Xuân Tân Sửu 2021
Khát vọng vươn cao
Quảng trường Hùng Vương - góc nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Phước Thạnh
N ăm 2020 khép lại đánh dấu một chặng đường 23 năm vượt khó vươn lên đầy tự hào của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu kể từ ngày chia tách tỉnh (1/1/1997 - 1/1/2020). Năm qua, những tác động đến việc phát triển kinh tế - xã hội như dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, triều cường dâng gây ngập úng trên diện rộng trong sản xuất nông nghiệp… đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt. Tuy nhiên kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng thuộc nhóm cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Điểm nổi bật là tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) .Tinh thần của Đại hội một lần nữa tiếp tục kế thừa những bài học kinh nghiệm, những thành quả qua 5 kỳ đại hội trước, đưa ra đường hướng thể hiện khát vọng, sự phấn đấu và quyết tâm cao của Đảng bộ, quân dân tỉnh nhà trong thời gian tới với mục tiêu: “Đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh khá của khu vực và phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030”. Thông điệp cũng chỉ rõ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đặt Bạc Liêu ở vị trí quan trọng để hội nhập và đón đầu xu thế phát triển mới của vùng ĐBSCL, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng quá trình hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế, chính trị của đất nước.
Còn nhớ, vào thời điểm tháng 2/2020, trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bạc Liêu về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận và khen ngợi: Đã có sự thay đổi rõ nét ở Bạc Liêu, không chỉ về xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo mà cả định hướng trong phát triển. Ví dụ như về hạ tầng, Bạc Liêu đã hoàn thành đường ô tô về trung tâm xã, gần 100% hộ dân có điện, đang hướng đến là tỉnh nông thôn mới đầu tiên của vùng Tây Nam Bộ. Trong tư tưởng, hành động, đề xuất, tỉnh đã thể hiện tính liên kết vùng rõ nét. Trong phát triển, tỉnh đã tập trung một số dự án lớn như: điện, khí, LNG, năng lượng sạch, nuôi tôm siêu thâm canh… Lãnh đạo tỉnh có khát vọng phát triển, điều này quan trọng đối với một địa phương, một đất nước, một dân tộc. Đáp lại lời biểu dương của Thủ tướng, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đã ra sức thực hiện và đem lại những kết quả đáng tự hào khi kết thúc nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn bộ 20/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra đều đạt, nhiều chỉ tiêu vượt cao và đứng vào nhóm các tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL. Toàn tỉnh có 49/49 xã và 5/7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiệm kỳ qua, công tác giảm nghèo được tỉnh quan tâm đặc biệt và triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt. Từ đó, đã đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 15,5% vào đầu năm 2016 xuống còn khoảng 0,5% vào cuối năm 2020.
Nghiên cứu lại các văn kiện 6 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu từ khi tái lập tỉnh đến nay (Đại hội lần thứ XI - XVI) cho thấy những thành tựu đạt được của tỉnh nhà thật tự hào và trân quý. Từ trong muôn vàn khó khăn của một tỉnh mới chia tách với xuất phát điểm đều thấp, cộng với những hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão số 5 (Linda), Bạc Liêu đi lên từ con số 0. Tháng 11/1997, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Đại hội đầu tiên kể từ khi tỉnh Bạc Liêu tái lập được long trọng tổ chức. Đây là một Đại hội đặc biệt, vì nhiệm kỳ chỉ có suýt soát 3 năm (1997 - 2000). Đại hội phải tìm cho ra một đường hướng phát triển để lãnh đạo Nhân dân Bạc Liêu gỡ khó, thoát nghèo và phải đưa được Bạc Liêu phát triển. Đại hội XI chọn một số nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách nói trên từ cơ sở kế thừa thành tựu thời Minh Hải như phong trào làm giao thông nông thôn rất mạnh ở huyện Hồng Dân, đồng thời căn cứ vào những tiềm năng, lợi thế của Bạc Liêu như vùng ngọt hóa Quản lộ Phụng Hiệp để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện mà phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo… Trong giai đoạn 1997 - 2000, Bạc Liêu đã xây dựng 2.257 phòng học cấp 2 - 3, xóa hết phòng học cây lá lụp xụp và phòng học 3 ca, vượt chỉ tiêu Đại hội XI. Cũng ở giai đoạn này Bạc Liêu còn giải quyết nhiều mục tiêu bức xúc mà Đại hội XI nêu ra là: xây dựng 1.729 căn nhà tình nghĩa, giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở cho gia đình thương binh, liệt sĩ; xóa trên 13.000 hộ nghèo, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Có thể nói rằng 3 năm “chân ướt chân ráo” ra riêng của thời kỳ 1997 - 2000, tỉnh Bạc Liêu đã giải quyết được những khó khăn lớn nhất.
