Để nền hành chính thật sự gần dân

Thứ Hai, 18/05/2020 | 17:26

Cải cách hành chính (CCHC) trước hết là để tạo sự hài lòng của người dân. Đó cũng là thước đo hiệu quả nhất trong việc đánh giá chính quyền có thật sự cải cách hay không. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói rất nhiều về một chính phủ kiến tạo, chủ động và sáng tạo, đặc biệt là tránh tình trạng nhũng nhiễu dân, nói không với kiểu hành chính cứng nhắc, xa rời thực tiễn.

Tại Bạc Liêu, những năm gần đây, chính quyền hành chính cấp tỉnh đã dồn sức cho nhiều mục tiêu, trong đó đặc biệt chú trọng đến CCHC. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, rồi chuyện cải cách theo hướng đẩy cái khó về phía người dân hay vẫn tư duy “kiểu làng xã” để áp dụng cho thời đại công nghệ 4.0 đã khiến không ít những nỗ lực ấy bị kéo ngược lại, trì trệ, thậm chí gây suy giảm sự hài lòng của dân.

Bài 1: Cải cách hành chính từ những việc nhỏ - chuyện không cũ

CCHC ở tầm vĩ mô là chuyện thay đổi chính sách, chuyện xây dựng chính quyền hiện đại, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Còn chuyện CCHC ở cấp cơ sở là những chuyện nhỏ, kiểu như giải quyết tiền nong, thủ tục hành chính cho dân, hay chuyện công khai, minh bạch, giảm gánh nặng cho dân trong các khoản đóng góp… Tuy nhỏ nhưng nó tác động lớn đến niềm tin, sự hài lòng của người dân đối với chính quyền.

Đoàn viên - thanh niên Xã đoàn Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi) thực hiện làm việc ngày thứ Bảy để giải quyết thủ tục hành chính cho dân.

Câu chuyện ở xã

Hôm rồi chúng tôi có dịp đi công tác về một xã vùng sâu vùng xa của huyện Hồng Dân. Xã giờ rất khang trang bởi đã vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ sở vật chất tương đối ổn, những con người để vận hành bộ máy của cấp xã hiện tại cũng đã được đào tạo bài bản, đảm bảo vận hành tốt bộ máy chính quyền.

Trong một câu chuyện tình cờ, chúng tôi biết được xã vừa luân chuyển một loạt cán bộ, trong đó có chuyển một tư pháp hộ tịch xã sang phụ trách nông nghiệp, và chuyển người đang phụ trách nông nghiệp sang tư pháp hộ tịch. Cán bộ phụ trách tư pháp hộ tịch vừa được luân chuyển sang nông nghiệp được đào tạo chính quy chuyên ngành Luật, khi thi vào công chức xã cũng đăng ký ở chức danh tư pháp hộ tịch. Nhiều người dân ở xã cũng có cùng băn khoăn như chúng tôi, liệu việc luân chuyển đó có đạt được hiệu quả hay không, khi mà hai chuyên ngành hoàn toàn “tréo ngoe”. Các công việc của lĩnh vực tư pháp và nông nghiệp đều cần chuyên môn sâu, làm sao một kỹ sư nông nghiệp lại có thể làm tốt nhiều công việc mang tính chất pháp lý, đòi hỏi phải có nghiệp vụ trong ngành Tư pháp và ngược lại, làm sao một cử nhân Luật lại đi nói chuyện nhà nông, trồng trọt với chăn nuôi cho bà con nông dân tin và làm theo.

Thế nhưng, thực tế hiện hữu ở không chỉ một xã trên mà rất nhiều địa phương, đã và đang luân chuyển cán bộ như thế!

Cử tri huyện Phước Long nêu ý kiến về quy định đóng tiền điện tại điểm thu hộ gây khó khăn cho người dân vùng sâu. Ảnh: K.P

Cải cách hay... hành dân?

Ngành Điện trong những năm gần đây cũng là một trong những đơn vị khối doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong CCHC, vừa tinh gọn bộ máy hoạt động vừa giúp nâng tỷ lệ hài lòng của người dân, hầu hết đều là khách hàng của ngành. Từ việc chăm sóc khách hàng với hàng loạt các dịch vụ tiện ích, cho đến gần đây nhất là các cải cách liên quan đến thu tiền điện. Tuy nhiên, không ít khách hàng của Điện lực cũng bắt đầu phàn nàn, khó chịu bởi tiện ích đâu không thấy, chỉ thấy thêm phiền hà.

Nhiều người dân cho rằng, việc ngành Điện thực hiện trả tiền điện qua thẻ, qua ngân hàng, qua các dịch vụ thu hộ chỉ tăng tiện ích cho phía ngành Điện mà đẩy cái khó về phía người dân, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, nơi mà các tiện ích theo công nghệ 4.0 vẫn còn hết sức mơ hồ.

