Để nền hành chính thật sự gần dân

Thứ Tư, 20/05/2020 | 17:10

Cải cách hành chính (CCHC) trước hết là để tạo sự hài lòng của người dân. Đó cũng là thước đo hiệu quả nhất trong việc đánh giá chính quyền có thật sự cải cách hay không. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói rất nhiều về một chính phủ kiến tạo, chủ động và sáng tạo, đặc biệt là tránh tình trạng nhũng nhiễu dân, nói không với kiểu hành chính cứng nhắc, xa rời thực tiễn.

Tại Bạc Liêu, những năm gần đây, chính quyền hành chính cấp tỉnh đã dồn sức cho nhiều mục tiêu, trong đó đặc biệt chú trọng đến CCHC. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, rồi chuyện cải cách theo hướng đẩy cái khó về phía người dân hay vẫn tư duy “kiểu làng xã” để áp dụng cho thời đại công nghệ 4.0 đã khiến không ít những nỗ lực ấy bị kéo ngược lại, trì trệ, thậm chí gây suy giảm sự hài lòng của dân.

>> Bài 1: Cải cách hành chính từ những việc nhỏ - chuyện không cũ

Bài 2: Tìm kiếm sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (chỉ số SIPAS) tại Bạc Liêu được 8,03 điểm, đứng ở mức khá tốt. Tuy nhiên, so với những tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL, Bạc Liêu chỉ đứng trước Cần Thơ, Kiên Giang và Vĩnh Long. Riêng chỉ số CCHC năm 2019 Bạc Liêu tăng 1 bậc, xếp hạng 30/63 tỉnh, thành.

Máy đánh giá mức độ hài lòng của người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Bài học còn nóng hổi

Trong câu chuyện chi tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, TX. Giá Rai là địa phương duy nhất trong tỉnh sớm thực hiện xong việc hỗ trợ. Việc làm này giúp thị xã tạo được uy tín, sự tin tưởng của người dân trong quá trình thực hiện những chính sách của Nhà nước. Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND TX. Giá Rai cho biết, để làm điều này, ngay từ những ngày đầu khi có thông tin Chính phủ triển khai gói 62.000 tỷ đồng, Giá Rai đã đi trước một bước, chỉ đạo các ngành thực hiện tổng điều tra, rà soát và báo cáo nhanh. Khi chủ trương được tỉnh triển khai, thị xã đã xong bước 1, thành lập ban chỉ đạo, tiến hành họp dân, rà soát đối tượng, niêm yết danh sách. Sau khi được Sở LĐ-TB&XH duyệt, chốt số tiền chi hỗ trợ, không thụ động chờ vốn cấp về, thị xã nhanh chóng tạm ứng ngân sách địa phương với số tiền 16 tỷ đồng để chi trước. Giá Rai thành lập 100 tổ chi hỗ trợ tại 71 ấp, đi tới từng hộ dân để cấp tiền, vừa góp phần phòng chống dịch bệnh vừa giúp bà con không phải mất công đi lại. Ông Nguyễn Thanh M., một hộ nghèo của thị xã, phấn khởi chia sẻ: “Cán bộ xã, ấp đến tận nhà phát tiền hỗ trợ sớm cho chúng tôi. Người dân cảm thấy vui mừng lắm!”.

Khi người dân hài lòng, đương nhiên uy tín của chính quyền tăng lên. Sự quyết đoán và mạnh dạn trong việc thực hiện, áp dụng các chủ trương của Chính phủ, của tỉnh đã giúp TX. Giá Rai ghi “điểm cộng” với dân, đặc biệt là những đối tượng chính sách trong nhóm thụ hưởng đợt 1. Những suất hỗ trợ đến với bà con kịp thời không chỉ giúp bà con sớm vượt qua khó khăn, mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sát của chính quyền dành cho dân. Điều này trái ngược với tâm lý trông chờ, ỷ lại, chỉ đến khi cấp tỉnh nghiêm khắc phê bình, đề nghị chi trả ngay cho dân thì các địa phương mới cuống cuồng thực hiện. Giải quyết chính sách trễ, dù đúng, vẫn nhận nhiều phàn nàn, kiểu như “nếu tỉnh không quát tháo ầm ĩ thì chắc vẫn chưa giải quyết”. Tiền là của Trung ương, hỗ trợ là cho dân của mình, giải quyết sớm thì dân được nhờ. Cách làm khác, hiệu quả mang lại chắc chắn khác, sự hài lòng của Nhân dân dành cho chính quyền cũng sẽ khác.

Hệ thống máy vi tính được cấp trong đề án đến cấp xã chỉ phục vụ công việc nhập liệu, chưa phát huy tác dụng như mong đợi. Ảnh: K.P

Tăng chậm đồng nghĩa với thụt lùi

Trong thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, cả nước đã và đang tiến hành tổng kết và công bố các chỉ số liên quan đến năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số CCHC (PARINDEX), chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS).