Tuổi trẻ Bạc Liêu hướng về Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: P.T.C
Giai đoạn phát triển 5 năm tiếp theo của tỉnh Bạc Liêu mới (2000 - 2005) được ví như “một gia đình, một đứa em út dễ thương” vừa ra riêng 3 năm chí thú làm lụng để thoát nghèo, giờ đang tính chuyện làm ăn căn cơ để tiến lên khá giả, “bằng chị, bằng anh trong cả nước”.
5 năm đó cũng là nhiệm kỳ của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Nghị quyết Đại hội này xác định đường đi cho 5 năm của Bạc Liêu vẫn là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cũng vẫn là kế thừa thành tựu, hướng đi của Đại hội XI nhưng hướng đi lần này làm sâu sắc thêm việc phát huy thành tựu và thế mạnh của Bạc Liêu, đó là xác định thủy sản là mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ việc nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp. Điều này còn thực hiện được khát vọng mong muốn chuyển đổi sang nuôi tôm của nhiều người dân ở cả vùng Nam và Bắc Quốc lộ 1A.
Nếu chú ý văn kiện của Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, chúng ta sẽ thấy rõ khát vọng và mục tiêu phát triển của nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước. Đại hội XIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010, mục tiêu phát triển là: đưa tỉnh Bạc Liêu “…vượt qua tình trạng tỉnh nghèo, vươn lên phát triển ngang bằng với các tỉnh trong khu vực…”; đến Đại hội XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, mục tiêu phát triển là “... phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ Bạc Liêu có vị trí xứng đáng trong khu vực và cả nước…” (nằm trong tốp 2 của khu vực, tốp giữa của cả nước). Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục xác định mục tiêu và khát vọng “đưa Bạc Liêu trở thành một tỉnh khá trong khu vực…” với 11 nhiệm vụ trọng tâm và tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ xác định 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội cùng với khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI với phương châm hành động: ĐOÀN KẾT - KỶ CƯƠNG - SÁNG TẠO - KHÁT VỌNG - PHÁT TRIỂN với nhiều quyết sách mang tính định hướng và sẽ đi vào cuộc sống để đưa Bạc Liêu bước đi mạnh mẽ cùng các tỉnh trong khu vực với khát vọng phát triển nhanh và bền vững. Điều này làm cho những ai quan tâm đến sự đi lên của tỉnh nhà không khỏi tự hào và xúc động. Bởi trong từng câu chữ ấy chứa đựng một tinh thần khát khao phát triển, vì Nhân dân, vì sự giàu mạnh của quê hương Bạc Liêu, của Đảng bộ Bạc Liêu.
