Hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ Sáu, 19/07/2019 | 16:23

Với vai trò là một bộ phận quan trọng cấu thành của nền nông nghiệp, ngành chăn nuôi có đóng góp lớn vào cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Hiện nay, theo xu thế của một nền nông nghiệp đang tái cơ cấu, nhất là trong tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ngày càng phức tạp, đòi hỏi ngành chăn nuôi cần có những bước đi mới theo hướng phát triển bền vững.

Bài 1: Tìm hướng đi mới

Thời gian qua, ngành chăn nuôi của tỉnh từng bước có những chuyển biến tích cực, đóng góp ngày càng nhiều cho giá trị tăng trưởng kinh tế; đồng thời, mở ra hướng giải quyết khá hiệu quả cho công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, do thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa tập trung nên người chăn nuôi bị động về thị trường đầu ra cũng như vấn đề an toàn dịch bệnh… Đây là những khó khăn, thách thức đặt ra cho lĩnh vực chăn nuôi của Bạc Liêu hiện nay.

Một hộ chăn nuôi ở huyện Hòa Bình chăm sóc đàn heo.

Cán bộ thú y tiêm vắc-xin phòng chống dịch cúm gia cầm ở xã Vĩnh Bình.

Nhiều dư địa để phát triển

Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, Bạc Liêu cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh nghề chăn nuôi. Ở hầu hết các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi mang đến nguồn thu nhập khá lớn cho nông dân trong lúc nhàn rỗi. Hầu hết các nông hộ đều tận dụng các phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp để chăn nuôi heo, gà, vịt và một số loại gia súc như trâu, bò, dê…

Gia đình chị Nguyễn Thị Hòa (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) tận dụng nguồn thức ăn thừa của gia đình và một số quán ăn gần nhà để nuôi 4 con heo. Sau mỗi đợt xuất chuồng, chị Hòa thu lợi nhuận được hơn 5 triệu đồng. Với quy mô nuôi lớn hơn, gồm 40 con heo thịt và 2 con heo nái, ngoài thu nhập từ sản xuất lúa thì mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, anh Võ Minh Tân (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) thu lãi hơn 150 triệu đồng.

Theo Sở NN&PTNT, tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi đạt 24% trên tổng giá trị sản xuất nông nghiệp vào năm 2018, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 28%. Trong khi đó, báo cáo từ ngành chức năng cho thấy, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng nguồn thịt khoảng 30% (chủ yếu là thịt heo), còn 70% là nhập tỉnh. Vì vậy, dư địa để phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh còn rất lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm trong tỉnh. Mục tiêu tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã được phê duyệt là tỉnh sẽ từng bước hình thành các vùng chăn nuôi tập trung thành các trang trại, gia trại ở xa khu dân cư gắn với giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển đàn gia súc bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Song, phát triển chăn nuôi theo mô hình, hướng nào để các hộ chăn nuôi giảm rủi ro trước các loại dịch bệnh dễ xuất hiện và lây lan gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi là vấn đề đang đặt ra, yêu cầu có lời giải đáp hiệu quả cho một lĩnh vực còn nhiều tiềm năng này.

Cán bộ thú y tiêu hủy đàn heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi ở xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: M.Đ

Lắm rủi ro, thách thức

Hiện toàn tỉnh có tổng đàn heo trên 242.000 con; đàn trâu, bò hơn 3.500 con; đàn dê trên 10.500 con; đàn gia cầm gần 3 triệu con. Lượng gia súc, gia cầm được nuôi rải rác ở các địa phương trong tỉnh. Toàn tỉnh chỉ có khoảng 50 nông trại, trang trại nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Do quy mô chăn nuôi hầu hết là nhỏ lẻ ở hộ gia đình nên không thể đầu tư, áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật, hay xây dựng quy trình chăn nuôi khép kín đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Công tác tiêm vắc-xin phòng chống các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm gặp không ít khó khăn khi chưa đạt tới 50% trên tổng đàn. Chính vì thế, các loại dịch bệnh cứ phát sinh và lây lan nhanh, hết dập dịch ở địa phương này lại quay sang địa phương khác... Đây chính là thách thức lớn nhất đối với ngành chăn nuôi trong tỉnh.

Gần đây, mặc dù ngành chức năng đã quyết liệt trong công tác bao vây dập dịch, song đến nay toàn tỉnh đã có 6/7 huyện, thành phố có bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) với tổng số heo bệnh, chết và tiêu hủy hơn 7.000 con. Và không chỉ riêng DTHCP, ngành chăn nuôi đã từng chịu tổn thất không nhỏ với các dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm qua các năm. Cụ thể như năm 2017 là dịch cúm gia cầm, năm 2018 có dịch lở mồm long móng, riêng 6 tháng đầu năm 2019 thì vừa bùng phát DTHCP, vừa có dịch lở mồm long móng trên gia súc.

Ông Trương Phước Thông - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: “Do các hộ nông dân tận dụng phế phẩm nông nghiệp và thức ăn dư thừa để chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong khi quy mô chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, vì vậy, dịch bệnh dễ xuất hiện và lây lan. Công tác quản lý, tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm cũng gặp rất nhiều khó khăn”.

Mặt khác, do việc chăn nuôi không tập trung nên cũng không thực hiện được chuỗi liên kết tiêu thụ, từ đó dẫn đến sự bất ổn trong đầu ra. Người chăn nuôi dễ bị ép giá khi có dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc khó xây dựng các lò giết mổ tập trung gắn với vùng nguyên liệu, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các hộ chăn nuôi… cũng đang là những thách thức mà ngành chăn nuôi trong tỉnh phải đối mặt hiện nay.

MINH ĐẠT

Tại các buổi làm việc với các huyện, thị, thành phố và cơ quan chức năng về công tác phòng chống bệnh DTHCP, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Ngành chức năng cần quy hoạch lại vùng chăn nuôi. Phải hướng dẫn người dân thực hiện việc nuôi heo an toàn sinh học, dù nuôi một con cũng phải thực hiện biện pháp an toàn sinh học. Từng bước hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, hướng đến chăn nuôi tập trung; ưu tiên tối đa những hộ có quy mô nuôi  gia trại, trang trại…”.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.