SIPAS năm 2019 cho thấy, vẫn còn đến 54,88% ý kiến cho biết mình phải đi lại 2 lần, 11,47% phải đi lại 3 lần để giải quyết công việc liên quan đến thủ tục hành chính. Liên quan đến tỷ lệ hài lòng trong tiếp cận dịch vụ tăng theo từng năm, như trụ sở có chỗ ngồi, có hướng dẫn rõ ràng, trang thiết bị đầy đủ, thủ tục được niêm yết công khai, thời gian giải quyết công việc ngày càng rút ngắn. Tỷ lệ hài lòng khi tiếp cận các dịch vụ công của cấp huyện cao hơn cấp xã. Điều này cho thấy, ở nơi gần dân nhất, các dịch vụ công vẫn chưa được như mong đợi. Ở chỉ số đánh giá về sự hài lòng của công chức, thì công chức cấp xã nhận được sự hài lòng của người dân nhiều nhất trong khi công chức cấp tỉnh có chỉ số thấp nhất. Đối với việc trả kết quả dịch vụ, các cơ quan cấp tỉnh vẫn nhận chỉ số thấp nhất trong khi cấp huyện lại lấy điểm với chỉ số hài lòng cao.

Bạc Liêu trong 2 năm trở lại đây, các chỉ số PCI, SIPAS, PARINDEX đều tăng điểm. Tuy nhiên, kết quả xếp hạng lại giậm chân tại chỗ, tăng rất ít, thậm chí sụt hạng trầm trọng. Điển hình như chỉ số PCI, Bạc Liêu đứng thứ 51/63 tỉnh, thành phố, giảm 12 bậc. Vậy câu hỏi đặt ra là, vì sao điểm tăng so với năm 2018 mà lại giảm sâu về xếp loại? Câu trả lời chỉ có một, vì Bạc Liêu tăng thì các tỉnh khác cũng tăng. Trong guồng quay cạnh tranh để phát triển, không có chỗ cho sự ù lì, thụ động. Các địa phương đều thi đua đẩy mạnh CCHC, đơn giản hóa các thủ tục, tăng sự hài lòng của người dân, tổ chức, tăng năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư… Cho nên, chỉ cần ta “chạy chậm”, thì dù có tăng trưởng, có cải thiện chỉ số nhưng so với các tỉnh bạn chạy nhanh hơn, vẫn thua sút về tính năng động, về môi trường cạnh tranh, và đồng nghĩa với việc thụt lùi trong phát triển, trong cải cách. Một khi môi trường đầu tư kinh doanh giảm sút, nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn làm mất nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư, trong việc làm cho người lao động, giảm sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Những tồn tại chưa được giải quyết

Trong đợt khảo sát về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gần đây nhất, khi đến kiểm tra các địa phương, nhất là ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn), đáng mừng là điều kiện vật chất đã được đầu tư khang trang, chỗ nơi tiếp công dân giải quyết các TTHC ngày càng cải thiện, ứng xử trong tiếp dân đã chuyên nghiệp theo hướng phục vụ. Nhưng để nhặt “sạn” trong CCHC, nhất là cải cách TTHC vẫn còn lắm bộn bề. Bức xúc nhất hiện nay rơi vào khâu đầu tư phầm mềm quản lý, vận hành và liên thông các bộ phận giải quyết TTHC từ cơ sở đến huyện, tỉnh.

Cuối năm 2019, các phần mềm cùng với thiết bị máy móc đã được tỉnh đầu tư và cấp cho hầu hết các xã trong đề án. Nhưng niềm vui thì ít mà sự ngán ngẫm do ôm thiết bị máy móc hiện đại mà không vận hành được của chính quyền cơ sở lại hiện hữu. Lý do được nghe nhiều nhất là phần mềm không đồng bộ với các TTHC, hệ thống máy tính không chạy được nên cuối cùng, cán bộ công chức ở các bộ phận một cửa vẫn tiếp tục cầm hồ sơ “chạy việt dã”, các công đoạn xử lý tiếp tục làm theo cách thủ công. Tình trạng này không chỉ ở cấp xã mà nhiều huyện cũng bị tương tự. Địa phương “kêu” nhiều, nhưng kết quả vẫn chưa được khắc phục đến nơi đến chốn. Việc này khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi, nhất là vấn đề trách nhiệm đối với những người được giao thực hiện đề án, khi hiệu quả vận hành và áp dụng đạt rất thấp. Người dân đến những nơi này, nhìn hệ thống máy móc nằm im lìm, chỉ biết lắc đầu ngao ngán, như thế này thì bao giờ mới hội nhập với công nghệ 4.0?!

Tương tự, bên cạnh các chủ trương chính sách, vấn đề cốt lõi vẫn là con người. Việc sắp xếp, luân chuyển, bố trí công chức, viên chức chưa đúng với vị trí việc làm, chuyên môn nghiệp vụ vẫn là vấn đề nóng hổi. Ở cấp tỉnh, đó đây vẫn còn tình trạng thừa lãnh đạo, thiếu chuyên viên, nhất là ở các hội, đoàn thể. Công chức cấp tỉnh không ít vị trí vẫn thụ động, làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”, chờ tới tháng lĩnh lương. Trong giờ làm việc thì làm chuyện riêng, bán hàng trên mạng xã hội, tranh thủ giờ làm đi giao hàng, ở cơ quan không tập trung cho công việc. Ở cơ sở thiếu nhân sự, nhiều địa phương bố trí nhân lực, công chức theo kiểu đổi vai. Phân công cán bộ tư pháp làm nông nghiệp, cán bộ nông nghiệp làm hộ tịch tư pháp, công chức kế toán tài chính đi đo đạc đất đai, còn công chức địa chính thì làm sổ sách kế toán. Kiểu như thế sao tránh khỏi sai sót, sao không gây phiền hà cho dân? Vừa không phát huy được năng lực của công chức, viên chức khi họ phải làm trái với chuyên ngành được đào tạo, vừa chỉ khiến chính quyền cơ sở vận hành ì ạch, trì trệ.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.