Phóng sự - Ký sự

Tháng đầu trong quân ngũ

Thứ Sáu, 01/04/2016 | 17:04

Một tháng đã trôi qua, cảm giác lạ nước lạ cái, chưa quen đồng đội, nhớ nhà đã không còn ở các chiến sĩ nhập ngũ cuối tháng 2 vừa rồi. Ở nhà có người giặt đồ, giăng mùng sẵn, vô đây, quân đội rèn các em thành người thanh niên tự lập, chững chạc.

NHỚ VÀ LO

Tối thứ Bảy, doanh trại Đại đội 5 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn bộ binh 894) - nơi đang huấn luyện 60 chiến sĩ nhập ngũ ngày 26/2 năm nay như nhuốm màu vàng của ánh đèn chiếu sáng và ánh trăng giữa tháng. Bao trùm cả không gian rộng lớn đó là sự vắng lặng, nghe được cả tiếng chân đi, chỉ có vài người uống nước ở căn-tin gần cổng ra vào.

Đi vòng qua căn-tin, đến hội trường, một giọng đọc nghe rất quen vang lên. Chiến sĩ đang xem phim tài liệu về nhật ký Chủ tịch Hồ Chí Minh và hậu phương lớn miền Bắc qua giọng đọc của nghệ sĩ ưu tú Kim Tiến. Tất cả ánh mắt, đôi tai của họ nãy giờ đều dồn về màn hình phía trước, chăm chú theo dõi từng khung hình, lời bình. Những thước phim lịch sử quý giá ấy sẽ bồi đắp, hun đúc tình yêu non sông, tình yêu cách mạng và tình yêu quân đội trong sâu thẳm mỗi người lính trẻ hôm nay. 8 giờ tối, buổi chiếu phim kết thúc, tất cả xếp thành 6 hàng dọc ngay ngắn và trở về khu nhà nghỉ.

Nhìn các chiến sĩ đi ngay hàng thẳng lối, trật tự, ai có thể ngờ rằng chỉ mới 3 tuần trước họ là những người xa lạ của nhau, lối sống in đậm nếp sinh hoạt gia đình và cá nhân. Chiến sĩ Châu Văn Cón (quê xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) trước đây hay chơi điện tử, thay quần áo ra là để cho người nhà giặt, ngủ thức dậy cái mùng hiếm khi được xếp gọn. Giờ đây, nội vụ gọn gàng, nói năng chững chạc, sinh hoạt theo giờ giấc. Sự khác biệt ấy làm cha mẹ em vui, song cũng làm em nhớ nhà hơn, thương cha mẹ hơn. Cón chia sẻ, người em nhớ nhất là bà ngoại, năm nay ngoài 60 tuổi hay bị đau nhức khi trái gió trở trời. Sống với bà từ nhỏ, ăn cơm ít bà cũng nhắc, đi chơi về khuya bà chờ cửa, đi học xa thì điện thoại hỏi thăm thường xuyên. Cón nhớ rõ những ngày trời oi bức như tháng 3 này, bà thường mắc võng ở vườn nhãn cổ nằm, trên tay là chiếc quạt mo. Khi thằng cháu học bài xong, bà lại gọi ra ngồi cùng và kể chuyện “hồi xửa hồi xưa”.

Nhớ nhà, nhớ người thân, người yêu, bạn bè là tâm lý chung của chiến sĩ mới. Thượng úy Tạ Hoàng Hải (chính trị viên Đại đội 5) cho biết, có chiến sĩ khóc đến ướt gối, thao thức đến nửa đêm. Quyển sổ tay được chính quyền địa phương tặng lúc nhập ngũ trở thành người bạn, ghi lại những gì diễn ra trong ngày và cả tâm trạng của người lính. Thói quen viết nhật ký bắt đầu từ đó. Chính trị viên đã lường trước các tình huống này nên chủ động “lắng nghe, thấu hiểu” những tỉ tê chia sẻ của tân binh. Khi biết chiến sĩ lo sẽ bị người yêu chia tay, anh Hải bày cách: “Bạn vào thăm, em nói thế này: Em ơi! Cầm vàng còn để vàng rơi, Lấy chồng bộ đội đời đời ấm no”.

Lời khuyên chân thật và có phần dí dỏm của cán bộ chính trị mà họ xem như người anh trong nhà khiến các chiến sĩ thêm vững tin. Chiến sĩ Trần Văn Cảnh (quê xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) cùng người yêu hẹn ước nên đôi sau ngày Cảnh xuất ngũ. Quen nhau từ hồi phổ thông, giờ người đi bộ đội, còn người học cao đẳng mầm non. Cuối tuần, cô giáo tương lai từ nội ô ra vùng ven biển thành phố thăm người yêu. Nhìn nước da rám nắng, cầm bàn tay chai sạm của người yêu, cô gái động viên: “Ráng ở đây đi, em đợi”.

