Giải bài toán đầu tư cho văn hóa

Thứ Tư, 08/05/2024 | 15:38

>> Bài 1:  ĐẦU TƯ... TỪ ĐÂU?

Bài 2: Loay hoay những điệp khúc buồn   

Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) xã, nhà văn hóa ấp… cũ kỹ, vắng tanh người đến. Nhà hát thiếu kịch bản mới, văn chương vắng bóng tác phẩm xứng tầm đỉnh cao, văn nghệ sĩ nhiều người phải giải nghệ vì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Các di sản văn hóa chưa thể phát huy trọn vẹn giá trị vì đầu tư lưng chừng, không xứng tầm...

Đó là những điệp khúc buồn khi cận cảnh vào từng ngóc ngách thực tế của việc đầu tư chấn hưng, phát triển văn hóa.

Phòng đọc sách của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân). Ảnh: C.T

Đìu hiu như thiết chế văn hóa

Buổi trưa tan học, một số học sinh ùa ra từ Trường THCS Chu Văn An (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân), chạy vào trung tâm VH-TT xã kế bên để... lấy xe gửi ở đó. Tôi hỏi anh Bé, cán bộ phụ trách trung tâm, “Các em có hay vào đây đọc sách không anh?”, anh cười: “Sách chỉ có vậy nên các em ít vào lắm”.

“Chỉ có vậy” là gồm một chiếc kệ lưa thưa sách với toàn... sách giáo khoa cũ kỹ. Những bức tường xung quanh thì rạn nứt. Phòng truyền thống còn “thảm” hơn: cửa đóng then cài, bên trong là những vật dụng đã bỏ đi. Anh Bé tiếp chúng tôi trong gian phòng hẹp, nóng bức, có một chiếc máy vi tính “hư tới hư lui” chẳng ứng dụng được công nghệ 4.0, một số nhạc cụ cũng ở tình trạng... tàn phế! Sau 10 năm hoạt động, thiết chế văn hóa (TCVH) này giờ chỉ còn dùng mỗi cái sân phía trước để người dân ở đó chơi thể thao.

Vẫn có vài TCVH tuyến cơ sở hoạt động tạm gọi là phát huy hiệu quả, nhưng số này đếm trên đầu ngón tay. Hễ cứ nói đến TCVH, người ta hình dung ngay đến khung cảnh đìu hiu dù nó được gắn cái tên: Trung tâm VH-TT.

Đầu tư đều khắp, nhưng hiệu quả thì không đều - một câu chuyện chưa bao giờ cũ trên lĩnh vực văn hóa! Ở Phước Long, để hoàn thành lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới, địa phương đã dành hơn 6,8 tỷ đồng từ việc tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng, nâng cấp hệ thống TCVH. Đến nay, 100% đơn vị hành chính các cấp đã có TCVH (gồm Trung tâm VH-TT huyện, 7/7 xã có Trung tâm VH-TT và 78/78 ấp có nhà văn hóa). Tuy nhiên, do ngân sách hỗ trợ khá hạn chế, nhiều TCVH chỉ được phần vỏ bên ngoài, còn bên trong, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị được đầu tư đã lâu không còn đáp ứng việc tổ chức các hoạt động, phong trào nên không thu hút được người dân tham gia.

Trong khi những nguồn vốn khá lớn đổ vào đầu tư chưa chứng minh rõ tính hiệu quả, bước vào kỷ nguyên công nghệ số này, TCVH lại cần phải được thay áo mới! Vào phòng đọc của Trung tâm VH-TT xã hay tủ sách nhà văn hóa ấp để đọc sách đã không còn sức hấp dẫn so với việc đọc sách, tra cứu tài liệu, tìm thông tin văn hóa giải trí… nhanh như trở bàn tay trên điện thoại thông minh. Để thích ứng, ngoài việc thay đổi cơ sở vật chất hiện đại và xứng tầm, các thư viện, phòng đọc còn phải tính đến việc số hóa tài liệu, xây dựng thư viện số để đáp ứng độc giả thời 4.0.

Ngay cả Thư viện tỉnh cũng chịu “bó tay” khi bước vào chuyển đổi số, nếu... không có tiền! Bà Lưu Thị Hồng Liễu - Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Hiện tại Thư viện chỉ số hóa tài liệu khoảng 500 tên sách, do ràng buộc bởi Luật Sở hữu trí tuệ, Thư viện chưa có phần mềm quản lý nên chỉ phục vụ tại chỗ. Thư viện có đề xuất mua quyền truy cập để bổ sung tài liệu số, nhưng đã 2 năm qua, do cơ chế, quy định quản lý tài chính về mua sắm tài sản, chúng tôi vẫn chưa mua được loại hình tài liệu này để phục vụ bạn đọc. Bên cạnh đó, máy móc, thiết bị công nghệ, cũng như phần mềm quản lý loại hình tài liệu này đều lạc hậu, hư hỏng, không thích hợp với công nghệ phát triển hiện tại”.

Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Âm vang Dạ cổ phục vụ du khách tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Thiếu trước hụt sau

Đầu tư không đi vào trọng điểm, dàn trải nên kể cả câu chuyện bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở Bạc Liêu cũng chịu cảnh thiếu trước hụt sau. Dù tỉnh đã có hẳn 2 đề án riêng dành cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của cải lương và nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) giai đoạn 2021- 2025, nhìn lại chặng đường đã qua, những người tâm huyết với nghệ thuật truyền thống vẫn còn lắm băn khoăn, nhất là việc trao truyền cho thế hệ tiếp nối - nhiệm vụ hệ trọng giữ gìn di sản.

Sở VH-TT&DL đánh giá phong trào ĐCTT đang phát triển khá mạnh từ nông thôn đến thành thị, hầu như mỗi ấp, khóm đều có Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn. Thế nhưng, cũng theo ngành chuyên môn, những nghệ nhân nòng cốt phần đông đã lớn tuổi, việc truyền dạy cho lớp trẻ chưa có lộ trình, bài bản chính thức, một bộ phận thanh thiếu niên ít am hiểu về loại hình này. Ngay cả các CLB phục vụ cho du lịch cũng còn nhiều vấn đề quan tâm; không gian cho du khách được hòa mình thưởng thức, giao lưu để hiểu thêm về ĐCTT vẫn chưa thật sự hấp dẫn…

Tương tự vậy, mặc dù đã có hẳn đề án cho cải lương nhưng cái khó vẫn nằm ở chỗ kinh phí! Đã có nhiều gương mặt nghệ sĩ ưu tú, giải thưởng vinh dự, nhưng sân khấu cải lương Bạc Liêu vẫn còn lắm khó khăn khi cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu kịch bản mới.

Văn học - nghệ thuật (VHNT) Việt Nam chuẩn bị có cuộc tổng kết lớn. Ở Bạc Liêu, hoạt động chính của cuộc tổng kết này là Hội thảo chủ đề “Thành tựu 50 năm sau ngày đất nước thống nhất - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát  triển VHNT tỉnh Bạc Liêu”. Một trong những vấn đề đó là, dù đã có hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm VHNT các thể loại được sáng tác, sáng tạo hàng năm nhưng lại khó khăn để tìm ra tác phẩm được công chúng đón nhận và quan tâm. Những chuyến thực tế sáng tác được tổ chức đều đều nhưng có bao nhiêu câu chuyện từ thực tế được sáng tác chạm được trái tim độc giả, khán thính giả? Đầu tư cho tác phẩm chất lượng cao nhưng đã có một hội đồng nghệ thuật đủ tầm để đánh giá các tác phẩm ấy đúng tầm “chất lượng cao” hay chưa?

Ở thời đại nào cũng có những vấn đề đặt ra cho VHNT vào cuộc. Những nỗi đau từ đại dịch COVID-19, nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền, nạn bạo lực học đường... luôn đòi hỏi sân khấu, âm nhạc, văn học... có nhiều hơn nữa những tác phẩm chữa lành những tổn thương, thắp lên niềm tin và hy vọng, nhưng đã qua vẫn là một khoảng trống băn khoăn!

Khó chồng khó, ở diện rộng là do cơ chế chung, đầu tư cho văn hóa chưa ngang tầm với nhiệm vụ. Nguyên nhân khác là chưa có một cơ chế linh hoạt tại địa phương khi chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của văn hóa. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền cũng như các cơ quan chức năng liên quan (kế hoạch đầu tư, tài chính, quản lý đất đai…) chưa thật sự coi phát triển văn hóa nói chung và phát triển hệ thống TCVH là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên nên chưa dành sự quan tâm đúng mức. Ngành chủ quản đôi khi chưa kịp thời có những tham mưu, đề xuất để tìm một cơ chế đầu tư thích hợp, bắt nhịp với sự phát triển của công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

Sân khấu cải lương vẫn vắng bóng những kịch bản mang hơi thở thời đại. Trong ảnh: Một cảnh trong vở cải lương Phạm Lãi biệt Tây Thi.

Xung quanh câu chuyện tôn vinh di sản, đầu tư cho TCVH, tạo ra tác phẩm VHNT tác động đến đời sống nhân dân để khắc phục tình trạng đầu tư dàn đều, hiệu quả nửa vời, đến nay vẫn còn là những câu hỏi bị bỏ lửng và chưa có lời giải thỏa đáng!

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.