Từ ngày 1/1/1997 đến nay với gần một phần tư thế kỷ, Bạc Liêu đã đổi thay từng ngày. Từ là một “xứ cơ cầu”, một tỉnh nghèo nhất của cả nước, một “vùng trũng”, hôm nay người dân Bạc Liêu lại tự hào đứng trong tốp các tỉnh khá của khu vực. Từ những mái nhà đêm về chỉ có ngọn đèn dầu leo lét, tỷ lệ hộ được sử dụng điện chỉ đạt 44%, giờ có đến 99,98% hộ sử dụng điện. Từ một thời phải dạy và học 3 ca dưới mái trường lụp xụp, tạm bợ, giờ trường lớp các cấp học từ mẫu giáo cho đến THPT đều khang trang, sạch đẹp, đạt chuẩn quốc gia, và có 4 năm liên tiếp nằm trong tốp 10 cả nước có điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia cao nhất nước. Từ một bãi sình hoang vu giờ sáng bừng vùng biển Tây Nam của Tổ quốc với cánh đồng điện gió đem lại tiềm năng lớn cho tỉnh cả về kinh tế lẫn du lịch.
Từng áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để mời gọi các nhà đầu tư “đỏ con mắt” mỗi năm thì nay Bạc Liêu đã trở thành điểm sáng trong thu hút và mời gọi đầu tư. Đặc biệt là Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với công suất 3.200MW, tổng mức đầu tư 4 tỷ USD - là dự án thu hút vốn FDI lớn nhất ĐBSCL, và là tiền đề vững chắc để Bạc Liêu trở thành trung tâm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của quốc gia. Từ là một tỉnh thuần nông, tập quán canh tác lạc hậu, năng suất thấp, bây giờ tiến lên một bước mới canh tác trên cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học - kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Từ nuôi tôm quảng canh manh mún tự phát, giờ Bạc Liêu được cả nước biết đến là “thủ phủ tôm” của cả nước, với những mô hình “lúa thơm - tôm sạch”, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu… Ngoài ra, còn thấy trên khắp địa bàn tỉnh các dự án để phát triển văn hóa và du lịch mọc lên, làm phong phú và đẹp hơn hình thể Bạc Liêu. Đó là Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, di tích lịch sử sự kiện Đồng Nọc Nạng, căn cứ Tỉnh ủy ở Cái Chanh, khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu nhà Công tử Bạc Liêu, khu du lịch vui chơi ven biển, khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Quảng trường Hùng Vương, khu Quán âm Phật đài. Ngoài ra, Bạc Liêu khuyến khích trùng tu, xây dựng các điểm văn hóa du lịch như: Nhà thờ Tắc Sậy, chùa Xiêm Cán, Lăng cá Ông, Vườn chim Bạc Liêu, khu du lịch Vườn nhãn Bạc Liêu, cây xoài di sản hơn 300 năm, tháp cổ Vĩnh Hưng…
Đứng trên đỉnh năm 2020 để quan sát, chúng ta sẽ thấy sau 23 năm tái lập, xây dựng quê hương, với biết bao khó nhọc, vật lộn với đói nghèo, tỉnh Bạc Liêu mới đã bắt đầu phát triển căn cơ. Diện mạo của Bạc Liêu mới đã cho thấy sự thay đổi nhanh chóng từ thành thị đến nông thôn.
Hai mươi ba năm nhìn lại, chúng ta bắt gặp một hành trang quý báu cho người Bạc Liêu tiếp tục đi về tương lai, đó là cơ sở hạ tầng, thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội mà biết bao đồng bào, đồng chí đã đổ mồ hôi, tâm huyết chắt chiu gây dựng. Trong đó, phải kể đến tư duy khát vọng phát triển, phương pháp lãnh đạo, điều hành của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu qua 6 kỳ Đại hội. Đó là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cả Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và hòa quyện vào sức mạnh vô song của dân tộc, của đất nước.
Mùa xuân là mùa mở đầu của một năm mới với biết bao nhiêu điều kỳ vọng tốt đẹp. Hy vọng bạn đọc Báo Bạc Liêu sẽ cùng chúng tôi đón chào năm mới 2021 - Tân Sửu bằng những điều tích cực và an lành. Ban Biên tập Báo Bạc Liêu xin trân trọng gửi tới quý độc giả lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!.
HÀN ÁI TIẾN
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước