Cuộc thi “Bông lúa vàng - Tỏa sáng tài năng cải lương 2024”:​ Bạc Liêu đặt nhiều kỳ vọng

Thứ Sáu, 12/04/2024 | 15:10

Được chọn làm điểm sơ tuyển đầu tiên để bắt đầu Cuộc thi “Bông lúa vàng - Tỏa sáng tài năng cải lương 2024”, Bạc Liêu đã thành công tổ chức vòng gieo hạt (vòng sơ tuyển) với phần dự thi của hơn 50 thí sinh đến từ các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ. Sự đam mê, hào hứng của các thí sinh Bạc Liêu hứa hẹn mang đến nhiều “sắc màu” cho cuộc thi năm nay.

Sân chơi nuôi dưỡng đam mê

Đã tổ chức đến năm thứ 31, Cuộc thi “Bông lúa vàng - Tỏa sáng tài năng cải lương 2024” tiếp tục nhận được sự quan tâm của giới mộ điệu gần xa. Đây được xem là sân chơi nghệ thuật uy tín để người đam mê cải lương có cơ hội thử sức và rèn giũa tài năng.

Cuộc thi năm nay, đơn vị tổ chức Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh (VOH Radio) chọn 3 điểm sơ tuyển tại Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh để chọn ra 60 - 80 thí sinh đạt chuẩn cơ bản về giọng hát vào vòng mạ non (vòng 2).

Tại điểm sơ tuyển đợt đầu tiên là Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP. Bạc Liêu), có hơn 50 thí sinh trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia. Gặp gỡ thí sinh Trần Thị Thu (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) sau phần thi, bạn hồ hởi chia sẻ: “Tôi khá hài lòng với phần thi của mình bởi đã chuẩn bị rất kỹ càng. Bên cạnh đó, sự ủng hộ nhiệt tình của thầy Tư Loan cùng bạn bè đã tiếp thêm cho tôi nhiều động lực để hoàn thành tốt phần thi”.

Có thể nói, cuộc thi đã trở thành điểm hẹn đối với nhiều người yêu cải lương, nhạc tài tử, qua sân chơi tìm kiếm nhân tố mới này, các thí sinh cùng tiếp nối con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, chung sức bảo tồn, phát triển nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ.

Phần thi diễn của các thí sinh tại cuộc thi “Bông lúa vàng - Tỏa sáng tài năng cải lương 2024”. Ảnh: T.N

Nhiều thí sinh tiềm năng từ Bạc Liêu

Thời tiết nóng nực của những ngày này cũng không làm chùn bước các thí sinh đến với cuộc thi. Ngồi chăm chú xem phần thi diễn của các thí sinh khác trên sân khấu, anh Nguyễn Văn Đệ (cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bạc Liêu) thổ lộ: “Tôi xin cơ quan nghỉ một buổi để tham gia thi. Thú thật, cải lương đối với tôi là niềm đam mê lớn mà tôi đã nuôi dưỡng từ nhỏ. Đến với cuộc thi này tôi muốn thử sức mình và giao lưu cùng với nhiều thí sinh khác”. Không chỉ anh Đệ, nhiều thí sinh đến với cuộc thi cũng đảm nhận những công việc không liên quan đến nghệ thuật, nhưng có lẽ niềm đam mê ca hát cháy bỏng đã thôi thúc họ đứng trên sân khấu này.

Tại cuộc thi năm nay, mặt bằng các thí sinh khá đa dạng với nhiều độ tuổi, thí sinh trẻ nhất chỉ vừa đôi mươi, các thí sinh Bạc Liêu chiếm phần đông so với các thí sinh đến từ các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ. Chị Lâm Thúy Đăng (25 tuổi, nhân viên Ngân hàng TMCP Nam Á - Phòng giao dịch TX. Giá Rai), bộc bạch: “Tôi lớn lên trong những câu vọng cổ ngọt lịm từ ba mẹ. Gia đình tôi ai cũng mê vọng cổ, cải lương nên lần này tôi quyết tâm tham gia cuộc thi mà tôi đã xem từ hồi còn nhỏ xíu”. Có thể thấy, nhiều thí sinh của quê hương bản “Dạ cổ hoài lang” đều có chung niềm đam mê với nghệ thuật cải lương thuở nhỏ qua sự ảnh hưởng từ gia đình.

“Các thí sinh Bạc Liêu là những gương mặt rất trẻ, nhiều thí sinh bộc lộ rõ năng khiếu và tiềm năng để tiến sâu vào những vòng trong tại cuộc thi năm nay. Với tinh thần và niềm đam mê mà các thí sinh Bạc Liêu thể hiện, tin rằng cuộc thi năm 2024 sẽ trở nên vô cùng sôi động”, Thạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải (nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh) - thành viên Ban giám khảo, cho biết.

Với sự thể hiện xuất sắc của Quán quân Bông lúa vàng 2023 Nguyễn Quỳnh Như - một người con của Bạc Liêu, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng Bạc Liêu sẽ tiếp tục đạt thành tích cao tại cuộc thi năm nay.

BÙI TUYẾT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.