Để người dân “vui vẻ” chấp hành pháp luật

Thứ Hai, 14/10/2019 | 17:02

Không ít người dân cho rằng, pháp luật là những mệnh lệnh buộc phải chấp hành, thậm chí là hình phạt, là trừng trị hoặc đơn giản chỉ là để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Nhiều người chỉ bắt đầu quan tâm đến các quy định của pháp luật khi bản thân vướng vào các sự việc miễn cưỡng, có tranh chấp, kiện cáo… Không phải ai cũng hiểu rõ ràng, nếu hiểu đúng và thực hiện đúng thì pháp luật chính là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tránh mọi sự xâm hại không đáng có.

Để người dân đồng thuận trong chấp hành pháp luật, nhất là trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN-TC), rất cần những hành động thiết thực, cụ thể từ chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị xã hội. Từ việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến xây dựng niềm tin về tinh thần thượng tôn pháp luật.

>> Bài 1: Thiếu giải thích pháp luật, dân “ôm” đơn khiếu nại kéo dài!

Bài 2: Tạo thói quen thượng tôn pháp luật

Một trong những yếu tố khiến công dân trì hoãn không chịu chấp hành quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các cơ quan công quyền chính là hy vọng vụ việc của mình được xem xét, giải quyết lại dù quyết định hành chính đó, bản án đó đã có giá trị pháp lý. Nhiều năm qua, không ít vụ khiếu kiện kéo dài, thậm chí là kéo lên Trung ương, cố tình chây ì không thi hành cũng chỉ vì họ vẫn mong chờ và hy vọng. Điều này không chỉ do lỗi của một phía là người dân, mà cũng xuất phát từ sự thiếu nhất quán của các cơ quan công quyền, gây khó khăn cho chính quyền các cấp, nhất là đối với những vụ việc đã kết thúc giải quyết. Từ đó làm giảm uy tín, giá trị về năng lực giải quyết của cán bộ nhà nước đối với các quyết định mang tính chất pháp quyền.

Công dân trình bày yêu cầu khiếu nại của mình tại buổi tiếp công dân do Thường trực HĐND tỉnh chủ trì. Ảnh: K.P

Kiên quyết nói “không” với những trường hợp kết thúc giải quyết khiếu nại

Trong rất nhiều lần tiếp công dân về giải quyết KN-TC, có đến hơn 2/3 trong số những công dân đăng ký gặp gỡ đều nằm trong số những trường hợp tỉnh đã kết thúc giải quyết, nhưng công dân không chấm dứt KN. Bởi trong một thời gian dài trước đây, cứ công dân đến yêu cầu KN, các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến Trung ương cứ tiếp rồi ra phiếu tiếp nhận. Phiếu tiếp nhận này chỉ là một thủ tục theo quy định về việc tiếp nhận đơn thư KN, nhưng nhiều công dân lại dựa vào đây cho rằng, cơ quan cấp tỉnh, Trung ương đã thụ lý vụ việc để làm lại, do đó tăng niềm tin mà đi KN tiếp tục.

Một khi vụ việc đã kết thúc giải quyết, cấp tỉnh, thậm chí là Trung ương cũng đã có những trả lời chính thức để kết luận vụ việc, thì việc công dân cứ ôm đơn kiện lòng vòng làm mất thời gian, tốn kém tiền bạc, công sức của chính công dân, và còn gây thiệt hại về uy tín của các cơ quan công quyền. Trong khi đã không còn có thể áp dụng hay vận dụng bất cứ quy định pháp luật nào khác để giải quyết khác hơn, thì nên chấm dứt giải quyết khiếu kiện. Muốn được như vậy, ngoại trừ việc tuyên truyền, giải thích động viên để người khiếu kiện hiểu và tự nguyện chấp hành, các cơ quan nhà nước cần kiên quyết nói “không” với những vụ việc đã kết thúc giải quyết.

