Xuân Kỷ Hợi 2019
Tự hào những nữ anh hùng kiệt xuất đất Bạc Liêu
Đã 44 năm dân tộc Việt Nam được đón mùa xuân trong hòa bình với nhiều đổi mới và phát triển. Những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng đã ghi nhận và tôn vinh những cống hiến vô giá vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của những người mẹ, người vợ, các anh hùng liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, chân dung về những nữ anh hùng hào kiệt luôn khiến bao thế hệ trân trọng và tự hào về lòng trung thành với Tổ quốc, về tinh thần quả cảm và đức hy sinh vô bờ.
Tượng đài nữ Anh hùng Lê Thị Riêng tại TP. Bạc Liêu.
Những tượng đài bất tử…
Trải qua chiều dài lịch sử, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của phụ nữ Việt Nam đã được ghi nhận như một truyền thống quý báu của dân tộc. Đất Bạc Liêu tự hào với sự kiện lịch sử hai lần giành chính quyền không đổ máu cũng đã có sự cống hiến của không ít những nữ anh hùng hào kiệt. Một trong những “chân dung bất tử” phải kể đến đó chính là nữ Anh hùng Lê Thị Riêng với bí danh Hai Liên, sinh năm 1925 tại xã Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai (nay là TX. Giá Rai). Bắt đầu tham gia cách mạng tại xưởng dệt Láng Tròn khi vừa tròn 20 tuổi, người nữ chiến sĩ trẻ tuổi đã làm đến Phó Hội trưởng Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN giải phóng và Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Cũng vào thời điểm này, Lê Thị Riêng nhận được tin dữ: Chồng hy sinh trong trận đánh ở Đông Yên, xã Đông Hòa (Dĩ An, tỉnh Biên Hòa cũ). Nén nỗi đau tột cùng thành ý chí cách mạng sáng ngời như câu nói bất hủ mà nữ anh hùng đã ghi trong nhật ký: “… Bao nhiêu mong nhớ, đợi chờ làm tắt ngấm! Đời tôi đã trải qua lắm lần tang tóc như thế, nhưng không lần nào sâu nặng bằng lần này. Còn lại 2 con sống xa mẹ, chúng là nguồn hạnh phúc, là sức mạnh giúp tôi hăng hái đi lên, không bao giờ lùi bước. Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho mọi người không còn tang tóc, chia ly…”. Và Hai Liên đã thực hiện được lý tưởng cách mạng của mình khi tổ chức tin tưởng phân công phụ trách làm Trưởng ban Phụ vận khu Sài Gòn - Gia Định và trực tiếp vào nội thành chỉ huy lãnh đạo phong trào phụ nữ của Sài Gòn, Chợ Lớn. Đến năm 1967, chị bị địch bắt, chúng điên cuồng, lồng lộn vì không lay chuyển được ý chí sắt đá của người nữ cộng sản ấy và đã giở trò hèn hạ nhằm thủ tiêu chị và 2 tù nhân chính trị khác. Trong cơn mưa đạn, chị vẫn giữ được khí chất của một chiến binh quả cảm khi lấy thân mình che chắn cho đồng đội là nữ biệt động Phùng Ngọc Anh.
Cũng bắt đầu nung nấu lý tưởng cách mạng và đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào năm 20 tuổi là “Nữ hồng quân” Lê Thị Cẩm Lệ. Chị sinh năm 1940 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai (nay là xã Tân Phong, TX. Giá Rai). Ra nội ô TX. Bạc Liêu tham gia vào tổ chức biệt động thành, với sự dũng cảm của con “nhà nòi”, sự khéo léo của người phụ nữ, đồng chí Lê Thị Cẩm Lệ dễ dàng tiếp cận những nơi xung yếu của địch, nắm quy luật, hoạt động ở sân bay, tàu chiến của địch. Và chính chị cũng đã đề xuất cho Thị ủy nhiều cách đánh hay. Nhiều trận đánh mìn ở nội ô thị xã làm địch hoang mang đều có sự tham gia của chị như: Trận đánh mìn tại sân bay Bạc Liêu; trận đánh trạm cảnh sát gần nhà máy Hậu Giang; trận đánh chìm tàu sắt gần cầu Quay (cầu Kim Sơn ngày nay)… Đến năm 1966, trong một lần nhận nhiệm vụ chở quả mìn nặng 70kg để đánh vào dinh quận Vĩnh Lợi, nhưng do lỗi kỹ thuật, chị và 2 đồng đội khác đã hy sinh. “Nữ hồng quân” Lê Thị Cẩm Lệ đã hy sinh ở tuổi 26, chưa lập gia đình. Chia sẻ từ gia đình cho biết, dù có người qua dạm hỏi, nhưng chị đã từ chối với lý do phải hoàn thành nhiệm vụ đền ơn nước, báo thù nhà thì mới yên tâm tính chuyện riêng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh và GS-TS. Nguyễn Anh Trí thắp hương cho liệt sĩ Nguyễn Thị Tư.
