Nhớ về soạn giả Thanh Quang...

Thứ Tư, 03/04/2024 | 17:31

Là nhớ về một tài năng nghệ thuật ở một con người với bản tính chất phác, hồn hậu. Những “đứa con tinh thần” ông sinh ra cũng vậy. Vì văn là người mà!

Hay tin soạn giả Thanh Quang qua đời, dù biết chú đã bệnh nhiều năm qua, nhưng người ở lại vẫn vô cùng thương tiếc! Vậy là, Bạc Liêu lại mất đi một soạn giả suốt cuộc đời đã góp tâm sức cho dòng chảy cổ nhạc trên mảnh đất này.

“Năm nay gió chướng về hơi sớm, mới có khoảng Mười lăm, Mười sáu tháng Chín âm lịch mà ngọn gió chướng đã thổi sòng ngọn, nước dưới sông cũng đang rong, mực nước liếm bờ. Mới ba giờ khuya mà xuồng ai đó xuôi nước đi về hướng thị trấn để cho kịp phiên chợ sáng... Dòng sông đêm nay trầm lặng, gió chướng từ sông lớn thổi về làm cho mặt nước gợn lăn tăn, con trăng Mười sáu treo lơ lửng cuối trời cũng bị vỡ tung...”.

Câu chữ của chú Ba (xin được phép gọi thân mật soạn giả Thanh Quang theo cách này) là vậy đó! Mộc mạc, chân chất và đượm một chút buồn. Đây là đoạn trích trong một truyện ngắn từ tập truyện và ký “Chuyện tình bên ngôi tháp cổ” - quyển sách tự tay chú ký đề tặng cho tôi đã cách nay gần 20 năm, là năm 2005, khi sách vừa xuất bản. Chú Ba viết truyện và ký khá nhiều dù sở trường của chú là sáng tác vọng cổ, viết kịch bản cải lương.

Soạn giả Thanh Quang (thứ hai từ trái sang) trong một chương trình giới thiệu tác giả - tác phẩm do Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh Bạc Liêu tổ chức. Ảnh: P.T.C

Chú Ba Quang tên đầy đủ là Phạm Thanh Quang, sinh năm 1942 tại xóm Rạch Bào Mốp (làng Thới Bình, tỉnh Bạc Liêu cũ). Ông là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, người đã sáng tác trên 400 bản vọng cổ, viết hơn 50 vở, chập cải lương - trong đó có nhiều vở đã được các Đài Phát thanh và Truyền hình phát sóng, và được Đoàn cải lương Hương Tràm, Đoàn cải lương Cao Văn Lầu dàn dựng, trình diễn được khán giả yêu thích như: Người trong ngôi mộ, Cho tôi được yêu nàng, Ngọc quí vương triều, Nước mắt kẻ bạc tình, Đứa con bất đắc dĩ, Hoàng tử rắn... Nhiều bản vọng cổ của chú Ba cũng đã đoạt giải thưởng ngoài tỉnh và được phổ biến rộng rãi như: Đò chiều Tắc Cậu, Khoai lang trắng, Thư gửi cho anh, Thương về miền Trung, Bến xưa Đại Ngãi...

Nếu ai từng tìm hiểu cuộc đời của chú Ba sẽ hiểu tỏ tường hơn vì sao chú lại có năng lượng dồi dào như thế để tạo khối tài sản tinh thần to lớn trong sự nghiệp sáng tác của mình. Hồi còn nhỏ, chú có tuổi thơ đầy cơ cực. Là con của một gia đình nông dân nghèo, cha lại tình nguyện vào chiến khu theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tuy vậy, những cơ cực trần ai không làm lụi tàn đi một tâm hồn yêu thích văn chương thơ phú xuất phát từ tình yêu quê hương trong cậu bé. Khi lớn thêm một chút, học theo cha, đi vào chiến khu, người thanh niên ấy đã dùng tài nghệ của mình, là những vần thơ, bản vọng cổ, vở kịch, chập cải lương đầu tay để “chiến đấu”. Và con đường sáng tác kể từ đó bắt đầu trải dài mải miết cả cuộc đời chú Ba... Để bây giờ đây, khi phải thuận theo quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” của đời người, chú phải ra đi, nhưng tên tuổi một soạn giả Thanh Quang sẽ mãi còn ở lại bởi những cống hiến đáng trân quý ấy!

Những đóng góp của soạn giả Thanh Quang quá xứng đáng để chú là một trong những văn nghệ sĩ đầu tiên của Bạc Liêu nhận Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Cao Văn Lầu lần thứ nhất (năm 2011). Những thành tựu cuộc đời chú cũng được ghi chép lại khá đủ đầy trong một tài liệu nghiên cứu mang tên “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam - Tinh hoa nghệ thuật Bạc Liêu” (của hai tác giả Trần Thị Thu Đông và Trần Phước Thuận).

Bài viết này như một nén nhang lòng gửi về nơi an nghỉ sau cùng của soạn giả Thanh Quang. Một chú Ba chân chất, thiệt thà, gần gũi và lai láng với những sáng tác nghệ thuật, chú đã sống và góp cho quê hương những “đứa con tinh thần” để lại, như một kiếp tằm nhả tơ dâng tặng cho đời.

Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.