CHUYỂN ĐỔI SỐ
Chuyển đổi số: Quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động thiết thực
Bài cuối: Thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn mới
>>> Bài 2: Còn lắm khó khăn và nhiều rào cản
Chuyển đổi số (CĐS) là một quá trình lâu dài, phức tạp và nhiều khó khăn. Vì vậy cần phải có tầm nhìn xa, chia mục tiêu và lộ trình thành nhiều bước nhỏ để thực hiện. Ở cấp độ địa phương, Bạc Liêu hướng đến mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ CĐS để tạo nền tảng, cơ sở xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cán bộ Sở Thông tin - Truyền thông quản lý, theo dõi kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương thông qua Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC).
LẤY NGƯỜI DÂN LÀM TRUNG TÂM
Từ thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong quá trình CĐS của tỉnh, có thể khẳng định, để thúc đẩy CĐS hiệu quả cần phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội. Đồng thời phải có một kế hoạch cụ thể để không bị động trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Nhận thức rõ điều này, TP. Bạc Liêu xác định CĐS là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023 nên đã xây dựng kế hoạch CĐS nhất quán theo quan điểm xuyên suốt của Chính phủ “lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực cho CĐS”.
Với quan điểm này, TP. Bạc Liêu thí điểm xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) tích hợp dữ liệu các lĩnh vực trên địa bàn thành phố, trong đó xây dựng và tích hợp nhiều lĩnh vực hướng tới phục vụ người dân như: du lịch, giáo dục, y tế… Cùng với đó, xây dựng hệ thống ứng dụng phản ánh kiến nghị đa kênh thông qua tổng đài 1022, website công dân, ứng dụng công dân qua Zalo/Facebook. Triển khai hệ thống lắng nghe mạng xã hội và tích hợp dữ liệu vào Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, phục vụ các cấp chính quyền nắm bắt thông tin, xu hướng dư luận trong Nhân dân.
Đây được cho là giải pháp khả quan của TP. Bạc Liêu trong quá trình CĐS. Bởi khi người dân thấy được tiện ích và được thụ hưởng từ việc CĐS sẽ sẵn sàng nhập cuộc một cách tích cực. Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu - Lê Kim Thúy, cho biết: “Để thực hiện nhiệm vụ CĐS thành công, thành phố đã xác định quan điểm lấy người dân là trung tâm trong công cuộc CĐS. Vì vậy, phải thay đổi nhận thức của người dân, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận với CĐS. Đây sẽ là nhiệm vụ của toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức từ thành phố đến phường, xã, khóm, ấp”.
Với huyện có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều như Đông Hải, quá trình CĐS cần phải có thời gian và triển khai từng bước. Vì thế giải pháp mà huyện đưa ra trước mắt là hỗ trợ nâng cao đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Theo lãnh đạo UBND huyện Đông Hải, khi kinh tế của những gia đình này ổn định, thì họ mới có đủ điều kiện, khả năng mua sắm các thiết bị điện tử có thể kết nối mạng Internet để bước vào xã hội số. Cách làm “chậm mà chắc, làm đến đâu chắc đến đó” được xem là giải pháp sát hợp với địa phương khi điều kiện của huyện còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Tập huấn đảm bảo an toàn thông tin mạng. Ảnh: H.T
XÂY DỰNC CÁC NỀN TẢNG SỐ VÀ NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ CĐS
Để CĐS phát triển và đạt mục tiêu đã đề ra trong năm 2023 như mong muốn với 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ; 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được số hóa; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số…, giải pháp được Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh đưa ra là tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng số, bởi đây là yếu tố nền tảng quyết định trong phát triển kinh tế số, xã hội số trong khi hạ tầng số của tỉnh đang bộc lộ nhiều hạn chế. Theo đó, sẽ khảo sát, đánh giá hiện trạng hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin, các phần mềm phục vụ tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở đề xuất đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đáp ứng các yêu cầu theo quy định hiện hành theo hướng dẫn của các bộ, ngành, Trung ương. Đồng thời, triển khai hạng mục nâng cấp mở rộng Trung tâm dữ liệu theo hướng hiện đại, có năng lực tính toán song song, xử lý dữ liệu lớn để quản lý tập trung các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền số, đô thị thông minh và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng. Thí điểm dịch vụ Chatbot cho một số lĩnh vực trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC để giải đáp về cách thức thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến.
Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong CĐS, tuy nhiên theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh thì đội ngũ công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin của các đơn vị, địa phương còn thiếu về số lượng, kiến thức và kỹ năng tham mưu tổ chức triển khai CĐS. Do đó, thời gian tới chú trọng phát triển nguồn lực số phục vụ hiệu quả nhiệm vụ CĐS của tỉnh. Ngoài tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức, cũng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi để thu hút chuyên gia, nhân lực về công nghệ thông tin phục vụ cho CĐS và đảm bảo an toàn thông tin mạng của tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục sử dụng hiệu quả hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng tại địa phương, giúp người dân biết cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến, biết mua bán các sản phẩm, dịch vụ qua mạng; biết thanh toán không dùng tiền mặt và biết áp dụng các giải pháp an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để tự bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.
Cùng với yếu tố công nghệ, phương tiện, kỹ thuật…, muốn đẩy nhanh quá trình CĐS, trước hết tỉnh phải nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về CĐS. Việc nâng cao nhận thức về CĐS cần đa dạng cả nội dung lẫn hình thức và phải phù hợp với từng đối tượng. Chìa khóa để đẩy nhanh sự chuyển đổi nhận thức nằm ở trong “nhận thức”, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về CĐS trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của CĐS; chỉ đạo tái cấu trúc, đổi mới mô hình hoạt động, điều hành và mô hình nghiệp vụ từ “truyền thống” sang sử dụng dữ liệu số.
Trong bối cảnh hiện nay, CĐS tạo ra sự thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện từ Chính phủ đến các địa phương. Trên cơ sở nhận diện những vấn đề cơ bản, một số nhân tố chủ yếu tác động đến quá trình CĐS, tỉnh cũng đã hoạch định cho mình một chiến lược cụ thể về CĐS. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Bạc Liêu đã chính thức bước vào chặng đường đua tốc độ về CĐS với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
HOÀNG LAM
Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về CĐS, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc CĐS được triển khai đồng bộ, tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”; đi nhanh nhưng chắc chắn, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn và cần được thực hiện một cách thực chất để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, không cầu toàn, không nóng vội. CĐS phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật; nói phải đi đôi với làm, “không đánh trống bỏ dùi”. Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều, nhưng người dân sử dụng ít, hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp.
- Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với thanh niên năm 2024
- Diễn tập chiến đấu phường Nhà Mát trong khu vực phòng thủ năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Xây dựng trên 130 căn nhà tình nghĩa cho người có công
- VNPT Bạc Liêu: Tiếp sức VNPT Hải Phòng khắc phục thông tin liên lạc sau bão số 3
- Sơ kết Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH của hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển tỉnh Bạc Liêu”