Trong nước

Năm 2017 có thể đạt và vượt cả 13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội

Thứ Ba, 03/10/2017 | 15:37

Sáng 3-10, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9 năm 2017 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến cơn bão số 10, cơn bão lớn nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào nước ta. Tuy nhiên, thiệt hại của cơn bão đã được giảm thiểu do hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai từ dự báo đến khắc phục hậu quả. Hệ thống an sinh xã hội, các lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên... đã tích cực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão, ổn định sản xuất. Thủ tướng cũng đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các địa phương liên quan, sự vào cuộc của các bộ, ngành và sự tương trợ, chia sẻ của người dân cả nước đã hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão sớm ổn định đời sống. 

Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng đánh giá trong quý 3 nền kinh tế đất nước đã tăng trưởng đột biến. Nếu quý 1 tăng trưởng có 5,15%, quý 2 là 6,17% thì quý 3 đã mức độ tăng trưởng là 7,46%. Đáng mừng là, khu vực sản xuất, dịch vụ với các mảng quan trọng như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, du lịch, hệ thống mua bán lẻ trên toàn quốc đã có mức tăng trưởng rất cao.   

Sáng 3-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2017. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng nhận định: “Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay và không có thiên tai lớn, không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, khắc phục được các tồn tại thì năm nay có thể là năm đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành toàn diện và vượt mức 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt và 8 chỉ tiêu đạt. Có nhiều chỉ tiêu quan trọng lấy động lực tăng trưởng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chứ không phải từ tín dụng và khai khoáng”.

Cùng với đó, diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh Việt Nam đã tăng 5 bậc. So với cách đây 5 năm thì chỉ số này của Việt Nam đã tăng 50 bậc. Theo công bố của Nikkei, chỉ số mua hàng của Việt Nam đã đạt mức cao nhất trong ASEAN với 53 điểm. Không khí làm ăn của người dân, doanh nghiệp rất sôi động. Tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm đã đạt 19,8% so với cùng kỳ, do đó có thể phấn đấu cả năm đạt mức tăng trưởng là 20-21%, gấp 3 lần kế hoạch Quốc hội giao. Trong đó, nông nghiệp có thể xuất khẩu đạt 35 tỷ USD.

Thủ tướng đánh giá, hệ thống hành chính đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, đã cắt giảm được 5000 thủ tục hành chính. Các bộ, địa phương đều có nghị quyết cắt giảm thủ tục hành chính để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế giữ được, nhất là thu ngân sách tăng đến gần 14%, tín dụng tăng 12%. Nhập siêu giảm chỉ còn 442 triệu USD. Đặc biệt, dự trữ ngoại hối hơn 44 tỷ USD.  Ngân hàng nhà nước đã mua được thêm hơn 5 tỷ USD.

Thời gian qua, cả nước đã có gần 94.000 doanh nghiệp thành lập mới. Tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi. Niềm tin của thị trường, của xã hội, mức sống người dân tăng. Trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... đều đạt được các thành tựu. Đã thực hiện bảo hiểm y tế đến 83% người dân.

Thủ tướng cho rằng, cả nước đã đi được ¾ chặng đường trong thực hiện kế hoạch của năm. Tuy nhiên, quý 4 này, các bộ, ngành địa phương không được chủ quan mà phải tập trung điều hành quyết liệt các vấn đề đặt ra. Quý 4 phải tăng trưởng kinh tế khoảng 7,4-7,5% mới đạt kế hoạch cả năm. Nếu say sưa với kết quả 9 tháng và không nỗ lực trong quý 4 thì có thể không đạt được kế hoạch, đặc biệt là GDP. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của 2017, Thủ tướng đề nghị các thành viên của Chính phủ phải rà soát lại các quy định, các dư địa tăng trưởng.

Thủ tướng yêu cầu, một số hạn chế trong thời gian qua cần phải được tìm ra giải pháp, ví dụ như: Ngành chế biến chế tạo tăng mạnh nhưng khu vực công nghiệp xây dựng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ. Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại do vẫn có 8.736 doanh nghiệp giải thể, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến việc giải ngân vốn đầu tư công tuy đã tốt hơn nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, còn ở mức thấp. Thủ tướng yêu cầu phải tìm cách giải ngân hết số vốn 307.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2017 để phục vụ tăng trưởng. Địa phương nào, ngành nào không làm được phải kiên quyết cắt giảm để phục vụ các ngành cấp bách khác. “Nền kinh tế đang khát vốn, mà nơi nào không giải ngân được thì phải kiên quyết điều chuyển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu tăng tốc công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thời gian qua công tác thoái vốn nhà nước còn rất chậm, gần như giậm chân tại chỗ.

Thủ tướng lưu ý đây là phiên họp sắp bước vào kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV nên các thành viên Chính phủ cần kiểm điểm công tác chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp Quốc hội. Thủ tướng yêu cầu báo cáo các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, vốn trái phiếu chính phủ...

Theo QĐND

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.