Hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ Hai, 22/07/2019 | 16:35

Với vai trò là một bộ phận quan trọng cấu thành của nền nông nghiệp, ngành chăn nuôi có đóng góp lớn vào cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Hiện nay, theo xu thế của một nền nông nghiệp đang tái cơ cấu, nhất là trong tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ngày càng phức tạp, đòi hỏi ngành chăn nuôi cần có những bước đi mới theo hướng phát triển bền vững.

>> Bài 1: Tìm hướng đi mới

Bài 2:  Phải thay đổi để phát triển

Phát triển chăn nuôi vốn là một trong những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, từ khi tái lập tỉnh Bạc Liêu cho đến nay, giá trị mang lại từ ngành chăn nuôi không cao, rủi ro nhiều và luôn phải đối đầu với dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…

Chăn nuôi heo với quy mô nhỏ lẻ ở huyện Vĩnh Lợi.

Nông dân “tự bơi”

Ở Bạc Liêu, chăn nuôi heo theo phương thức truyền thống hiện vẫn chiếm tỷ lệ cao, với những đặc điểm nổi bật là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, số lượng không tập trung đủ lớn để trở thành sản phẩm hàng hóa, không đồng nhất về chất lượng, chưa chú trọng đến tính kế hoạch thị trường và hạch toán về hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, mỗi khi dịch bệnh trên đàn heo bùng phát thì những hộ nuôi nhỏ lẻ luôn là đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất.

Để hỗ trợ nghề chăn nuôi và phát triển kinh tế nông hộ, từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50 nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ phát triển hiệu quả, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường giai đoạn 2015 - 2020. Căn cứ Quyết định này, ngày 28/12/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 27, quy định chi tiết việc thực hiện Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có quy định rõ định mức hỗ trợ kinh phí cho phối giống nhân tạo đối với các hộ chăn nuôi heo; hỗ trợ mua con giống; hỗ trợ xây dựng, lắp đặt các công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi; đào tạo kỹ thuật và hỗ trợ người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc…

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, có rất ít người nắm bắt và tiếp cận được chính sách hỗ trợ này, cũng như được hưởng các quyền và lợi ích mà Quyết định số 50 mang lại; phần nhiều người chăn nuôi vẫn phải “tự bơi”. Ông Kiều Công Trường (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Lâu nay, tôi và nhiều bà con chăn nuôi heo trong xóm đều tự tìm tòi học hỏi cách làm chuồng, chọn giống, kỹ thuật chăm sóc heo… Thỉnh thoảng mới tham gia được một lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi. Vừa qua, trong đợt bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát, gia đình tôi và một số hộ nuôi heo lân cận đều bị thiệt hại nặng. Giờ muốn có đồng vốn để sắp tới tái đàn  cũng chẳng biết vay mượn ở đâu. Nếu muốn vay ngân hàng thì bắt buộc phải có tài sản thế chấp, còn vay bên ngoài thì đầu tư không có lãi...”.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trung bình mỗi ngày Bạc Liêu tiêu thụ khoảng 900 con heo thịt. Trong đó, lượng heo nhập từ các tỉnh khác chiếm hơn một nửa. Nếu không có chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng người chăn nuôi trước tình hình khó khăn như hiện nay, tiếp tục để hộ chăn nuôi “tự bơi” như thời gian qua thì ngành chăn nuôi của tỉnh sẽ không có cơ hội để bứt phá.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi (diễn ra vào tháng 5/2019), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo: “Dịch tả heo châu Phi đã và đang gây ra nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh tạm lắng, qua đi, các địa phương hãy xem đây là cơ hội để tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi một cách hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu như hiện nay. Phải có chính sách hỗ trợ về giống, về kỹ thuật, môi trường… để người chăn nuôi phát triển sản xuất theo hướng bền vững”.

Heo nuôi theo mô hình trang trại của ông Huỳnh Minh Ngữ xuất chuồng. Ảnh: C.L

Khuyến khích mô hình chăn nuôi tập trung hiện đại

Trong lúc những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang phải đối mặt cùng lúc với nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh bủa vây…, thì nhiều doanh nghiệp, hộ dân đã mạnh dạn “mở đường” và tìm cho mình một hướng đi mới bền vững hơn. Đó là dần chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang các loại hình chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa.

Cái lợi của mô hình này là khi đầu tư mở rộng hình thức chăn nuôi heo theo mô hình trang trại, gia trại, nuôi gia công cho doanh nghiệp, nông dân chỉ cần bỏ vốn đầu tư ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng (chuồng, hệ thống điện, nước); còn các khâu khác như: hệ thống xử lý chất thải, con giống, thức ăn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm… đều được công ty liên kết với hộ nuôi hỗ trợ. Ông Huỳnh Minh Ngữ (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) đang nuôi heo gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP chia sẻ: “Nuôi heo gia công tuy vốn đầu tư ban đầu khá cao, nhưng sau khi đi vào hoạt động thì chủ trang trại không phải quan tâm nhiều đến vấn đề giá cả thị trường, nguồn cung cấp thức ăn, kỹ thuật nuôi… Hiện trại heo của tôi đang cho xuất chuồng 700 con heo thịt với trọng lượng trung bình 100kg/con và sản phẩm đầu ra đều được công ty CP bao tiêu”.

Thực tế sau đợt xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh vừa qua cho thấy, những hộ chăn nuôi heo có đầu tư chuồng trại đầy đủ, có khu cách ly ngăn ngừa mầm bệnh bài bản… đều không phát sinh dịch bệnh, heo vẫn phát triển tốt. Mặt khác, việc đầu tư chuồng trại đạt chuẩn còn góp phần xử lý tốt tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Không những vậy, hộ nuôi quy mô lớn còn có điều kiện dễ dàng tiếp cận các khoản vay ưu đãi để từ đó nhân rộng sản xuất, hướng đến sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm chất lượng và an toàn vệ sinh, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và hướng đến xuất ra ngoài tỉnh.

Có thể nói, Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp hiện đại nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Tuy nhiên, trong những năm qua, nếu ngành trồng trọt được ưu tiên đầu tư thì chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, thiết nghĩ đã đến lúc cần đầu tư kinh phí cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để ngành chăn nuôi phát triển xứng tầm. Chăn nuôi thật sự đang là một trong những phương thức quan trọng góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo trong nông thôn. Song, làm thế nào để người chăn nuôi tiếp cận được nguồn vốn, ứng dụng tốt nhất các thành tựu của khoa học - công nghệ, góp phần phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang là vấn đề cần sớm có giải pháp tháo gỡ!

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.