Văn hóa - Nghệ thuật
Trăn trở câu chuyện truyền nghề
Đó là nỗi trăn trở lớn nhất đối với trọng trách bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (ĐCTT) - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà 21 tỉnh, thành phố cùng cật lực nghĩ suy tìm hướng mở.
Tọa đàm về giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT mới đây do UBND tỉnh tổ chức (trong khuôn khổ họp mặt các nghệ nhân nhân kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh ĐCTT) cũng chủ yếu xoay quanh nội dung này.
Truyền đam mê
Truyền nghề, trước tiên phải truyền được niềm đam mê. Có đam mê thì người ta mới tìm đến để “thọ giáo”, học nghề.
Góp tham luận tại buổi họp mặt với tư cách trách nhiệm của tuổi trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy một loại hình di sản văn hóa đặc biệt của địa phương, Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Nguyễn Trang Anh Thư cũng nhìn nhận cần có niềm đam mê, tuổi trẻ mới có thể tìm đến và tiếp tục câu chuyện nối nghiệp tiền nhân. Thư cho biết, Tỉnh đoàn thường xuyên tổ chức cho đoàn viên - thanh niên sinh hoạt, tập ca vọng cổ, các bài bản ĐCTT, “Dạ cổ hoài lang”; khuyến khích tham gia sáng tác lời mới 20 bài bản Tổ ĐCTT và vọng cổ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, bởi ĐCTT là bộ môn rất khó học, đòi hỏi phải có sự đam mê, nhiệt huyết, trong khi giới trẻ hiện nay thường thích những loại nhạc dễ học và theo xu hướng. Theo bạn, do văn hóa ngoại nhập phát triển đa dạng với sức hút ngày càng mạnh nên một bộ phận thanh thiếu niên ngày nay ít quan tâm và tiếp cận đến các loại hình nghệ thuật truyền thống, dẫn đến việc khó khăn trong đào tạo đội ngũ kế thừa.
Chính người trong cuộc, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lâm Duy Minh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT huyện Vĩnh Lợi cũng thừa nhận rằng, câu chuyện truyền nghề và học nghề cần lắm niềm đam mê của cả thầy lẫn trò: “Ngày xưa chúng tôi học đờn, học ca là do đam mê cá nhân, người học và người dạy tự tìm đến nhau, cầm tay chỉ việc và người này chỉ người kia để rồi tự thành nghề. Còn ngày nay, việc học đờn, học ca rất dễ dàng, có trường có lớp đàng hoàng, Nhà nước còn mở nhiều lớp học miễn phí nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT. Những người thích tìm hiểu nghệ thuật ĐCTT cũng có thể tự lên mạng để học. Tuy nhiên, chúng ta đang thấy ít dần đi những thế hệ trẻ đam mê nghệ thuật ĐCTT. Vì vậy, điều trăn trở duy nhất của chúng tôi, những nghệ nhân có chuyên môn là làm sao để truyền lại cái chúng tôi biết cho thế hệ trẻ, để ĐCTT mãi mãi tồn tại”.
Các đại biểu, nghệ nhân tham gia tọa đàm về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử. Ảnh: C.T
Cần lớp người kế thừa
Tham gia tọa đàm về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT với hai tư cách, vừa là một NNƯT, vừa là cán bộ quản lý văn hóa (Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh Bạc Liêu), ông Đỗ Ngọc Ẩn cho rằng rất cần thiết phải có một lớp người kế thừa ĐCTT, và dẫn chứng bằng câu nói đùa mà rất thật: “Tôi là NNƯT trẻ nhất Bạc Liêu mà cũng đã ở tuổi U60 rồi”. Nhưng đó lại là thực tế! Những thầy đờn, nghệ nhân tài tử gạo cội giờ đây đa số đã cao tuổi, những nghệ nhân được Nhà nước phong danh hiệu NNƯT càng là những bậc cao niên, vậy thì vài năm tới nữa, ai sẽ gánh nghiệp đờn ca này, trong khi câu chuyện truyền nghề mở lớp như thế nào, dạy và học theo giáo trình, phương pháp nào cho hiệu quả vẫn chưa có một đáp án khoa học, khả thi hơn trong thực tế. Theo ông Ẩn, Bạc Liêu đã có 2 đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. Nếu thực hiện đủ các đề mục nêu trong đề án thì đã đủ để thực hiện trọng trách bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT. Nhiều đơn vị (điển hình nhất là các trung tâm văn hóa) đã mở nhiều lớp tập huấn ngắn ngày, tuy nhiên cách học này khó trang bị đầy đủ kỹ năng để thành thạo chứ đừng nói đến việc “đãi cát tìm vàng” để có một lớp kế thừa tài năng.
Ông Trần Phước Thuận - một người có khá nhiều công trình nghiên cứu, tài liệu liên quan đến ĐCTT, khẳng định rằng: “Nếu chúng ta không nhanh chóng đào tạo lớp người kế thừa, ĐCTT có nguy cơ bị đứt đoạn. Vấn đề là đào tạo như thế nào?”. Theo ông Thuận, rất cần thiết phải mở lớp dài ngày, lớp chính quy, liên kết với các trường chuyên nghiệp, cần có trường lớp hẳn hoi. Ông so sánh tại sao người ta học nhạc có thể học vài năm mà học ĐCTT chỉ có những lớp ngắn ngày, trong khi ĐCTT đã là di sản của nhân loại…
Tạo điều kiện cho nghệ nhân có đất diễn, chẳng hạn tổ chức nhiều hơn các liên hoan, hội thi về ĐCTT các cấp để những người đam mê có động lực phấn đấu; đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho các câu lạc bộ sinh hoạt thuận lợi, thường xuyên hơn; hay xây dựng một chương trình dạy ĐCTT hẳn hoi trên kênh YouTube… cũng là những hiến kế của các nghệ nhân trong buổi tọa đàm.
CẨM THÚY
- Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Gần 200 võ sinh thi thăng đẳng môn Vovinam
- Quay hình chương trình đờn ca tài tử năm 2025
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các cơ sở Phật giáo
- Hơn 300 đoàn viên, công nhân viên chức, lao động tham gia Hội thao chào mừng Tháng Công nhân