Xuân Bính Thân 2016

Khi xa, để nhớ…

Thứ Năm, 28/01/2016 | 10:05

Ba mươi tám năm trước, ngày hai mươi hai tuổi, lần đầu tiên trong đời tôi đến Bạc Liêu. Những điều đã từng được nghe về Bạc Liêu làm tôi háo hức trong lòng, nôn nao ngày gặp mặt. Bạc Liêu ngày tôi đến lần đầu đã không như tôi từng hình dung và háo hức trong lòng. Tôi thầm trách mình là người đến muộn, và tự hỏi - không lẽ quê hương của Công tử Bạc Liêu nức tiếng một thời đã qua rồi cái thời lẫy lừng, còn chăng chỉ là huyền thoại?

Dấn thân vào cuộc hành trình, trên vùng đất này, tôi đã từng cùng một nữ kỹ sư công tác ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) đến thăm diêm dân ven bãi bờ ruộng muối. Từng gập đôi quyển sổ tay, cắn đuôi viết khi ngồi trên đầu bờ mấy tiếng đồng hồ giữa trưa nắng chang chang trong lần đầu nhìn từng khoảnh ruộng muối lấp lánh dưới làn nước trong. Diêm dân đang mùa thu hoạch, chuyển từng gánh nặng oằn vai về tu muối thoăn thoắt trên những bờ ngăn nhỏ. Lặng nghe diêm dân kể về nghề làm muối hơn nửa đời người với những vụ mùa được, mất chỉ trong gang tấc do thời tiết thất thường, do giá cả thị trường chao đảo từng năm… Tới bây giờ tôi cũng chưa giải thích được cho mình vì sao trên dọc dài đất nước, bao nhiêu là ruộng muối, cũng cùng bãi bờ biển Đông, một cách làm, thu hoạch gần giống như nhau mà muối Bạc Liêu nổi tiếng hơn những vùng khác? Tôi quỳ một chân xuống bờ ruộng muối, bụm tay lại và vốc một ngụm nước ót lên nếm thử. Có một chị nhìn tôi, dừng quang gánh, lấy chéo khăn rằn thấm mồ hôi trên trán rồi cười, nói vui - Mặn chát chớ có gì mà nếm! Ờ, mặn thì đã mặn rồi, có điều, từ hôm đến ruộng muối tôi mới hiểu vì sao muối mặn hơn mình vẫn nghĩ.

Bức tranh quê. Ảnh: Khánh Văn

Tôi đã từng theo giai điệu một ca khúc nổi tiếng một thời - Ai lên Vĩnh Lợi quê em… mà tìm đến Hòa Bình, Vĩnh Lợi vào mùa gặt mới. Những ngày đó, năm đó là nơi có vụ mùa trúng nhất - tính vào thời điểm đó. Đây thật sự là ngày hội của những người chủ ruộng đồng. Những vạt áo dính bùn lem luốc trên màu phèn năm cũ, những tay áo được nối dài thêm bằng một loại vải khác vá chằng, vá đụp dầy hơn và tấm khăn rằn quấn đầu, trùm cổ của những người vác những bó lúa lớn băng đồng ra bờ kênh nhỏ. Từ đó, những chiếc xuồng chở những bó lúa ra đầu kênh, giáp với lộ nhựa. Những chiếc máy suốt dọc theo con lộ chạy hết công suất, tiếng máy rộn rã dường như chẳng có lúc nào ngưng, chẳng thể nói với nhau nghe cho trọn vẹn. Thi thoảng có việc gì thì ra dấu, không biết có hiểu được hết hay không mà thấy ai cũng gật đầu, cười.

Những ngày này, hầu như đi đâu cũng thấy lúa mang theo hương ruộng đồng lan tỏa khắp nơi nơi. Có những đoạn đường dài lúa phơi hai bên lề, viền trên lộ màu vàng óng ả. Lúa tràn ngập trên sân chùa, trường học, trước sân nhà… một khoảng sân xi măng, những tấm bạt, tấm đệm lớn nhỏ đều  được vận dụng tối đa. Nhìn lúa trải vàng khắp nơi, ai cũng vui, cũng cảm thông, không trách cứ gì cho dù chuyện phơi phóng có làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người khác. Lúa trúng, những ngón tay to bè, chai sần lại có dịp vươn thẳng ra cho ngón cái bấm lên, rà xuống. Tính toán đến con số bao nhiêu thì cũng chỉ lòng vòng trên dưới mấy ngón tay, bao nhiêu năm tháng chưa thể vượt khỏi tháng ngày lam lũ.

