Xây dựng, phát triển văn hóa, con người: Nhìn từ góc độ gia đình

Thứ Tư, 31/05/2023 | 15:35

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhằm phát triển bền vững đất nước là nhiệm vụ đòi hỏi sự chung sức từ nhiều phía. Là tế bào của xã hội, gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác này.

“Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc” - một thông điệp tại Ngày hội Gia đình tiêu biểu các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ lần thứ 3 - năm 2022.

Từ bài học cho con…

Rất nhiều lần, mỗi dịp lễ chào cờ đầu tháng của tỉnh tổ chức tại Quảng trường Hùng Vương, anh V.Q (công tác ở một cơ quan cấp tỉnh) lại dẫn theo con trai đang học mẫu giáo của mình cùng dự. Anh Q. quan niệm rằng, đó là cách dạy con bài học về lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào qua buổi lễ chào cờ cùng nhau nghiêm trang đứng dưới ngọn quốc kỳ thiêng liêng của dân tộc, đất nước, tưởng nhớ đến công lao của bao thế hệ ông cha cho độc lập hôm nay. Là bài học vỡ lòng mà mỗi đứa trẻ nên biết và phải biết!

Cũng muốn dạy con tìm hiểu, nhận thức được và dần yêu thích một loại hình văn hóa đặc trưng của Bạc Liêu mà chị H.T (Phường 7, TP. Bạc Liêu) đã đưa con mình đến Nhà hát Cao Văn Lầu để xem cải lương vào mỗi cuối tuần. Dần dần, con trai chị đã mê với việc đến nhà hát xem cải lương mà không cần mẹ dẫn đi nữa. Cũng nhờ vậy, thanh niên trẻ này mới biết ở địa phương mình có một loại hình nghệ thuật độc đáo được giữ gìn và phát huy giá trị cho đến hôm nay và việc công diễn đều đặn này cũng là đang tiếp tục nhiệm vụ gìn giữ một giá trị văn hóa phi vật thể của bản địa.

Còn chị T. (Phường 1, TP. Bạc Liêu), dù công việc cơ quan khá bận bịu, lịch học của hai con cũng khá dày đặc, nhưng hễ mỗi khi nhà ngoại hoặc bên nội có đám giỗ, thì chị luôn thu xếp để có mặt. Với chị, tưởng nhớ ông bà, người quá cố là cách dạy con biết nhớ đến nguồn cội, bởi chính các con từ thời tiểu học đã biết câu ca dao “Con người có cố, có ông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”. Bài học về đạo lý luôn nhớ đến nguồn cội, gốc tích và biết ơn ông bà tổ tiên luôn được chị truyền dạy cho con, bằng những dịp cúng kiếng, bằng nén nhang thơm thảo thắp lên bàn thờ gia tiên.

Quả thực, nếu nhà trường cung cấp kiến thức phổ thông cho những đứa trẻ, thì gia đình là nơi cho các con những bài học đạo đức đầu đời. Bằng những lời chuyện trò, bằng những thói quen được truyền đạt, sự hướng dẫn có chủ đích, cha mẹ luôn là tấm gương, là người thầy tại gia vô cùng cần thiết để mỗi người con học theo.

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Ảnh: C.T

…Đến lưu giữ các giá trị văn hóa

Những bài học giản dị, gần gũi mà vô cùng cần thiết ấy cũng đã biến gia đình thành nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc. Gia đình bản chất là “cầu nối” giữa cá nhân với cộng đồng, là tế bào của xã hội. Điều đó càng cho thấy vai trò đặc biệt của gia đình ở mọi thời đại trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Gia đình truyền thống Việt Nam vốn chú trọng và gìn giữ những giá trị đạo đức đẹp đẽ, đó là chữ hiếu, lòng thủy chung, đức tính nhường nhịn, thuận hòa của anh em trong nhà. Những gia đạo, gia phong và gia lễ từ xưa đến nay cũng đã dần cấu thành văn hóa gia đình - cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh con người trong từng tế bào của xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Và một trong các nhóm giải pháp để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối năm 2021 là: Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội: “Anh em như thể chân tay”, “Kính trên, nhường dưới”, “Vợ ta đói rách ta thương/ Vợ người áo gấm xông hương mặc người”, “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” là những ca dao tục ngữ chưa bao giờ cũ để mỗi gia đình cùng chiêm nghiệm.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.