Tại đợt tiếp xúc cử tri ở xã Phước Long (huyện Phước Long), nhiều người dân thắc mắc việc ngành Điện yêu cầu người dân đến các điểm thu hộ tiền điện để đóng tiền, không thu trực tiếp tại nhà. Một cử tri phản ánh, hộ của mình chỉ xài chưa tới 50.000 đồng tiền điện/tháng, nhưng tiền xe ôm để đi từ nhà lên điểm thu hộ đóng tiền điện đi và về hết 40.000 đồng. Điều này hết sức bất cập và khiến những người ở nông thôn với thu nhập thấp càng khó khăn hơn. Còn ông T.H, (phường 1, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Lúc trước có người đến nhà thu tiền, tôi thấy rất tiện lợi, dễ dàng. Giờ bên Điện lực không thu nữa, yêu cầu tôi đến các điểm thu hộ hoặc đến trụ sở Điện lực thành phố để đóng. Giờ tháng nào tôi cũng phải đạp xe cọc cạch đến Điện lực đóng tiền. Cải cách đâu không thấy, chỉ thấy thêm phiền hà”. Tương tự, chị T.A (phường 8, TP. Bạc Liêu) thắc mắc: “Ngành Điện nói không đến nhà thu tiền điện nữa để cải cách, hướng tới không thanh toán bằng tiền mặt. Thế nhưng, khi đến mấy điểm thu hộ tiền điện, tôi cũng đóng bằng tiền mặt đó thôi. Vậy thì cải cách, hạn chế không dùng tiền mặt chỗ nào? Đó là còn chưa nói, dù không cho người đến nhà thu tiền điện, nhưng ngành Điện vẫn cử một người đến nhà đưa giấy thông báo đóng tiền điện. “Đẻ” thêm cái người thông báo này làm chi, rồi người dân vẫn phải mất công đi đóng tiền điện?!”.

Những thủ tục tưởng như là cải cách nhưng thực chất là… hành dân, đã và đang tạo điều kiện cho những sai phạm, hoạnh họe người dân mà ta hay gọi là tham nhũng vặt. Mà kiểu dễ nhũng nhiễu nhất lại từ những thủ tục đơn giản nhất. Như chuyện trả hồ sơ hẹn cho dân ở các trung tâm phục vụ hành chính công chẳng hạn. Những cán bộ phụ trách tín dụng của các ngân hàng thường than thở với nhau về cách hẹn trả hồ sơ thủ tục hành chính, nhất là các hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm trong vay vốn thế chấp. Đây là thủ tục đơn giản, thường được hẹn thời gian trả hồ sơ từ 1 - 3 ngày. Và hầu hết đều được hẹn “mút khung”, tức là nếu quy định từ 1 - 3 ngày, người dân sẽ nhận được giấy hẹn đủ 3 ngày mới trả kết quả. Không những thế, giờ hẹn sẽ luôn là buổi chiều, khi nhận được hồ sơ thì phải chờ thêm 1 ngày nữa mới có thể đến ngân hàng để giải ngân. Trong khi cũng với thủ tục đó, nếu quen biết, có “bôi trơn” sẽ được hẹn trong ngày, thậm chí chỉ 1 giờ đồng hồ sau có thể nhận kết quả. Một chuyện “nhỏ” như vậy nhưng đằng sau nó là bao nhiêu câu chuyện dài, bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn của người dân. Thậm chí, để đáo hạn ngân hàng, nhiều người phải  vay nặng lãi mà mỗi ngày là oằn lưng gánh nặng lãi suất. Cho nên, ai sợ đóng lãi cao, ai muốn giải ngân nhanh thì phải chịu khó chi để được trả hồ sơ sớm. Đến thời điểm hiện tại, việc hẹn trả đúng quy định không còn khó nữa, giờ cái khó là làm sao để người dân được tạo điều kiện tốt trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và hưởng sự công bằng như nhau. Tránh tình trạng người được ưu tiên, người thì không.

Tư duy thụ động

Một trong những nút thắt trong CCHC không ở các chủ trương, chính sách do Nhà nước ban hành mà thường rơi vào việc thực thi các chủ trương, chính sách đó. Đây cũng là cách tiếp cận người dân theo hướng tích cực hay tiêu cực, để từ đó tăng hay làm giảm sự hài lòng của người dân dành cho chính quyền.

Mới đây nhất có lẽ phải đề cập đến việc thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính đến ngày 16/5/2020, Bạc Liêu vẫn còn rất nhiều địa phương chưa thực hiện việc chi tiền hỗ trợ. Đến nỗi đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, trong cuộc họp cùng ngày về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch đã nghiêm khắc phê bình Chủ tịch UBND một số huyện vì chậm trễ trong việc chi trợ cấp này. Trừ TX. Giá Rai đã thực hiện hỗ trợ xong cho 4 nhóm đối tượng, còn lại 6/7 huyện, thành phố vẫn ì ạch ở khâu hoàn tất thủ tục. Để người dân chờ đợi đến ngán ngẩm, hỏi thăm nhau khi nào được nhận hỗ trợ là một trong những động thái tiêu cực, dẫn đến giảm sự hài lòng của người dân dành cho chính quyền. Trong khi Chính phủ yêu cầu, chậm nhất đầu tháng 5, phải tiến hành chi tiền hỗ trợ cho dân, tỉnh cũng đã tích cực kịp thời chỉ đạo thì ở cấp huyện lại chậm chạp trong triển khai thực hiện. Để nhiều người dân nằm trong đối tượng được hỗ trợ phải nói kháy với nhau khi thấy các tỉnh khác người ta nhận hỗ trợ rần rần, địa phương mình thì cứ im lặng: “Kiểu này chắc phải đi lên tivi để nhận tiền hỗ trợ?!”.

Việc chậm trễ trong triển khai thực hiện được chỉ ra là do tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên. Sợ sai, sợ trách nhiệm nên cứ tư duy theo hướng thụ động, khiến guồng máy vận hành của chính quyền địa phương ì ạch, khó mà phát triển mạnh mẽ theo hướng CCHC và xây dựng một chính quyền thân thiện với Nhân dân, tạo được sự hài lòng cao của dân.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.