Tôi cũng từng đến thăm cánh đồng mà câu chuyện về mảnh đất từ những năm hai mươi của thế kỷ trước thành câu chuyện nhiều tình tiết và đầy kịch tính của những nông dân sáng ngời khí phách kiên cường vào những ngày đầu đi mở đất trước gông kìm của bạo lực, cường quyền. Mấy mươi năm sau, khi tôi đến, câu chuyện còn đẫm nước mắt của những người còn lại. Héo hắt trong nét hao gầy, nỗi buồn còn đọng lại trên mi. Mấy mươi năm câu chuyện đi vào bài ca, hò vè, vào vở cải lương mà bao thế hệ vẫn còn nhớ tên từng nhân vật như nhắc nhở mình, có một thời, dẫu đã xa xôi, hạt lúa trên đồng, có nước mắt, mồ hôi và đã từng thấm máu…

***

Trong những điều ít ỏi hiểu biết về Bạc Liêu, trong lòng tôi vẫn luôn nhớ câu: Bạc Liêu là xứ cơ cầu/ Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu. Đi đâu, có ai hỏi ở đâu, tôi trả lời ở Bạc Liêu thì thường được người nghe, người hỏi nhắc lại câu đó như mình đã thuộc nằm lòng. Nếu như không, thì ai đó cũng à lên một tiếng trước khi nói… Công tử Bạc Liêu đây mà! Chỉ vậy thôi mà lòng thấy vui vui khi biết Bạc Liêu được nhiều người biết đến. Không những biết mà còn hiểu về xứ sở đã có tiếng tăm từ thuở xa xưa.

Trong cách hiểu khái quát về Bạc Liêu, sau này tôi đọc được cách giải nghĩa hai câu ca dao mà mình đã in vào tâm trí này. Cơ - cầu là tên của hai bộ phận bằng gỗ trong khung dệt cổ của người Hoa. Cơ - thanh gỗ thẳng như cây thước, cầu - thanh gỗ có dáng cong cong. Ý muốn nói đây là nơi có nghề dệt. Còn cá chốt là loại cá có mặt ở vùng nước lợ, có nghĩa đây là vùng đất gần hoặc tiếp giáp biển, nơi có vùng nước mặn - ngọt giao hòa. Nói gọn lại, câu này chỉ ra, Bạc Liêu là vùng đất gần biển, nơi ngày xưa có nhiều người Triều Châu sống bằng nghề dệt…

Những năm đầu đến Bạc Liêu tôi còn có nhiều kỷ niệm và đặc biệt ấn tượng với cây cầu Quay khi lần đầu được thấy. Chữ Quay vừa là tên vừa là tính năng của cây cầu một thời. Lúc tôi biết, cầu Quay lâu rồi đã không còn quay nữa. Đi qua cầu Quay. Đi về cũng qua cầu Quay. Lúc tôi biết, cầu Quay là nhịp cầu với khung sắt cũ kỹ và những thanh gỗ lót sàn những khi xe chạy qua nó cứ kêu lên theo bánh xe bởi những chiếc bu-lông không còn giữ nổi những thanh gỗ mòn dần theo năm tháng. Đi bộ ngang qua cầu, đến giữa cầu dừng lại một chút để nhìn hai phía của con sông Bạc Liêu chảy dưới chân cầu. Lúc đó chưa biết thượng nguồn từ đâu, hạ nguồn về đâu nhưng vẫn muốn dừng lại, nhìn hai bên bờ sông. Bến chợ đó, xa xa là bụi dừa nước, những tàn mắm lơ thơ che vài chiếc xuồng, chiếc ghe cặm sào cặp bến chờ con nước lớn. Đã dặn lòng, gọi Bạc Liêu là quê hương mà nhìn cảnh vật ven sông không khỏi chạnh lòng nhớ một miền quê đã khắc vào tâm khảm…

