Xuân Tân Sửu 2021
Lòng dân - vận nước 2030-2045
Trước thềm xuân Tân Sửu 2021, Đại hội thứ XIII của Đảng kết tinh trí tuệ, phẩm giá và khí phách của Đảng, của dân tộc nhìn lại 35 năm đổi mới và sẽ quyết định những trọng sự phát triển đất nước hùng cường tới năm 2030, 2045.
Đó là sự phát triển tất yếu và đòi hỏi của lịch sử nước nhà.
Đó cũng là tầm nhìn của Đảng, khát vọng và hành động của toàn dân và toàn quân ta vì một Việt Nam nhịp bước cùng thời đại.
Sau 35 năm đổi mới, con đường chiến lược phát triển hiện thực của chúng ta: Xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kiến tạo một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phát triển một nền văn hóa và con người Việt Nam ngang tầm thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng một nền ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa vì một thế giới hòa bình và thịnh vượng,… dưới ngọn cờ của Đảng là quy luật phát triển, là nhu cầu tất yếu, là con đường phát triển thịnh vượng của đất nước ta trong thời đại ngày nay, mà dân tộc ta đã, đang và nỗ lực thực hiện không thể lay chuyển, dù thời thế có vần xoay, đảo ngược, đổi thay thế nào! Năm 2011, bạn bè quốc tế xác tín: Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Việt Nam đã khiến quốc gia này thành nước có sức ảnh hưởng lớn nhất tại bán đảo Đông Dương.
Đó là mục tiêu chiến lược phát triển Việt Nam.
Đó là lòng dân tạo lập, dưới ngọn cờ của Đảng, làm nên thế và lực mới của đất nước Việt Nam hội nhập toàn cầu!
Tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, trong tầm nhìn năm 2045, Việt Nam sẽ và phải trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển, điểm đến nhân văn trong thế giới chỉnh thể, với tư cách một nước công nghiệp phát triển, nơi hội tụ của niềm tin, tri thức và tấm lòng tin cậy, thủy chung, nhân ái, chan hòa với bạn bè quốc tế, phát triển bằng phương thức rút ngắn, với bản lĩnh Việt Nam. Trong thế giới, Việt Nam mang tấm “căn cước” văn hóa Việt Nam bản sắc và nhân văn. Đó là sự lựa chọn mang tầm chiến lược. Đó cũng là sự định vị chiến lược phát triển mang tầm văn hóa Việt Nam trong tầm nhìn tới năm 2045.
Nếu không, chúng ta sẽ rất khó vượt lên, rất khó hùng cường, nếu không nói là rơi vào nguy cơ tụt hậu và bạc nhược.
*
* *
Chưa bao giờ như bây giờ, lịch sử dân tộc càng cho thấy, lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta là cụ thể: sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng là tối thượng và quyền tự quyết dân tộc xã hội chủ nghĩa là vô giá! Lợi ích đó không thể bị diệt vong bởi nạn ngoại xâm và càng không thể bị tiêu vong bởi nạn nội xâm. Nói cách khác, chúng ta tiếp tục đổi mới tư duy, tìm tòi phương lược, hoạch định cơ chế, lộ trình phù hợp, giải quyết đúng đắn các quy luật xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên nền móng đại đoàn kết toàn dân tộc, tất cả nhằm mục tiêu cao cả: bảo vệ và phát triển lợi ích của mỗi người, của từng tổ chức trong xã hội thống nhất với lợi ích của quốc gia dân tộc Việt Nam trong thế giới đương đại mà lợi ích chính trị của đất nước Việt Nam là hạt nhân mà mọi sự đổi mới, dù ở phương diện nào, góc độ nào, mức độ tới đâu… đều xoay chung quanh nó, dưới ngọn cờ của Đảng, chứ tuyệt đối không phải phải ngược lại, càng không phải là một thứ gì khác.
Không một cuộc vận động chính trị nào, đặc biệt là những cuộc canh tân, đổi mới mang tầm lịch sử, có thể thành công, nếu không xây dựng thành công môi trường xã hội chính trị tương dung và lôi cuốn toàn xã hội tham gia. Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ của chúng ta đã qua, đang và tiếp tục càng đòi hỏi như vậy. Toàn bộ công cuộc đổi mới, dù được hoạch định và tổ chức thực thi hoàn bị bao nhiêu mà không có sự tham dự của Nhân dân, chắc chắn rất khó thành công, nếu không nói cầm chắc thất bại. Vì thế, suy cho cùng, một cách tự nhiên, những vấn đề trọng yếu và cụ thể của việc đổi mới toàn diện, đồng bộ, chứ không viển vông, không thể đặt trách nhiệm đó, trước hết ngoài mục tiêu chăm lo, bảo vệ lợi ích tối cao và toàn diện của Nhân dân. “Đảng ta là đứa con nòi của giai cấp lao động”, nên “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo”. Rằng, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức Nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đầy tớ trung thành của Nhân dân”, “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”, “nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ đi”. Và rằng: “Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ”, “…Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”…, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhủ, suy cho cùng, là những vấn đề căn bản nhưng cụ thể của việc đổi mới toàn diện, đồng bộ, chứ không viển vông, không thể đặt trách nhiệm đó ngoài mục tiêu chăm lo, bảo vệ lợi ích tối cao và toàn diện của Nhân dân.
Không có Nhân dân, chúng ta sẽ không có gì!
Xếp hình bản đồ Việt Nam thể hiện tình yêu với Tổ quốc.
Vượt qua bất cứ sự bôi nhọ Đảng, phủ nhận công cuộc đổi mới, của các lực lượng chống phá chúng ta, Việt Nam đang thực hiện một quá trình đổi mới đầy sáng tạo nhằm đưa chủ nghĩa xã hội thích ứng với hoàn cảnh mới, với điều kiện lịch sử và bối cảnh quốc tế mới. Những thành tựu to lớn của Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới nhưng vẫn giữ được những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội, như dư luận quốc tế xác tín ngay những năm 2000.
Với tư cách là người lãnh đạo, Đảng tiếp tục đi tiền phong, như đã từng đi 90 năm qua, cùng dân tộc thực hiện sứ mệnh lịch sử đổi mới đất nước, tiến tới mục tiêu cao cả, lãnh nhiệm trọng trách nặng nề đó một cách kiên định, kể từ khi Đảng vừa ra đời, đã gánh lấy sự giao phó của Nhân dân, lãnh đạo dân tộc Việt Nam phá bỏ gông xiềng nô lệ, dù cho phải hy sinh vì gươm súng xâm lược bạo ngược của đủ loại kẻ thù từ nhiều phía. Vì, sứ mệnh lịch sử của dân tộc, Nhân dân đã trao cho Đảng gánh vác; với vị thế địa - chính trị đất nước, Nhà nước chúng ta “đứng mũi chịu sào” trước Biển Đông phức tạp; và hơn 96 triệu đồng bào tin cậy Đảng, trước sau ủng hộ “đứa con nòi” của mình, bảo vệ nhà nước của mình, xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam độc lập tự do và phát triển mạnh mẽ.
Để đáp lại sự gửi gắm tin cậy đó, Đảng không ngừng chủ động nỗ lực sửa mình, để tiếp tục hoàn thành trọng trách to lớn và thiêng liêng ấy! Và, Nhà nước ta, khi mới sinh ra đã tự nhiên là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; cuống nhau, dòng máu Nhà nước thuộc về Nhân dân! Đảng và Nhà nước đều là “đầy tớ”, là “công bộc” của Nhân dân! Đó là chỗ đứng của Đảng, của Nhà nước ta trong lòng Nhân dân ta! Mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước là mối quan hệ giữa lãnh đạo chính trị và quản lý đất nước, giữa định hướng chính trị và quản trị quốc gia, thông qua các đảng viên của Đảng, các tổ chức đảng trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, hơn lúc nào hết, vai trò của Nhà nước, lúc này có thể nói là, kiến tạo phát triển và quản trị quốc gia, trên nền tảng pháp luật không ngừng được hoàn thiện phù hợp với đất nước, với thông lệ và luật pháp quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, Nhà nước đổi mới không ngừng nền hành chính và công vụ quốc gia phụng sự Nhân dân, phục vụ công cuộc phát triển toàn diện đất nước. Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú luôn đề cao tính công khai minh bạch và chịu trách nhiệm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trực tiếp nâng tầm nhìn và lòng tin của Nhân dân trên hành trình đi đến tương lai. Và, đó cũng chính là đòi hỏi của Nhân dân đối với Nhà nước của mình. Đồng thời, hết sức cảnh giác, ngăn chặn bằng pháp luật nguy cơ cấu kết giữa một bộ phận các nhà chính trị suy thoái trong bộ máy nhà nước với giới chủ và những người nắm tài chính quốc gia, hình thành các nhóm lợi ích làm khuynh đảo nền chính trị, kinh tế và xã hội đất nước.
Để trở nên hùng mạnh, chúng ta dứt khoát chuyển mạnh từ tư duy tồn tại sang tư duy cơ cấu đồng thời với tư duy động lực (nguồn động lực, hệ động lực, vùng động lực…) nhằm phát triển kinh tế thị trường hiện đại hoàn bị, với xung lực là kinh tế tri thức, kinh tế số, với động lực lớn là kinh tế tư nhân cùng các thành phần kinh tế khác, bằng những đột phá chủ lực, dưới sự dẫn dắt của kinh tế nhà nước là chủ đạo, làm nền tảng căn bản đổi mới toàn diện, đồng bộ và mạnh mẽ nền kinh tế quốc gia. Điều cần khắc sâu là, đổi mới kinh tế thông qua đổi mới văn hóa, bằng tư duy chính trị và các quyết sách chính trị mang tầm văn hóa. Theo một nghĩa nào đó, văn hóa là cội nguồn của mọi mục đích và động cơ phát triển đối với chính trị, kinh tế, xã hội và các phương diện khác. Văn hóa trầm tích và hiện hình không chỉ tâm hồn, trái tim, tiếng nói mà còn là trí tuệ, bản lĩnh, khí phách dân tộc trên mọi phương diện kinh tế, chính trị hay an ninh, đối ngoại, thấm đẫm bản sắc và độc đáo, thống nhất mà đa dạng của các dân tộc Việt Nam, góp phần định vị, thể hiện sức mạnh của quốc gia trên trường quốc tế.
Đó là văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững Việt Nam, chứ không đơn thuần là tăng trưởng một cách cơ học dù kinh tế hay văn hóa, như nhiều người lầm tưởng và thiên lệch. Tiếp tục xác lập cho kỳ được nền văn hóa của sự phát triển toàn diện, bền vững nói chung, sự tăng trưởng kinh tế và phát triển của văn hóa, trong một tổng thể phát triển thống nhất, hài hòa, mạnh mẽ và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với con người là trung tâm của mọi sự phát triển, nâng cao vị thế chính trị, sức mạnh và danh dự Việt Nam trên vũ đài quốc tế.
Đó cũng chính là con đường đúng đắn và độc đáo để dân tộc Việt Nam đi đến văn hóa, đạt tới tầm văn hóa, thông qua chính trị, kinh tế và đối ngoại, để phát triển kinh tế - xã hội, chống mọi sự xâm lăng đất nước bằng “sức mạnh mềm”, “xâm lược mềm” bằng văn hóa và hội nhập cùng với các quốc gia dân tộc toàn cầu, trong công cuộc đổi mới toàn diện đồng bộ hiện nay và tương lai!
Hơn 75 năm qua, nhất là gần 35 năm đổi mới, theo phương châm đó, từ tư tưởng sẵn sàng làm bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới tới quyết sách chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Nhà nước ta thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, đặt mối giao thương với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với 15 quốc gia, xây dựng quan hệ đối tác toàn diện với 10 quốc gia, một cách đa dạng: ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao Nhân dân… trên nền tảng quan hệ bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, thể chế chính trị, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau… từng bước vững chắc đi vào khuôn khổ ngày càng ổn định, ngày càng mang lại càng nhiều lợi ích về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa… Chúng ta nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần của “một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Đó chính là sức sống mạnh mẽ và sinh động của tầm nhìn chính trị quốc tế mang tầm chiến lược trong việc thực thi nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm các mối quan hệ đi vào thực chất, chiều sâu, ổn định và tiếp tục phát triển của chúng ta.
Đó chính là hành động kiên định và mềm dẻo không chỉ tạo lập môi trường chính trị quốc tế rộng, sâu mà thật sự phát huy một trong những động lực chính trị quốc tế quan trọng để chúng ta chủ động đổi mới chính trị một cách tin tưởng và vững chắc. Đến lượt nó, đó là một trong những điều kiện chính yếu từ khách quan có tính chất đủ, để chúng ta vững tâm thực thi lộ trình đổi mới chính trị theo quyết sách chính trị chiến lược.
*
* *
Công cuộc đổi mới 35 năm vừa qua, một cách tự nhiên, không ai không thấy: Hợp quy luật và hợp lòng dân đã làm nên thế nước Việt Nam 2020!
“Sông phía Bắc, biển phía Đông/ Nếu không dân cũng là không có gì”. Công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đã, đang đi và tiếp tục kiên định như thế! Đó là yêu cầu phát triển của lịch sử Việt Nam!
Với những quyết sách của Đại hội XIII của Đảng, trong tầm nhìn năm 2045, lòng dân - vận nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường nhất định thành công, tiếp tục nhịp bước cùng nhân loại!
Nhà báo, TS. NHỊ LÊ - nguyên Phó tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước