Xuân Tân Sửu 2021
Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca…
“...Bài dân ca tha thiết đậm đà, từ tha hương nghe bài dân ca, câu dân ca ấm lòng người đi xa, nghe nôn nao như chiều Ba mươi tết, bếp than hồng mẹ nấu bánh chưng xanh…” - (Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca, Võ Đông Điền). Từ Ninh Bình, tôi theo cha mẹ vào Nam năm lên 11 tuổi, Tân Sửu - 2021 này là đã đón 42 cái tết ở Bạc Liêu. Vậy nhưng mỗi lúc giao thừa đến, vẫn nghe lòng mình da diết lắm một niềm quê.
Biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu - Ninh Bình trên Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ
Chưa có một thống kê chính xác về số lượng người Ninh Bình đang sinh sống trên đất Bạc Liêu. Chỉ biết rằng, bà con quê hương Ninh Bình có mặt tại Bạc Liêu do nhiều cơ duyên: Bộ đội chủ lực, cán bộ tăng cường thời kháng chiến, nhiều nhất ở giai đoạn 1960 - 1975; vợ chồng, con em của cán bộ Bạc Liêu đi tập kết, năm 1975 trở về kiến thiết quê hương; cán bộ quản lý, cán bộ quân đội, cán bộ khoa học - kỹ thuật, giáo viên được điều động tăng cường cho tỉnh Minh Hải sau năm 1975; đồng bào đi xây dựng kinh tế mới; cả bà con mình di dân tự do năm 1975 nữa…
Con em của các thế hệ cán bộ miền Bắc tăng cường ngày ấy đang hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực, thật sự coi Bạc Liêu là quê hương thứ hai của mình, là nơi gắn bó trọn đời; đang ngày một trưởng thành, ngày một cống hiến nhiều hơn nơi quê hương mới. Anh Hai Thắng, nguyên Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Giá Rai, trưởng nam của cố Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương, mới tháng trước rủ tôi hôm nào về nhà anh chơi. Nhà anh đặt bàn thờ cha anh; thị xã Giá Rai quê ngoại anh có một con đường mang tên Quốc Hương, người con của Kim Sơn (Ninh Bình), chàng rể của quê hương Giá Rai, từng nổi tiếng Nam Bộ thời chống Pháp với hàng loạt ca khúc thôi thúc lòng người, trong đó có ca khúc “Tiểu đoàn 307”. Xuân Bình, trưởng nam của chú Hai Cương, một người Yên Mô (Ninh Bình) từng lỉnh kỉnh máy móc chiếu phim lặn lội vào Bạc Liêu năm 1965, khi đọc những dòng viết về quê nội, từ Úc nhắn về cho tôi: “Em sẽ về thăm quê hương Ninh Bình”… Và tôi đang nhớ đến ca từ của Nguyễn Phan Quế Mai, một người Ninh Bình từng học phổ thông và sinh sống trên đất Bạc Liêu này, trong một ca khúc được phổ thơ cô: “Chín mươi triệu người lấy thân hình che chở cho Tổ quốc linh thiêng/ Để giấc ngủ trẻ thơ yên bình trong bão tố/ Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa/ Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”.
Năm 1986, Ban liên lạc đồng hương Ninh Bình tại Bạc Liêu, Minh Hải được thành lập. Những buổi họp mặt đồng hương nào cũng không thể thiếu vắng tiết mục đồng ca “Ninh Bình quê mẹ” của Thuận Yến - ca khúc được mệnh danh là bản “Ninh Bình ca” quê tôi. “Trăm sông cũng về với biển, con sóng lang thang âu yếm vỗ vào bờ, ai có đi xa đến tận cùng trời, hằng đêm vẫn nhớ thương về quê mẹ ơi...”. Đề từ tập thơ đầu tiên viết về quê hương của Ban liên lạc đồng hương Ninh Bình tại Bạc Liêu là những câu từ thao thiết: “Trong tình cảm riêng tư của mỗi con người, còn gì đẹp đẽ hơn được giữ lại trong lòng một hình ảnh quê hương. Đó là cội nguồn, là sức mạnh, là tình cảm da diết để lại dấu ấn trong suốt cả cuộc đời...”. Để rồi những câu chữ có vần cứ mộc mạc, da diết theo tình cảm những người con Ninh Bình xa xứ. Bác Vũ Đức Kỷ đắn đót gieo vần: “Xa xôi nghĩ nhớ quê nhà/ Mái đình, giếng nước, cây đa đầu làng”; chú Đinh Hữu Nhuận rưng rưng: “Quê ta đó có sông Vân núi Thúy/ Có Đền Vua Đinh, rừng Cúc Phương/ Có thuyền nan, thuyền thúng, thuyền buồm/ Đi dưới sông trăng hát câu Quan họ”; bác Vũ Cao Tương thì thổn thức: “Mang theo giai điệu của quê hương/ Mang nửa vầng trăng, cả nhớ thương/ Cả tiếng cuốc kêu hè thuở trước/ Mà sao nỗi nhớ cứ vấn vương”. Tôi, kẻ đã thật sự xem Bạc Liêu là quê hương thứ hai thân thương của mình, mỗi bận được theo dự những cuộc gặp mặt của các bác, các chú, hay mỗi lúc giao thừa về vẫn nghe da diết nỗi niềm cố hương, bản quán, rồi tự băn khoăn, lẩn thẩn với câu hỏi: Không rõ nỗi niềm quê hương bản quán của các bác, các chú, và của cha mẹ tôi nữa, thao thiết nhường nào...
