Tết là để trở về

Thứ Sáu, 02/02/2024 | 17:54

“Cây mai nhà mình trổ nụ nhiều không mẹ? Năm nay, con không được lặt lá mai cùng mẹ rồi. Vợ chồng con sẽ tranh thủ về ăn Tết khi xong việc trên này...”, Như Quỳnh soạn tin nhắn đến đây thì khóe mắt cay... Hơn nửa năm rồi, Quỳnh chưa được về nhà mình.

Năm đầu tiên theo chồng, Quỳnh đã thấm thía được nỗi buồn xa quê khi những ngày giáp Tết không được cùng mẹ lặt lá mai, trang hoàng nhà cửa để đón Xuân về...

Tề tựu con cháu đông đủ trong ngày Tết là hạnh phúc của nhiều người.

Đợi Tết để về

Như Quỳnh (quê gốc ở TX. Giá Rai) lấy chồng về tỉnh Long An hơn nửa năm nay. Thường nhật, công việc ở đơn vị, rồi thì còn quán xuyến chuyện trong ngoài bên nhà chồng nên cũng không đủ thời gian để cô nhớ về quê nhà nữa. Nhưng mấy ngày nay, khi trên đường đến nơi làm việc, nhìn những con phố được trang trí rực rỡ cờ hoa của TP. Tân An, cô rưng rưng nhớ về TX. Giá Rai quê nhà. Quỳnh nhớ nhất là lúc lặt lá mai cùng mẹ, rồi nhớ cả khi nội còn sống, năm nào bà cũng bày biện các thứ để gói bánh tét, bánh ít ăn Tết. Cái bếp lửa bập bùng chờ nồi bánh tét chín thơm lừng bỗng dưng hiện về trong Quỳnh rất rõ giữa những tất bật ngày cuối năm.

Có nhiều lý do khiến người ta phải đành xa nơi chôn nhau cắt rốn. Người thì theo chồng hoặc cưới vợ rồi rời quê, để lại cha mẹ quạnh hiu nơi căn nhà cũ như để lại cả một bầu trời ký ức tuổi thơ của mình ở đó. Người thì phải tha phương để lao vào cuộc mưu sinh. Những bạn trẻ với ước mơ, hoài bão rộng khi học hành nơi xa xứ xong cũng neo chốn thị thành, làm người phố thị mà bỏ lại quê hương với bao kỷ niệm, yêu thương. Nhiều người trong số đó đã một chút vô tình nhìn về quê mình với nỗi lòng tiếc nuối “quê mình xa quá má ơi”. Họ bị công việc, công danh sự nghiệp cuốn vào bao bề bộn để rồi quên rằng mỗi ngày đi qua là một ngày cha mẹ nơi quê nhà đang già đi, hiếm hoi những chuyến về quê, thậm chí vài năm mới có một lần thu xếp được.

Trong những cái thu xếp đó thì Tết luôn được ưu tiên hàng đầu. Bởi vì thường chỉ có Tết thì tất cả các thành viên trong nhà mới hưởng được một kỳ nghỉ dài ngày, có thể thư thả mà trở về. Và vì, Tết thì phải trở về!

Gói bánh tét đón Tết. Ảnh: H.T

“Mẹ ơi con đã về”

Trong đêm văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân của Trường THPT Chuyên Bạc Liêu tổ chức đêm 1/2, tiết mục của lớp 11KC tái hiện hình ảnh cờ đỏ sao vàng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng trong giai điệu hùng hồn “ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay, rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây...”. Và ngay sau đó, tiết mục đã làm nhiều người rưng rưng! Đó là hình ảnh người con khoác màu xanh áo Bộ đội Cụ Hồ chạy từ xa về với câu nức nở “mẹ ơi con đã về” rồi ôm chầm lấy người mẹ đang ngồi nhớ mong con khi Tết đến, Xuân về. “Mang Tết về nhà, mang Tết về cho mẹ” cũng là cụm chủ đề mà khá nhiều lớp đã chọn trong chương trình văn nghệ được đầu tư khá hoành tráng, dù các em vẫn tất bật chuyện học hành của những học trò trường Chuyên.

Có thể nói, không có khi nào như khi Tết đến, Xuân về sự trở về lại đong đầy ý nghĩa như thế! Bởi cái Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam gần như đã mặc định đó là cái Tết của sự sum vầy, đoàn viên. Người ta không câu nệ chuyện ăn Tết lớn hay nhỏ mà là đủ hay không đủ những thành viên trong gia đình, khi cùng nhau ngồi bên mâm cơm cúng ông bà 3 ngày Tết. Cho nên Tết cũng là lúc trên những tuyến đường dài, xe cộ cứ nối đuôi nhau, những chuyến bay, chuyến tàu cũng tấp nập khách hơn... Tất cả là đang đưa tin xuân về cho mọi nhà. Sự trở về của những người con, người cháu còn hơn cả những phần quà Tết đắt đỏ, những cảnh trí Tết trang hoàng lộng lẫy ngoài kia.

Tết, ai đi xa hãy luôn nhớ trở về. Dù “đường về quê mình xa quá má ơi”, nhưng “mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi”, khoảnh khắc được bên nhau, chúc phúc cho cha mẹ, ông bà quý giá hơn mọi thứ trên đời.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.