***

Còn đúng một tháng nữa là tôi đã đi về với Bạc Liêu, riêng kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay đã gần mười chín năm. Thời gian ấy, gần một ngàn đêm tôi thức dậy từ lúc ba giờ rưỡi hoặc bốn giờ sáng vào ngày thứ Hai hàng tuần để trở lại Bạc Liêu kịp khi trời sáng. Nếu giữ lại cho riêng mình hai mươi năm đầu đời và thời gian còn lại sau này, ba, bốn mươi năm là thời gian trọn vẹn của một người vào đời, trưởng thành, vun đắp sự nghiệp cho mình. Nơi đây, tôi đã từng vật vã khi tập sự viết bài báo đầu tiên trong sự nghiệp của mình với biết bao lo lắng, băn khoăn và háo hức đợi chờ những con chữ đầu tiên trên báo và phía dưới bài viết là chính tên mình. Trên quê hương bác Sáu Lầu, tôi còn học đòi và mê mẩn chọn lọc từng con chữ cho từng nhịp trong bài vọng cổ và mơ giấc mơ có một ngày, một lần được nghe những nghệ sĩ tên tuổi ngân nga, khóc cười với từng câu chữ của mình. Xứ Bạc Liêu đã cho tôi trọn vẹn hai điều mơ ước đó trong đời.

Bao nhiêu năm tôi lại nhắc mình, viết điều gì, việc gì, bao nhiêu cố gắng, cực nhọc, vinh quang đến đâu cũng đâu phải cho riêng mình. Thành công đến đâu vẫn là niềm vui của người được làm công việc cho mọi người, vì mọi người. Thế nên, bao nhiêu năm, lâu lâu vẫn giật mình, thấy dường như còn quên nhớ điều gì. Luôn luôn nhận ra những điều chưa trọn vẹn nên vẫn đau đáu trong lòng…

Trong những câu chuyện mỗi khi nhớ về Bạc Liêu tôi vẫn nhớ bằng trọn cả tấc lòng. Năm, bảy năm về trước, một hôm có vài người là cán bộ của Sở Y tế Cà Mau đã nghỉ hưu tìm đến nhà tôi. Tôi giật mình vì một trong những người đó có anh Bảy Còn tôi đã biết mặt. Có thời gian, con trai anh, Thái Nguyên thường tới lui cơ quan chơi và là bạn bè của vài anh em trong cơ quan. Sự việc bất ngờ với tôi, anh Bảy nói, anh và vài anh em đã hỏi thăm, tìm kiếm rất lâu mà không biết gia đình chú Tư ở đâu. Người anh Bảy gọi chú Tư là ông nội tôi. Anh Bảy nói, anh và vài anh em còn sống ở Cà Mau, ngày trước là học trò của chú Tư hồi kháng chiến. Ý định của anh em cố gắng tìm là tặng cho gia đình một tập lịch sử của ngành Y tế Cà Mau - Bạc Liêu, trong đó có hai trang viết về chú Tư để gia đình làm kỷ niệm. Thứ nữa, anh em chung góp lại một số tiền mong cùng gia đình xây cất mồ mả cho ông già được tươm tất. Và gia đình cho biết ngày giỗ của chú Tư, anh em muốn nhân ngày đó tự tay gắn tấm bia kỷ niệm trên phần mộ của chú.

Tấm bia nhỏ bằng đá hoa cương, vẻn vẹn mấy dòng: Ông Trần Văn Cao (Tư Hẹ), nguyên Trưởng Ty Y tế tỉnh Bạc Liêu (1949 - 1953). Tính theo tháng năm mà nói, các anh đã làm một cuộc hành trình thời gian không ngắn mà thấm đẫm nghĩa tình.  

***

Mười chín năm xây dựng đã hình thành nên diện mạo mới của một tỉnh vừa được tái lập. Dẫu còn nhiều bộn bề, nhưng bao nhiêu công trình đồ sộ, xứng tầm đã được mọc lên trong niềm vui, mong đợi của bao người. Với tôi, bây giờ, thi thoảng lại có đêm bất chợt giật mình thức giấc vào lúc ba giờ rưỡi, bốn giờ sáng. Ngồi bật dậy như trước đây vào những sáng thứ Hai hàng tuần, nhưng rồi lại lặng lẽ nằm xuống, kéo mền lên ngực vì biết khó lòng dỗ lại giấc ngủ đêm nay. Chính vì nỗi nhớ. Bởi đã thương nên khi cách xa nỗi nhớ cứ đong đầy. Mà nỗi nhớ cả một quãng đường dài nên cứ mênh mông, biết gửi vào đâu cho hết…

Bạc Liêu, Xuân Bính Thân - 2016

Tùy bút: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.