Đáng mừng là từ đầu năm 2019 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền tổng kết tất cả các vụ việc đã chấm dứt giải quyết KN và thông báo danh sách từng trường hợp cụ thể đến các cơ quan hữu quan. Những trường hợp này đều là những trường hợp KN kéo dài nhiều năm, cấp tỉnh, Trung ương đã có trả lời bằng văn bản chính thức là vụ việc đã giải quyết đúng, đầy đủ theo quy định pháp luật, không thể xem xét thêm. Theo chỉ đạo của tỉnh, đối với những trường hợp này, chỉ giải thích cho công dân hiểu và chấp hành, không tiếp nhận đơn, không hứa hẹn xem xét. Và danh sách này được gửi đến các cơ quan từ Trung ương đến các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Mạnh dạn chịu trách nhiệm

Năm 2018, Chủ tịch UBND TX. Giá Rai chỉ đạo đưa đi giáo dục bắt buộc đối với một trường hợp là công dân chuyên đi KN kết hợp gây rối trật tự công cộng, đả kích, xúc phạm các cơ quan công quyền. Bà L. ôm đơn đi KN kéo dài nhiều năm, mặc dù vụ việc của bà đã được các cơ quan từ cấp huyện đến tỉnh giải quyết xong và không còn cơ sở để giải quyết nữa. Khi biết không thể KN bằng con đường thông thường, bà L. bắt đầu chuyển hướng sang KN và kích động, có thái độ bất hợp tác với cơ quan nhà nước, thiếu tôn trọng đối với những người thi hành pháp luật. Sự mạnh dạn, kiên quyết của chính quyền TX. Giá Rai trong trường hợp của bà L. đã khiến nhiều trường hợp KN kéo dài, âm ỉ bỏ từ ý định kéo đông người gây rối trước trụ sở các cơ quan công quyền. Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND TX. Giá Rai, cho biết: “Thị xã đã giải quyết hết trách nhiệm với những trường hợp này. Nếu công dân cố tình mượn việc KN để gây rối, gây mất trật tự trị an, gây tổn hại uy tín của các cơ quan công quyền thì chúng tôi chỉ đạo công an, các cơ quan pháp luật tiến hành đúng quy trình mà xử lý để răn đe và làm gương”. Việc làm của chính quyền TX. Giá Rai không khó, bởi luật đã có quy định, nhưng không phải địa phương nào cũng mạnh dạn trong xử lý như thế này. Bởi đi liền với sự mạnh dạn, kiên quyết đó còn là tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nếu cấp cơ sở cứ ngại khó, né tránh thì chắc chắn, những trường hợp chây ì, KN kéo dài như trên sẽ chạy về tỉnh, rồi kéo về Trung ương. Cái khó lại tiếp tục bị đẩy về cấp trên, khiến cấp trên vốn đã quá tải càng thêm mệt mỏi.

Đồng bộ từ các quy định

Các quyết định giải quyết KN có hiệu lực pháp luật cần phải được thực hiện nghiêm túc, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Người giải quyết KN, người KN, người bị KN; cơ quan, người có thẩm quyền; tổ chức, cá nhân liên quan cần phải tôn trọng và thực hiện kịp thời, góp phần bảo đảm kỷ cương pháp luật và củng cố niềm tin trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu kiện có hiệu lực pháp luật tại một số nơi mặc dù đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nghiêm túc nhưng nhiều nơi vẫn còn hiện tượng thi hành chậm, thiếu quyết liệt. Nhiều vụ việc phức tạp, có hiệu lực nhưng bị xem đi xem lại nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Chính việc thiếu tuân thủ và tổ chức thực hiện kịp thời đối với các quyết định đã có hiệu lực pháp luật đã gây tâm lý không tốt khiến công dân tiếp tục tái KN, làm cho vụ việc trở nên phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Thiết nghĩ, để người dân tự nguyện chấp hành pháp luật, Nhà nước cần quy định rõ chế tài xử lý đối với người giải quyết KN trong việc thiếu trách nhiệm đôn đốc thực hiện, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết KN có hiệu lực pháp luật. Quy định cụ thể biện pháp xử phạt đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp cố tình trì hoãn, không thi hành quyết định giải quyết KN hành chính. Quy định rõ trách nhiệm bồi thường của cán bộ, cơ quan hành chính nhà nước đối với công dân khi những người này không thực thi các quyết định giải quyết KN hành chính mà gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Quy định cụ thể hơn về áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành và mức độ không tuân thủ, chấp hành quyết định giải quyết KN hành chính có hiệu lực pháp luật.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.