Chiến sĩ hăng say luyện tập trên thao trường. Ảnh: N.Q

RÈN TỪ GIƯỜNG... RA ĐẾN THAO TRƯỜNG

Gặp tôi, các chiến sĩ nói vui: “Anh ơi, còn 2 ngày thoải mái thôi, chứ từ thứ Hai tuần sau là “căng như kẻ chỉ”, không còn phạt nhẹ như bây giờ đâu”. Trong tháng đầu, mọi chuyện còn bỡ ngỡ, nội vụ xếp chưa ngay và còn chậm, cán bộ chỉ bắt ra ngồi hàng ba xếp lại cho đúng quy định. Còn từ tháng thứ hai trở đi, sẽ phải ngồi trên đường băng đội nắng xếp mùng mền. Phương châm huấn luyện chiến sĩ mới là “cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Cán bộ huấn luyện dạy các em từ những điều nhỏ nhất.

Buổi đầu tiên tại ngũ, tân binh được nghỉ ngơi vì đã thức cả đêm. Chiều ăn uống xong, cán bộ chỉ cách sắp ba lô, giày dép, mắc quần áo cuối giường. Thượng úy Kim Văn Hân, Đại đội trưởng Đại đội 5 chỉ cách xếp đồ trong ba lô: “Đồ lớn, đồ nặng để dưới. Đồ nhỏ, gọn, nhẹ để trên. Đồ thường dùng để trên, đồ ít dùng để dưới. Xếp làm sao cho nó căng ba lô ra”. Tiếp đến là hướng dẫn các khu chức năng trong doanh trại (nhà ăn, nhà vệ sinh, nơi phơi quần áo, bãi tập thể lực, hội trường), và cách chào hỏi, xưng hô, báo cáo. “Đây là tiểu đội trưởng, đi đâu phải hỏi, phải xin phép”, một cán bộ chỉ dẫn. Hôm sau, các chiến sĩ học xếp nội vụ. Chuyện xếp mùng mền là việc thường làm, những tưởng “dễ xơi”. Song bắt tay vào xếp theo quy định của quân đội thì chiến sĩ mới mới vỡ lẽ, toát mồ hôi hột. Xếp mền sao cho phẳng, đạt chiều cạnh 25cm x 35cm, các góc vuông vức và quan trọng là phải đảm bảo thời gian. Đồng chí Đại đội trưởng mất chừng 3 phút xếp xong, còn chiến sĩ mới thì thời gian gấp 10 lần như vậy. Cho nên, đến giờ vẫn có chiến sĩ phải thức sớm hơn giờ quy định khoảng nửa tiếng để xếp mùng mền, tránh bị phạt.

Sau 1 tuần ổn định, 60 tân binh chính thức bước vào huấn luyện. Đại đội chia làm 2 tốp, huấn luyện điều lệnh quân đội và huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh. Tốp học điều lệnh giơ 1 mũi bàn chân về phía trước, song song và cách mặt đất 20cm. Để đảm bảo sự đồng đều, sĩ quan huấn luyện sử dụng dây căng ke tay, ke chân. Còn ở sân cát, tốp chiến sĩ học kỹ thuật đeo súng, hộp tiếp đạn, cuốc chim và xẻng chăm chú theo dõi từng động tác mẫu của đồng chí trung đội trưởng. “Súng trung liên ra đầu hàng, nhanh lên. Giãn đội hình ra. Tiểu đội 1 bước lên”. Tiếp sau khẩu lệnh dứt khoát là phần hướng dẫn kết hợp làm mẫu của cán bộ: “2 bàn chân nằm trên 1 đường thẳng. Dùng mũi bàn chân trái làm trụ xoay người sang phải, sao cho 2 bàn chân nằm trên 1 đường thẳng”. Các chiến sĩ tập theo, sai chỗ nào, cán bộ đến chỉnh sửa từng người.

Sau 1 tháng quân trường, các chiến sĩ mới đã có nhiều thay đổi, ăn cơm nhiều hơn, dáng người săn chắc hơn, tác phong chững chạc, và bước đầu học tập về điều lệnh, kỹ, chiến thuật bộ binh. Sự thay đổi đó khiến các chiến sĩ “x-men” hơn, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước. Sáu chiến sĩ có kết quả học tập, rèn luyện tốt trong 3 tháng huấn luyện sẽ được thăng quân hàm vượt cấp, từ binh nhì lên binh nhất. Phần thưởng đó là động lực để 60 chiến sĩ không ngừng nỗ lực trong 2 tháng huấn luyện còn lại.

Nghĩa Lập

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.