Văn hóa - Nghệ thuật
Miệt mài hành trình bảo tồn, phát huy giá trị Đờn ca tài tử
Ngày 5/12/2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một minh chứng về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa truyền thống Việt Nam.
Mười năm cùng với các tỉnh, thành phố Nam Bộ thực hiện sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị một di sản của nhân loại, Bạc Liêu đã và đang tiếp tục góp phần “dũa mài” để viên ngọc này sáng càng thêm sáng.
Giao lưu đờn ca tài tử trong một buổi sinh hoạt thường lệ của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: C.T
Từ nông thôn ra thành thị
Bạc Liêu là một trong những “chiếc nôi” của ĐCTT - quê hương của nhiều nghệ sĩ tài danh như: Nhạc Khị (người có công sưu tầm và hiệu đính 20 bài bản Tổ và được suy tôn là Hậu tổ cổ nhạc), Cao Văn Lầu, Năm Nghĩa, Trịnh Thiên Tư, Trần Tấn Hưng, Lý Khi, Trọng Nguyễn, Yên Lang…
Từ những giá trị người đi trước để lại, vun bồi là chuyện của thế hệ nối gót, nhất là sau khi ĐCTT được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị của ĐCTT cũng là nền tảng để Bạc Liêu đi đúng hướng với những hoạt động nối dài hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này một cách thiết thực hơn.
Như cách ĐCTT đã “sống” hơn trăm năm qua, ngày nay lời ca tiếng đờn cứ âm ỉ chảy trong lòng giới mộ điệu và phong trào vẫn bền bỉ tồn tại từ nông thôn đến thành thị. Cộng lực cho niềm đam mê của những nghệ nhân, tài tử miệt vườn là nhiều hoạt động nhằm củng cố, nâng cao chất lượng các câu lạc bộ (CLB) ĐCTT ở các khóm, ấp. Đó là việc đưa ĐCTT vào sinh hoạt tại các Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà Văn hóa ấp, gắn kết các hoạt động bảo tồn và phát triển phong trào ĐCTT với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nhạc công tham gia các lớp giảng dạy, sáng tác…
Nhiều đơn vị, trường học cũng đã lồng ghép giảng dạy ĐCTT giúp học sinh nhận thức giá trị, hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình. Bên cạnh các hội thi, liên hoan, thi sáng tác lời mới 20 bản Tổ ĐCTT..., thì các điểm du lịch hiện nay đều tổ chức nhóm ĐCTT phục vụ du khách. Xây dựng chương trình ĐCTT gắn với phát triển du lịch; lồng ghép hoạt động ĐCTT vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa, các lễ hội cũng là động thái bảo tồn và phát huy giá trị đúng định hướng chương trình hành động quốc gia ở một tầm nhìn xa và rộng.
Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Âm vang dạ cổ tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T
Nhận diện những trọng tâm
Căn cứ Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ của Bộ VH-TT&DL; UBND tỉnh đã ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2014 - 2020, sau đó tiếp tục là Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, tỉnh đã có 26 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (trong đó có 25 Nghệ nhân ưu tú thuộc loại hình trình diễn dân gian nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ).
Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn trên hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản của nhân loại. Đó là một số nghệ nhân nòng cốt phần đông đã lớn tuổi; việc truyền dạy cho lớp trẻ chưa có lộ trình, bài bản chính thức; một bộ phận thanh thiếu niên ít am hiểu về ĐCTT…
Để bảo tồn và phát triển ĐCTT, thiết nghĩ cần chú trọng những nhiệm vụ trọng tâm dựa trên thực trạng. Cụ thể, cần những cách làm khả thi trong việc truyền nghề cho thế hệ trẻ, tăng cường hỗ trợ để duy trì hoạt động thường xuyên các CLB ĐCTT, sinh hoạt ĐCTT nên gắn với xây dựng và phát triển nông thôn mới; duy trì luân phiên việc tổ chức liên hoan ĐCTT tại địa phương, khu vực và toàn quốc.
Một nhiệm vụ cần kíp là phát huy hơn nữa vai trò của các nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân tham gia truyền dạy ĐCTT. Tập cho giới trẻ (từ cấp tiểu học) tiếp cận với ĐCTT thông qua các bài bản vắn, nhẹ nhàng, làn điệu vui tươi… để bước đầu các em làm quen rồi dần đi đến yêu thích ĐCTT. Trung tâm Văn hóa tỉnh; Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố mở nhiều hơn các lớp truyền dạy về ĐCTT, cách sử dụng các nhạc cụ dân tộc cho đối tượng trẻ, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên, học sinh - sinh viên…
Ngoài định kỳ tham gia Festival ĐCTT quốc gia, Liên hoan ĐCTT khu vực và cấp tỉnh, tuyến cơ sở cần có kế hoạch phối hợp, liên kết để tổ chức thêm những hoạt động thiết thực nhằm giới thiệu, phổ biến, phát huy giá trị ĐCTT. Cụ thể như: giao lưu gặp mặt các CLB ĐCTT tiêu biểu, trưng bày, giới thiệu những hiện vật quý của ĐCTT, thi sáng tác những bài bản mới về ĐCTT.
Ở tầm rộng hơn là phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT trong phát triển bền vững ngành Du lịch để góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng ĐCTT trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh để Bạc Liêu xứng đáng là một trong những “cái nôi” của ĐCTT.
CẨM THÚY
- Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Gần 200 võ sinh thi thăng đẳng môn Vovinam
- Quay hình chương trình đờn ca tài tử năm 2025
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các cơ sở Phật giáo
- Hơn 300 đoàn viên, công nhân viên chức, lao động tham gia Hội thao chào mừng Tháng Công nhân