Giảm nghèo - Việc làm
Giảm nghèo từ những mô hình kinh tế hiệu quả
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, TP. Bạc Liêu tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các mô hình sinh kế giảm nghèo và nhân rộng các mô hình hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo qua từng năm; thu nhập, đời sống người dân được nâng lên. Nhiều hộ sau khi thoát nghèo đã có khát vọng bứt phá, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Mô hình trồng ớt của nông dân xã Hiệp Thành.
Đa dạng các mô hình kinh tế
Những năm qua, ngoài thực hiện hiệu quả mô hình đỡ đầu hộ nghèo, các đơn vị, xã, phường của TP. Bạc Liêu còn phối hợp với các cấp, các ngành linh hoạt hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ cây, con giống; tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, xây dựng các mô hình kinh tế đáp ứng thị hiếu thị trường để tăng thu nhập… Hầu hết những hộ nghèo, cận nghèo sau khi được hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng mô hình kinh tế (chủ yếu là chăn nuôi, trồng rẫy, mua bán nhỏ…) đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Từng là hộ có hoàn cảnh hết sức khó khăn, song nhờ ý chí vươn lên và đức tính cần cù trong lao động, cộng thêm sự tiếp sức của đoàn thể địa phương hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư sản xuất có hiệu quả, đến nay kinh tế gia đình bà Thạch Thị Đượl (ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch) ngày càng đi lên. Bà Đượl cho biết, trước đây do không có vốn để đầu tư trồng trọt nên cuộc sống gia đình cứ thiếu trước hụt sau. Năm 2021, nhờ được hỗ trợ vay vốn, gia đình bà đã thực hiện mô hình trồng rau diếp cá. Với mô hình sản xuất này đã giúp mang lại nguồn thu trên 60 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình ngày càng khởi sắc.
Ngoài mô hình trồng rau diếp cá, xã Vĩnh Trạch còn có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao được nhiều hộ áp dụng như: trồng ớt Thái, ớt châu Phi, ớt chỉ thiên, ngò gai, đậu bắp và nuôi heo sinh sản…, qua đó làm phong phú, đa dạng mô hình sản xuất cho TP. Bạc Liêu. Được biết, trên địa bàn thành phố hiện có hàng trăm mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Đó là các mô hình: trồng cải rổ Thái, cóc Thái, nhãn, hẹ; nuôi ếch, vịt xiêm, gà, heo thương phẩm, lươn và các loài cá nước ngọt; trồng chuối sáp và trồng táo trong nhà lưới; trồng hoa vạn thọ; mua bán nhỏ; làm bánh truyền thống...
Mô hình nuôi vịt của người dân xã Vĩnh Trạch Đông.
Lan tỏa các mô hình giúp giảm nghèo bền vững
Bên cạnh chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các dự án, mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách nhà nước, các mô hình của hội, đoàn thể triển khai cũng đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của thành phố. Tùy theo nhu cầu từng hộ mà các hội, đoàn thể có những động thái hỗ trợ khác nhau.
Phường Nhà Mát là địa bàn ven biển, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn do đa số sống bằng nghề làm thuê, đi biển, trong đó có nhiều phụ nữ không có việc làm, cuộc sống bấp bênh. Nhằm giúp chị em có được cái nghề nuôi sống bản thân và gia đình, Hội LHPN phường Nhà Mát đã thành lập mô hình nuôi vịt xiêm, tổ hợp tác vá lưới, tổ may gia công, tổ hùn vốn, lưới gửi..., giúp chị em có thu nhập ổn định, thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững.
Mô hình vá lưới của Hội LHPN phường Nhà Mát.
Đối với Hội LHPN Phường 3, thời gian qua Hội cũng có nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ nghèo, yếu thế. Đồng thời, phối hợp với các ngành, hội, đoàn thể thành lập các mô hình hỗ trợ. Có thể kể đến mô hình “Hỗ trợ phụ nữ vốn sinh kế”. Tuy mới thành lập được hơn 3 tháng, song từ mô hình này đã giúp nhiều chị em có điều kiện thực hiện mô hình mua bán nhỏ như bán thức ăn, nước giải khát, quà vặt… Ngoài số vốn được hỗ trợ, các hội viên còn được Hội LHPN Phường 3 hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế, tránh phải vay “tín dụng đen”.
Hội LHPN Phường 3 hỗ trợ vốn sinh kế cho hội viên đầu tư mua bán. Ảnh: T.Q
Công tác chăm lo cho hội viên và người nghèo còn luôn được hội, đoàn thể các phường, xã đặc biệt quan tâm, chú trọng, từ đó nhiều mô hình chăm lo, hỗ trợ được thành lập và triển khai rộng khắp như: mô hình “Kết nối yêu thương, đùm bọc sẻ chia” của Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 5, “Cửa nhôm, cửa sắt” của Chi đoàn khóm 1 (Phường 5); “Tổ dịch vụ việc làm” của Hội LHPN xã Vĩnh Trạch Đông; “May gia công” của Hội LHPN xã Vĩnh Trạch và xã Vĩnh Trạch Đông…
Việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, giúp nhiều hộ nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian tới, thành phố tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, khơi dậy ý thức tự vươn lên của người dân, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Minh Luân
- Huyện Phước Long: Gần 300 cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng chuyên môn
- Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với thanh niên năm 2024
- Diễn tập chiến đấu phường Nhà Mát trong khu vực phòng thủ năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Xây dựng trên 130 căn nhà tình nghĩa cho người có công
- VNPT Bạc Liêu: Tiếp sức VNPT Hải Phòng khắc phục thông tin liên lạc sau bão số 3