Gỡ khó để hoạt động nghệ thuật Khmer phát triển

Thứ Tư, 26/04/2023 | 16:54

Trở lại làm việc sau những ngày đón tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây, các diễn viên, nhạc công của Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu vẫn lâng lâng niềm vui vì vừa đoạt nhiều giải thưởng tại Liên hoan Dù kê khu vực Nam Bộ năm 2023.

Thế nhưng, lẫn trong niềm phấn khởi ấy còn có không ít trăn trở bởi hoạt động nghệ thuật của Đoàn đã, đang đối diện với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ kế thừa.

Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer phúc khảo vở dù kê để đi biểu diễn phục vụ khán giả.

THIẾU, YẾU NHIỀU MẶT

Không phải gần đây mà những khó khăn, bất cập trong hoạt động nghệ thuật của Đoàn đã tồn tại nhiều năm qua. Đỉnh điểm là năm vừa rồi, nhân lực của Đoàn bị sụt giảm khá đáng kể, hiện chỉ có 25 biên chế, trước đó đã cắt 5 giảm hợp đồng vụ việc là các nhạc công, ca sĩ.

Nhiều ca sĩ, diễn viên tài năng, có kinh nghiệm biểu diễn, sáng tác nghệ thuật bị cho thôi việc do Đoàn không còn khả năng chi trả thù lao lao động hợp đồng. Mặt khác, có trường hợp phải xin nghỉ vì mức thu nhập hằng tháng quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Để thực hiện hoạt động biểu diễn phục vụ khán giả, thời gian gần đây Đoàn phải thuê thêm cộng tác viên, đồng nghĩa với phải tự chi trả thù lao cho đối tượng này.

Lực lượng vốn đã mỏng nhưng lại bị tổn thất nhiều là nhạc công, trước đó Tổ nhạc công có 8 người, nay chỉ còn 3 người. Điều này khiến Đoàn đau đầu tìm cách giải quyết, bởi đội hình trình diễn nhạc ngũ âm cần ít nhất 5 nhạc công. Theo nhạc công Kim Văn Đồi, muốn đào tạo người đờn Trô-sô (đờn cò) cho loại hình Dù kê phải mất ít nhất từ 7 - 10 năm. Song, dù được truyền nghề nhưng cái khó của các nhạc công là không đáp ứng về bằng cấp nên theo quy định không thể nhận vào Đoàn.

Ngoài vấn đề nhân lực, cơ sở vật chất của Đoàn cũng hết sức khó khăn. Nhà tập luyện do tỉnh đầu tư khá lâu nên đã xuống cấp, mặc dù diện tích khu nhà nhỏ hẹp nhưng Đoàn phải bố trí 2 sân khấu để tập riêng các tiết mục tân nhạc và Dù kê. Dàn âm thanh cũng hoạt động kém hiệu quả, vì vậy Đoàn phải thường xuyên mượn của Nhà hát Cao Văn Lầu để duy trì hoạt động.

Tiết mục văn nghệ của Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu phục vụ khán giả xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: H.T

HƯỚNG ĐẾN CHUYÊN NGHIỆP

Đó là mong muốn của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam với các cán bộ, diễn viên, nhạc công của Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, muốn hoạt động nghệ thuật dân tộc tồn tại thì phải có tác phẩm mới, đạo diễn giỏi, diễn viên chất lượng - đây là “xương sống” của nghệ thuật. Do đó, để phát triển ổn định và chắc nhịp, Đoàn phải tìm nguồn, đưa về truyền nghề để xây dựng thế hệ kế thừa. Bởi, diễn viên múa của Đoàn phần lớn là người kỳ cựu như: Sơn Thị Na Uy, Hiệu Thị Liên, Lắc Kha Na…, bên cạnh đó đội ngũ đạo diễn, nhạc công cũng rất khó kiếm. Ngoài ra, các diễn viên đã có tay nghề, tuổi nghề phải học thêm chuyên môn đạo diễn, dàn dựng để chuẩn bị nhân sự cho công tác quản lý Đoàn về sau.

Gỡ khó vấn đề nhân lực cho Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh có cơ chế phù hợp về con người, không nhất thiết phải cho biên chế mà có thể dành một số hợp đồng vụ việc, nhất là vị trí nhạc công, diễn viên. Đồng thời, phê duyệt kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, hỗ trợ các thiết bị âm thanh mới để đảm bảo hoạt động tập luyện, biểu diễn của Đoàn.

Với vai trò là cơ quan quản lý, bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Sở sẽ quan tâm hơn nữa tâm tư, nguyện vọng của các diễn viên, nhạc công Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu để kịp thời chăm lo đời sống, động viên tinh thần, giúp họ yên tâm cống hiến. Đồng thời, thường xuyên định hướng để Đoàn phát triển tương tầm với truyền thống văn hóa của tỉnh”.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.