Xây dựng nông thôn mới ở Bạc Liêu

Thứ Tư, 22/05/2019 | 15:03

Bài 2: Những mô hình làm đổi đời nhà nông

>> Bài 1: Hướng đến xây dựng nền nông nghiệp toàn diện

Từ phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), các địa phương trong tỉnh đã phát động nông dân thi đua sản xuất, XDNTM. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nông dân.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (bìa trái) trao đổi với nông dân huyện Phước Long về mô hình sản xuất tôm - lúa.

Mô hình lúa - tôm

Năm 2010, nông dân trong tỉnh sản xuất theo mô hình lúa - tôm khoảng 22.000ha. Năng suất lúa 4 tấn/ha, sản lượng 91.820 tấn lúa/năm; năng suất tôm khoảng 200kg/ha, sản lượng 5.440 tấn tôm/năm. Đến nay, diện tích canh tác lúa - tôm tăng lên gần 35.000ha; sản lượng lúa, tôm tăng lên gần gấp đôi.

Mô hình lúa - tôm được các nhà khoa học xác định có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, đạt hiệu quả kinh tế, mang tính bền vững, thân thiện với môi trường. Mô hình này tập trung chủ yếu ở các huyện phía Bắc Quốc lộ 1A như Hồng Dân, Phước Long và TX. Giá Rai.

Đi đầu trong việc chuyển đổi mô hình lúa - tôm phải kể đến TX. Giá Rai. Năm 2016, thị xã chỉ có hơn 500ha lúa - tôm, song hiện nay diện tích sản xuất theo mô hình này tăng lên 3.000ha; năng suất lúa, tôm liên tục tăng; thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha/năm. Ông Châu Thành Khế (xã Tân Phong), người đầu tiên áp dụng mô hình lúa - tôm, cho biết: “Hơn 10 năm trước, do tôm nuôi liên tục thất bại nên tôi cấy lúa thử nghiệm trong đất nuôi tôm. Năm đó, tôi trúng đậm vụ tôm, cua và có một ít lúa để ăn. Vì vậy, khi địa phương và ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo chuyển đổi sản xuất sang lúa - tôm, tôi rất đồng tình và đi đầu trong việc thực hiện. Áp dụng mô hình này, tôm và lúa phát triển tốt, lợi nhuận khá cao”.

Xác định tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp để phát triển bền vững, mô hình lúa - tôm là một trong những mô hình được thị xã chọn làm chủ lực và khuyến khích nông dân nhân rộng.

Còn ở huyện Phước Long, trước đây, vì thấy lợi nhuận cao nên nhiều hộ đã chuyển sang nuôi chuyên tôm. Tuy nhiên, nhiều hộ liên tiếp thất bại, thậm chí trở thành hộ nghèo. Từ khi chính quyền địa phương phát động người dân chuyển sang áp dụng mô hình lúa - tôm, không ít hộ nghèo đã được “đổi đời”. Ông Nguyễn Văn Khánh (xã Phước Long) chia sẻ: “Từ khi chuyển sang hình thức canh tác lúa - tôm, đời sống của người dân nơi đây ổn định hơn trước”.

Nông dân tham quan mô hình cánh đồng sinh thái ở huyện Phước Long.

Thương lái thu mua tôm sú.

...Và các mô hình sản xuất hiệu quả

Ngoài mô hình lúa - tôm, từ phong trào XDNTM cũng đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Các mô hình này có vốn đầu tư không lớn, các hộ có vốn ít vẫn có thể áp dụng. Điển hình như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, nuôi le le, nuôi tôm - cua - cá, mô hình trồng rau sạch, chăn nuôi gia súc - gia cầm an toàn…

Huyện Phước Long có 18 mô hình sản xuất hiệu quả mà ngành chức năng khuyến cáo bà con áp dụng và nhân rộng. Hiện nay, toàn huyện có gần 14.000ha sản xuất lúa chất lượng cao, tập trung ở vùng ngọt ổn định (bao gồm các xã: Vĩnh Thanh, Vĩnh Phú Đông, Hưng Phú, một phần xã Vĩnh Phú Tây và thị trấn Phước Long).

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao mang tính bền vững, nông dân sản xuất 2 vụ lúa/năm, lợi nhuận từ 35 - 40 triệu đồng/ha/năm. Còn mô hình nuôi le le của ông Lê Hồng Thái (xã Vĩnh Phú Tây) cho lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm từ việc bán le le giống và thương phẩm. Hiện có khoảng 30 hộ trong huyện nuôi le le với tổng đàn hơn 3.000 con và đều đạt hiệu quả kinh tế khá cao.

Huyện Hồng Dân cũng nhân rộng mô hình “lúa thơm - tôm sạch” (với diện tích từ 500 - 1.000ha) và mô hình trồng rau an toàn hướng tới rau thủy canh. Ông Nguyễn Văn Thới, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: “XDNTM với mục đích cuối cùng là nâng cao mức sống người dân nông thôn. Vì vậy, cần có những mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững và được nhân rộng”.

Ngoài ra, một số mô hình được nông dân trong tỉnh áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đó là mô hình: tôm sú - lúa + tôm càng xanh, lúa - màu, lúa - màu - bò, lúa - cá - heo - nấm rơm và các mô hình kết hợp khác (như vườn - ao - chuồng, vườn - ao - ruộng...).

Nhìn chung, các mô hình sản xuất của nông dân đã và đang hướng đến mục tiêu sản xuất sản phẩm an toàn, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó từng bước xây dựng thương hiệu lúa sạch, tôm sạch và các mặt hàng nông sản an toàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời nâng cao đời sống nông dân, góp phần tích cực trong thực hiện chương trình XDNTM.

Minh Đạt

Mô hình nuôi le le của ông Lê Hồng Thái (huyện Phước Long).  Ảnh: M.Đ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.