“...Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn...” (Bạc Liêu - tháng 10/1975). Ảnh: NSNA Võ An Khánh
Đất trời vào xuân. Như thấy lại hình bóng quê nhà khi bắt gặp những chùm hoa dâu da xoan tinh khôi trắng đang rung rinh đón nắng phương Nam. Loài cây ấy được trồng rất nhiều trên đất Ninh Bình, nay thì đang sum sê cành lá, sâu rễ bền gốc trên đất Bạc Liêu. Đường Ninh Bình, đường Yên Mô, đường Nho Quan…, những con đường đang nối kết nghĩa tình Nam - Bắc được gầy dựng, vun bồi từ những tháng năm gian khó. Cầu Kim Sơn, cầu Hoa Lư, cầu Tràng An, cầu Gia Viễn…, những nhịp cầu mang tên những miền quê của tỉnh kết nghĩa đang nối những bờ vui trên đất Bạc Liêu; những bài ca cổ, bài thơ, ca khúc, tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa… như những nốt thăng, những gam màu đang phác họa toàn cảnh của bức tranh mà hiển hiện trong ấy là núi non hùng vĩ Ninh Bình, là bao la ruộng muối Bạc Liêu, là tên người, tên đất, là tinh hoa văn hóa hai miền... Những gia đình, cha nói giọng Nam, mẹ nói giọng Bắc, con cái trong nhà người giọng Bắc, đứa giọng Nam; bàn thờ ngày Tết có bánh chưng, bánh tét bên hồng thắm hoa đào và rực rỡ mai vàng…
Và đang còn có cả một kho tàng ký ức về Ninh Bình, trong tình cảm mến thương nơi những người Bạc Liêu của một thời để nhớ. Ấy là câu chuyện của các cô chú là con em Bạc Liêu, từng học tập ở các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, từng được đón về nghỉ hè ở Ninh Bình. Chú Năm Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, lần họp mặt đồng hương Ninh Bình nào cũng dự, cũng kể rất nhiều về quãng đời sống trong đùm bọc của bà con Ninh Bình suốt những năm tập kết, làm việc trên đất Bắc. Chú Tám Khánh đang còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh từ chuyến thăm và sáng tác tại Ninh Bình sau ngày miền Nam giải phóng, trong đó có tấm ảnh Nhà thờ Phát Diệm quê tôi năm 1976, cả những tư liệu ảnh chụp chú Hai Cương, chú Bảy Huệ vừa từ Ninh Bình vượt Trường Sơn, đem máy chiếu phim - quà tặng của bà con Ninh Bình cho Bạc Liêu từ năm 1965; đặc biệt là tấm ảnh chụp hai bà mẹ của hai miền, gặp nhau sau ngày miền Nam giải phóng, đã trở thành biểu tượng của kết nghĩa Bắc - Nam. Nghệ sĩ ưu tú Minh Chiến thì chia sẻ, anh vẫn đang sở hữu hành trang đầy ắp kỷ niệm về chuyến lưu diễn 6 tháng trời trên đất Bắc ngay sau ngày miền Nam giải phóng, trong đó có một thời gian dài biểu diễn nghệ thuật cải lương phục vụ bà con ở tỉnh kết nghĩa Ninh Bình.
Đã có một thời, những người con của miền Bắc, của Ninh Bình ròng rã vượt Trường Sơn đến với miền Nam, đến với Bạc Liêu, đồng cam cộng khổ, sẻ chia mất mát hy sinh, chiến đấu và chiến thắng quân thù. Nước nhà thống nhất, nghĩa tình sâu nặng và bổn phận công dân đã lại thôi thúc những người con miền Bắc, những người con Ninh Bình xa quê, xa gia đình, từ chối làm việc ở môi trường thuận lợi hơn, đến với xứ đồng phèn nước mặn này, nơi mà ngày ấy, do điều kiện khó khăn, thông tin liên lạc thật khó, muốn về thăm quê ngay cả khi gia đình hữu sự cũng không dễ dàng gì.
Chưa giao thừa, niềm cảm nhận thiêng liêng như đã đến. Khúc dân ca đêm giao thừa sẽ thay lời cảm ơn đất mẹ Ninh Bình, cố đô địa linh nhân kiệt, sơn thủy hữu tình; cảm ơn Bạc Liêu, miền Dạ cổ hoài lang chan hòa và phóng khoáng nắng gió phương Nam; cảm ơn những tấm lòng thầy cô, anh chị, bè bạn; cả những cọng rau, hạt gạo và nguồn nước mát lành đã nuôi tôi đến tận bây giờ. Thấy đang mắc nợ quê hương. Muốn làm điều gì nhỏ thôi, trong khả năng hạn hẹp của mình, nhưng bằng cả tấm lòng, trả nghĩa hai miền quê, báo đáp công sinh, công dưỡng.
Kim Sơn
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh