Giảm nghèo - Việc làm

ĐẨY MẠNH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Thứ Sáu, 24/03/2023 | 16:22

Thực tiễn trong những năm qua đã chứng minh, giải quyết việc làm là một trong số các giải pháp quan trọng cho giảm nghèo bền vững và góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu về nâng cao thu nhập cho người dân.

Lao động được giải quyết việc làm ở nhà máy may Vinatex và nhà máy bao bì dầu khí, khu công nghiệp Trà Kha (TP. Bạc Liêu). Ảnh: K.T

NHIỀU LAO ĐỘNG THIẾU VIỆC LÀM

Qua thống kê về tình trạng thiếu hụt các chỉ số đo lường trong giảm nghèo đa chiều, Bạc Liêu vẫn còn hơn 5.750 hộ thiếu việc làm và đây thật sự trở thành thách thức trong giảm nghèo đa chiều, nhất là những hộ nghèo không đất sản xuất. Vì vậy, trong Chương trình việc làm từ nay đến năm 2025, cùng với đưa 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bạc Liêu phấn đấu mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 18.000 lao động. Trong đó, tạo việc làm thông qua phát triển các ngành kinh tế của tỉnh và đi làm việc ngoài tỉnh với hơn 92.500 lao động. Qua đó phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm xuống còn 2,36% và tỷ lệ thất nghiệp ở vùng nông thôn còn 2,62%.

Thực hiện chỉ đạo này, các ngành và địa phương đã tập trung làm tốt công tác giải quyết việc làm và mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Điển hình như TP. Bạc Liêu, năm 2022 đã giải quyết việc làm cho 7.500 lao động (trong đó, làm việc ngoài tỉnh 4.605 lao động, trong tỉnh 2.895 lao động), đạt tỷ lệ 106,58% kế hoạch đề ra và đạt 250% so với chỉ tiêu của tỉnh giao. Đặc biệt, đối với công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm, thu hút trên 1.000 lượt người dự. Kết quả trong năm 2022, TP. Bạc Liêu có 55/40 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 137,5% kế hoạch giao.

KẾT NỐI CUNG - CẦU LAO ĐỘNG

Để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động (TTLĐ) đến năm 2030. Theo đó, cùng với tích cực triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề và đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện việc tổ chức thu thập, cập nhật, lưu trữ, tổng hợp dữ liệu về TTLĐ, nhằm thực hiện tốt kết nối cung - cầu lao động.

Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai giải pháp để số hóa, cập nhật thông tin dữ liệu về NLĐ; lưu trữ và quản lý dữ liệu tập trung theo cấp huyện và cấp tỉnh; đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ thu thập, lưu trữ số liệu, phân tích và dự báo về cung - cầu lao động phục vụ yêu cầu quản lý, phân tích, chia sẻ, công bố thông tin về TTLĐ. Triển khai tốt các giải pháp kết nối, truyền tải, chia sẻ dữ liệu về lao động, việc làm với cơ sở dữ liệu huyện, tỉnh và Trung ương. Hoàn thiện Cổng thông tin điện tử về lao động, việc làm từ tỉnh kết nối liên thông với Cổng thông tin điện tử Trung ương, đảm bảo kịp thời cung cấp các thông tin thiết yếu đến với NLĐ.

Cùng với đó, xây dựng Chương trình hướng nghiệp phù hợp, đa dạng về đối tượng, nội dung và hình thức, linh hoạt địa điểm, đào tạo đội ngũ nhân sự tham gia tổ chức hướng nghiệp cho học sinh - sinh viên. Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dịch vụ việc làm phù hợp với TTLĐ của tỉnh. Tập trung đầu tư nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là nơi thực hiện các giao dịch việc làm, kết nối thông tin TTLĐ, phân tích, dự báo TTLĐ của tỉnh và kết nối các tỉnh, thành trong cả nước. Ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ mới trong hoạt động giao dịch việc làm; triển khai công cụ phần mềm, bộ tiêu chí, quản lý chung, thống nhất hoạt động trên toàn tỉnh về dịch vụ việc làm. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự làm công tác dịch vụ việc làm về kiến thức và kỹ năng thu thập, xử lý, khai thác thông tin TTLĐ phục vụ tư vấn, giới thiệu việc làm…

NGUYỄN TUẤN

Thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển TTLĐ đến năm 2030, UBND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chủ động phối hợp với các cán bộ đầu mối của Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp và cán bộ đầu mối cấp huyện, cấp xã được giao nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động để lựa chọn, bố trí địa điểm phỏng vấn, tư vấn, giới thiệu việc làm đảm bảo yêu cầu an toàn phòng chống dịch cho doanh nghiệp và NLĐ gặp gỡ, tuyển dụng.

Quan tâm và chuẩn bị cơ sở hạ tầng, thiết bị để kết nối việc làm online giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động tại sàn giao dịch việc làm cố định, lưu động.

Thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố khác để hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động ngoài tỉnh (thông qua hình thức trực tuyến) khi nguồn cung trong tỉnh đáp ứng đủ điều kiện.

Ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ mới, đầu tư nâng cấp trang thiết bị và cơ sở vật chất trong hoạt động giao dịch việc làm. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự làm công tác dịch vụ việc làm về kiến thức, kỹ năng thu thập, xử lý, khai thác thông tin TTLĐ phục vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động. Chú trọng công tác hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho lao động từ vùng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trở về địa phương…

 

Để TTLĐ phát triển hiệu quả, bền vững, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như bảo đảm đời sống của NLĐ, góp phần tạo ra năng suất, thúc đẩy sản xuất phát triển, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường khả năng tiếp cận chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Bên cạnh đó, phát huy vai trò và hoạt động của Liên đoàn Lao động, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các hội nghề nghiệp để phát triển thành viên, kết nối, chia sẻ trao đổi thông tin giữa NLĐ làm việc trong cùng lĩnh vực. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi cho NLĐ; góp phần thực hiện tốt hơn các chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Xây dựng cơ chế cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý cho NLĐ tham gia tư vấn khi cần thiết. Đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội cung cấp cho NLĐ về hình thức, phương thức, mức đóng góp và mức được hưởng. Đơn giản hóa thủ tục hành chính và xây dựng cơ chế cung cấp các hỗ trợ hành chính và pháp lý cần thiết cho NLĐ tham gia các chương trình an sinh tự nguyện.

Tiếp tục sắp xếp, đổi mới tổ chức và quản lý nhà nước về việc làm và TTLĐ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị việc làm và TTLĐ theo hướng thống nhất, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về pháp luật lao động, quan hệ lao động và trách nhiệm, lợi ích của các đối tác xã hội trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật về lao động, đặc biệt về ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ an sinh xã hội khác cho NLĐ. Tăng cường học tập, chia sẻ kinh nghiệm, quản trị TTLĐ…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.