Bà Nguyễn Thị Hà, nhân chứng chứng kiến sự hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Ảnh: T.T
… Sống mãi trong lòng nhân dân
Đã từ lâu, có hình ảnh một người phụ nữ - nhân vật trong bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” của cố soạn giả Trọng Nguyễn trở thành bất tử về chân dung người phụ nữ Nam bộ trung hậu, ngoan cường. Mới nghe bài ca cổ, không ít người đã từng ngộ nhận rằng đó chỉ là “hình tượng văn học” mà thôi. Nhưng đó chính là câu chuyện có thật về nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Tư (sinh năm 1936, nguyên quán xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi). Chị Nguyễn Thị Tư là “cán bộ cơ sở mật” tham gia cách mạng năm 1969, đảm nhiệm việc tiếp tế nhu yếu phẩm cho dân quân, du kích; đặc biệt là dò la, tìm kiếm tin tức để cung cấp thông tin cho cách mạng… Thủ trưởng cao nhất của xã lúc đó là ông Đặng Hoàng Nhi nhớ lại: “Chị Tư gan dạ, dũng cảm lắm! Chốt Mỹ Thanh địch gác gắt gao vô cùng, không ai dám qua, thế mà chị Tư tình nguyện ở lại làng và hàng ngày qua lại chốt đi vào cứ để tiếp tế và cung cấp thông tin cho du kích chúng tôi”.
Lần theo những câu vọng cổ ấy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức buổi tiếp xúc cử tri “Chuyên đề về người có công” tại quê hương chị Tư với sự gặp gỡ vô cùng xúc động của nhiều nhân chứng sống: chồng, con, thủ trưởng, đồng đội và cả người đã chứng kiến giây phút cuối cùng của chị. GS-TS. Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, lặn lội vào tận Vĩnh Hưng để tìm hiểu câu chuyện đã không nén được xúc động: “Tôi đã thực hiện được chuyến tiếp xúc cử tri xa nhất và đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Hình ảnh chị Nguyễn Thị Tư từ tư liệu sống mà tôi thu thập được càng khiến tôi thấy vô cùng cảm kích, ngưỡng mộ xen lẫn xúc động, hạnh phúc. Bởi tôi cho rằng, người phụ nữ ấy quá toàn vẹn khi không chỉ giỏi việc nước mà còn đảm cả việc nhà: một mình thay chồng (lúc bấy giờ là Xã đội phó nổi tiếng diệt ác, phá kìm) nuôi 4 người con, đồng thời nhận nhiệm vụ mật của tổ chức cách mạng. Và ngay cả trước khi xả thân vì cách mạng, quyết không khai báo cơ mật, chị vẫn tranh thủ làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của người mẹ: cho con bú no những giọt sữa cuối cùng. Chị xứng đáng trở thành một tượng đài bất tử cho các thế hệ noi gương, làm rạng ngời hình ảnh người phụ nữ Việt Nam…
Những nữ anh hùng Lê Thị Riêng, Lê Thị Cẩm Lệ, Nguyễn Thị Tư cũng như biết bao phụ nữ Bạc Liêu đã làm nên những huyền thoại sống trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ tặng phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Họ không chỉ sống mãi với thời gian khi những cái tên giản dị đã trở thành tên đường, tên công viên, trường học ở Bạc Liêu và cả TP. Hồ Chí Minh mà sự quả cảm, trái tim nhân hậu của họ còn là bài ca bất tử với muôn đời sau.
Hoàng Uyên
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam