Thực trạng quản lý đất công trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Thứ Tư, 06/12/2023 | 16:16

Thời gian qua, việc quản lý đất công chưa đảm bảo đã dẫn đến nhiều hệ lụy, không chỉ dẫn đến các vụ khiếu kiện mà còn gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, thất thu ngân sách từ quỹ đất công.

Sở Tài nguyên - Môi trường báo cáo tình hình quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh với đoàn giám sát của HĐND tỉnh.

VƯỚNG MẮC TỪ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT CÔNG

Gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong công tác quản lý và sử dụng đất công, điển hình là Quy định về quản lý và sử dụng quỹ đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu do UBND tỉnh ban hành; các sở, ngành và các địa phương đã tập trung quyết liệt trong tổ chức rà soát việc quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn. Đến nay, cơ bản đã có được bộ hồ sơ, số liệu đất công (trong đó có phân ra các nhóm đất, các khu đất với diện tích và vị trí cụ thể) để làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vụ việc có liên quan đất công theo quy định.

Tuy nhiên, do thực trạng trước đó một thời gian khá dài, việc quản lý đất công manh mún, nên đến nay tình trạng đất công bị lấn chiếm, tranh chấp với hộ dân, tổ chức, không khai thác hiệu quả vẫn còn tồn tại.

Theo số liệu báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường, tổng diện tích đất công trên địa bàn hơn 12.045ha, trong đó, đất bị lấn, chiếm 2.845,11ha, đất đã xây dựng, sử dụng gần 8.960ha, đất còn lại (đất trống) 241,72ha. Trong giai đoạn 2020 - 2022, UBND tỉnh đã giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng hơn 1.151ha.

Đến nay, không chỉ đất công được UBND cấp huyện giao cho hộ gia đình, cá nhân vẫn chưa theo dõi và tổng hợp được số liệu mà ngay cả số đất công bị lấn chiếm, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng chưa rà soát đầy đủ, chưa có số liệu báo cáo cụ thể từng trường hợp. Tình trạng này khiến cho việc giải quyết, thu hồi đất công bị lấn chiếm trở nên nan giải, khó khăn và tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được.

Dự án Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu - Sài Gòn (Phường 1, TP. Bạc Liêu) đã bị UBND tỉnh thu hồi do vi phạm tiến độ giờ vẫn là đất trống. Ảnh: K.K

ĐẤT CÔNG BỊ LẤN CHIẾM VÀ SANG BÁN TRÁI PHÉP

Quỹ đất công của Nhà nước gồm quỹ đất “sạch”, đất trụ sở cơ quan, đất công trình sự nghiệp và đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của địa phương giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng, chủ yếu là đất do Trung tâm Phát triển quỹ nhà và đất tỉnh hoặc đất do UBND cấp huyện, cấp xã quản lý. Tổ chức được Nhà nước giao đất sử dụng vào các mục đích như xây dựng trụ sở cơ quan, trạm quản lý, các khu di tích, khu lưu niệm, công trình văn hóa, bến xe tàu…, phần lớn đều sử dụng đất đúng theo mục đích đã được Nhà nước giao. Các quỹ đất gắn liền với tài sản trên đất (công trình trụ sở cơ quan) do Nhà nước quản lý, khi thực hiện sắp xếp điều chuyển tài sản nhà nước theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công thường tồn tại các vi phạm như tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích cho kinh doanh hoặc bố trí sử dụng vào mục đích để ở. Một số trường hợp tổ chức sử dụng đất được Nhà nước giao đất quản lý sử dụng nhưng không xây dựng hàng rào, không quản lý ranh giới để người dân lấn chiếm sử dụng trong thời gian dài đến nay khó giải quyết.

Đặc biệt đối với quỹ đất công giao cho hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện, thời gian qua công tác này ở các địa phương chưa được quan tâm sâu sát, còn buông lỏng quản lý trong thời gian dài dẫn đến tình trạng người dân lấn chiếm sử dụng và sang bán trái phép gây khó khăn trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ. Thực trạng này xảy ra trên địa bàn các huyện Hòa Bình, Đông Hải, Phước Long… Bên cạnh đó, các địa phương sử dụng quỹ đất nông nghiệp vào mục đích công ích của xã, cho thuê chưa đúng đối tượng như cho hợp tác xã thuê đất để canh tác, để người dân lấn chiếm sử dụng trong thời gian dài mà không có biện pháp xử lý. Một số quy định về giao quỹ đất công cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, hay xây dựng phương án bố trí quỹ đất nông nghiệp thuộc đất công ích của địa phương cho người không có đất canh tác cũng chưa được nhiều địa phương thực hiện.

Nguyên nhân thì có nhiều, chủ yếu xoay quanh vấn đề theo dõi quản lý quỹ đất công của các cơ quan, bộ phận chuyên môn ở cấp xã, cấp huyện trong thời gian qua còn rất hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức.

NHIỀU DỰ ÁN SỬ DỤNG ĐẤT CÔNG CHẬM TIẾN ĐỘ

Trong giai đoạn 2020 - 2022, UBND tỉnh đã xử lý 6 dự án chưa triển khai thực hiện hoặc đang triển khai nhưng chậm tiến độ với tổng diện tích hơn 1.040ha. Các dự án chậm triển khai không chỉ gây ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư của tỉnh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn gây nhiều dư luận không tốt, làm thất thoát ngân sách nhà nước do quỹ đất công không được đầu tư phát huy hiệu quả kinh tế.

Có thể kể đến các dự án như: Dự án đầu tư cánh đồng muối mẫu tại xã Điền Hải (huyện Đông Hải) do Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu làm chủ đầu tư, diện tích chậm tiến độ thực hiện dự án là 1.600m2; Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu - giai đoạn III tại xã Vĩnh Trạch và xã Hiệp Thành do Công ty Cổ phần Super Wind Ennergy làm chủ đầu tư, diện tích chậm tiến độ thực hiện dự án là 10.367.593,7m2; Dự án Nhà máy Bia Sài Gòn Bạc Liêu tại Khu Công nghiệp Trà Kha (Phường 8, TP. Bạc Liêu) do Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Bạc Liêu làm chủ đầu tư, diện tích đất chưa đầu tư xây dựng còn lại của dự án là 18.793,65m2; Dự án Nhà ở công nhân tại Phường 8 (TP. Bạc Liêu) do Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Bạc Liêu làm chủ đầu tư, diện tích chưa đưa vào sử dụng là 2.828,78m2; Dự án Trung tâm thương mại Nguyễn Kim Bạc Liêu (Phường 3, TP. Bạc Liêu) do Công ty TNHH Nguyễn Kim Bạc Liêu làm chủ đầu tư, diện tích chưa đưa vào sử dụng là 4.073,8m2; Dự án Nhà máy Bao bì dầu khí tại Khu công nghiệp Trà Kha do Công ty Cổ phần Bao bì dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, diện tích chậm triển khai thực hiện dự án là 8.868,24m2.

Các chủ đầu tư đã giải trình nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan cũng có; bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chấp thuận cho các chủ đầu tư gia hạn thời gian thực hiện dự án nhưng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính và hoàn thiện hồ sơ về đất đai theo quy định hoặc chấm dứt hoạt động đầu tư, UBND tỉnh thu hồi đất và giao cơ quan Thuế rà soát truy thu tiền sử dụng đất, tiền chậm đưa đất vào sử dụng… Vấn đề quan trọng là các nội dung trên có được chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hay không? Việc theo dõi, rà soát và kịp thời báo cáo tiến độ thực hiện, triển khai các dự án cũng là trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, các sở, ngành được giao trọng trách tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh trong quản lý các dự án có sử dụng đất công. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra quỹ đất công cần được chú trọng thực hiện, nhất là vai trò của UBND cấp huyện trong rà soát quỹ đất công để chỉ đạo UBND cấp xã thanh lý, hủy bỏ các trường hợp thuê đất quá thời hạn, không đúng quy định, sử dụng đất không đúng mục đích, để cho người khác lấn, chiếm. Từ đó mới có thể góp phần đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, phát huy được nguồn lực từ đất.

TUẤN MINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.