ cấu lại sản xuất và xây dựng các trang trại, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản.

Với bờ biển dài 56km và vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 20.742km2 gắn với 3 cửa biển lớn là Gành Hào, Cái Cùng và Chùa Phật, bên cạnh tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, vùng biển Bạc Liêu còn là căn cứ địa quan trọng về an ninh - quốc phòng, góp phần cùng cả nước đảm bảo giữ vững an ninh và chủ quyền của quốc gia.

Quyết tâm làm giàu

Cùng với các dự án động lực đã và đang triển khai ở khu vực ven biển Bạc Liêu, hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản cũng được xem là ngành kinh tế mũi nhọn. Đó là các phương tiện vừa khai thác đánh bắt thủy sản, nhưng cũng vừa là những “cột mốc di động” góp phần khẳng định chủ quyền và toàn vẹn vùng lãnh hải của Việt Nam.

Đối với bà con ngư dân, năm 2018 là một năm được mùa và thắng lớn. Nhiều phương tiện trúng đậm ngay từ những chuyến ra khơi đầu tiên. Điển hình như đội tàu khai thác thủy sản của ông Liên Văn Lợi (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải), chỉ tính việc trúng cá ngừ trong hai chuyến biển đầu năm đã thu về lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.

Hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản của tỉnh ngày càng nâng cao chất lượng khai thác và phát triển phương tiện đánh bắt xa bờ, cũng như hình thành các tổ hợp tác trên biển. Đến nay, toàn tỉnh có 1.160 phương tiện khai thác đánh bắt thủy sản, tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2018 hơn 115.000 tấn, vượt kế hoạch đề ra.

Nếu như trước đây, chỉ có con tôm được đưa vào nhà máy chế biến xuất khẩu, thì đến năm 2018 con cá, con mực và nhiều loại thủy sản khác đã được đưa vào chế biến để xuất khẩu sang nhiều nước. Đó là nhờ việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Đức Lợi (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải), với tổng mức đầu tư trên 60 tỷ đồng. Tuy mới đưa vào hoạt động trong năm 2018, nhưng sản phẩm cá, mực, tôm biển, con ruốc của Công ty TNHH MTV Đức Lợi đã xuất khẩu ở các thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… và sắp tới sẽ đưa hàng xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu.

Năm 2019, doanh nghiệp này sẽ mở rộng sản xuất và xây dựng thêm nhà máy chế biến cá tại huyện Đông Hải và một kho đông lạnh dự trữ hàng ở Khu công nghiệp Trà Kha (TP. Bạc Liêu) với mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Ngoài chế biến các sản phẩm thủy sản xuất khẩu, công ty sẽ phát triển thêm các mặt hàng cho giá trị gia tăng cao từ việc xây dựng nhà máy ép dầu cá. Đồng thời mở rộng liên kết với ngư dân và các phương tiện đánh bắt thủy sản trong, ngoài tỉnh để phát triển thêm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Khơi dậy tiềm năng

Năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế biển Bạc Liêu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với quan điểm: Phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường đối ngoại, hợp tác về biển; phát triển kinh tế biển là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.

Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo trên, Bạc Liêu sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư để khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển. Trong đó, tập trung vào khâu đột phá là đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển. Đó là tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án tuyến đê biển Đông, các dự án thuộc Chương trình 667, các công trình kè chống sạt lở, đường bộ ven biển; các dự án thuộc chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng kho dự trữ muối quốc gia tại xã Điền Hải; dự án khu dân cư tái định cư rừng phòng hộ tỉnh; xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão ở cảng cá; triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung quy mô lớn…

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng của tỉnh để sớm đưa vào sử dụng tuyến đường Cao Văn Lầu, đường Giá Rai - Gành Hào (giai đoạn 2), đường Giồng Nhãn - Gò Cát, đường Xóm Lung - Cái Cùng, đường nối từ cầu Bạc Liêu 4 ra đê biển… Khởi công xây dựng mới đường Hộ Phòng - Gành Hào; dự án xây dựng, nâng cấp đê biển Đông và các hệ thống cống qua đê cấp bách chống biến đổi khí hậu; gắn kết chặt chẽ quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự trị an vùng biển và ven biển của tỉnh. Kết hợp chặt chẽ việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ gìn sự đoàn kết giữa các dân tộc, các tầng lớp nhân dân trong việc bảo đảm an ninh trật tự khu vực ven biển…

Một mùa xuân mới lại về và con tàu Bạc Liêu lại tiếp tục tăng tốc vươn ra biển lớn. Bạc Liêu sẽ trở thành tỉnh giàu và mạnh về kinh tế biển - đó là niềm tin và sẽ trở thành hiện thực trong thời gian không xa.

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.