Xuân Nhâm Dần 2022

Tempura Nhật và chuyện về con tôm “Bề-tô-na-mư”

Thứ Ba, 08/02/2022 | 15:40

19 năm trước, trong một lần thưởng thức món Tempura tại Yokohama, chủ nhà hàng đã giới thiệu với chúng tôi, con tôm trong món ăn này được nhập từ đất nước các bạn. Chị bạn chung đoàn ngưỡng mộ: “Tôm xứ anh đó!”. Chưa hiểu nhiều về con tôm Việt Nam, con tôm Bạc Liêu, tôi lúc ấy chỉ biết thầm “toát lên” một niềm hãnh diện rất… “Bề-tô-na-mư” (tức là rất Việt Nam, theo cách phát âm của người Nhật).

Thu hoạch tôm thẻ được nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao tại Công ty Cổ phần Việt - Úc Bạc Liêu.  Ảnh: H.T

1. Lại nhớ, năm 2013, lúc bàn thảo chọn cho Bạc Liêu một biểu tượng đặt trên Quảng trường Hùng Vương, đã có ý kiến đề nghị chọn biểu tượng con tôm. Tuy cây đờn kìm cách điệu là phương án được chốt chọn sau cùng, song qua câu chuyện này, dễ thấy hình tượng con tôm đã gắn bó thân thiết với đất và người Bạc Liêu đến mức nào rồi. Trước năm 2000, tỉnh vẫn xác định phát triển cây lúa là chủ yếu. Ở Bán đảo này, “đất thì nở, rừng thì biết chạy”. Dải đất Bạc Liêu nằm trong hệ sinh thái tự nhiên ấy là cái duyên phù hợp với môi trường sinh trưởng của con tôm tự hồi nào giờ. Và rồi, cuộc chuyển đổi lúa - tôm cũng như công cuộc đầu tư cho con tôm ở Bạc Liêu đã cho ra một thành quả ngoài sức tưởng tượng của 25 năm về trước, tính từ ngày tái lập tỉnh. Ngoài tưởng tượng, nhưng lại hợp quy luật tự nhiên và nằm trong đoán định của những nhà hoạch định.

Bạc Liêu thuần nông với địa hình tương đối đặc thù. Quốc lộ 1A đoạn Bạc Liêu - Cà Mau nằm cặp con kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau, chia địa bàn tỉnh thành hai vùng. Người dân vùng Nam Quốc lộ 1A xưa giờ nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp, tôm - rừng, thâm canh, bán thâm canh; và khoảng hơn chục năm gần đây nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín. Ở vùng Bắc Quốc lộ 1A, từ khi chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, bà con nông dân tiểu vùng chuyển đổi sản xuất nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp, tôm càng xanh - lúa, luân canh tôm - lúa… Cái nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài 6 tháng đầu năm 2016 đã làm hơn 12.000ha tôm nuôi quảng canh của tỉnh, chủ yếu ở Hồng Dân, Đông Hải và Giá Rai thiệt hại. Trong cái rủi, người Bạc Liêu đã rút ra cho mình, cho công cuộc nuôi tôm xứ mình bài học: Tuy chi phí đầu tư cao nhưng không có cách gì hơn là bằng tất cả những gì có thể, phải tập trung cho mô hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, bởi vì giải pháp ấy giảm thiểu đến mức thấp nhất những rủi ro mà hạn hán, xâm nhập mặn sâu và gay gắt gây ra đối với nghề nuôi tôm quảng canh trong môi trường tự nhiên.

Khu nuôi tôm công nghệ cao và phát triển năng lượng điện gió trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: P.A

2. Trong những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Bạc Liêu 25 năm sau ngày tái lập tỉnh, phát triển con tôm được coi là một trong những thành tựu ấn tượng nhất trên lĩnh vực nông nghiệp. Với hành trình khát vọng trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm của cả nước, Bạc Liêu đang xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; xây dựng Khu nuôi an toàn sinh học theo chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới; năng suất nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt gấp từ 10 - 15 lần so với nuôi thông thường; sản xuất tôm giống chiếm 50% sản lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long và 20% sản lượng của cả nước. Ngoài những thị trường đòi hỏi nghiêm ngặt về các điều kiện liên quan như Mỹ, Nga, đặc biệt là Nhật Bản, con tôm Bạc Liêu đã có mặt tại nhiều quốc gia, như: Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Úc…, và đi xa hơn là các nước châu Âu như: Canada, New Zealand…

Tuy nhiên, thành tựu quan trọng nhất lại là tư duy và nhận thức đổi mới trong phát triển nông nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu! Đó là trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội ở Bạc Liêu, phát triển nông nghiệp, mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo được xác định là trụ cột đầu tiên. Lâu nay, vẫn tồn tại một khái niệm đã trở thành câu khẩu ngữ quen thuộc: “Nền nông nghiệp là “bệ đỡ” của nền kinh tế”. Nhưng, ở đây thì không nhé! Con tôm, cây lúa được xác định là trụ cột, là xương sống của nền kinh tế ở Bạc Liêu. Không phải là, lúc khốn khó mới lấy tôm, lúa ra làm “bệ đỡ”; mà an ninh lương thực và sự thủy chung sau trước với con tôm tự bao đời vẫn là cái đạo để người Bạc Liêu ứng xử với tự nhiên, với đất trời; trong một hướng đi vì một Bạc Liêu phát triển.

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm nuôi trên vùng chuyển đổi lúa - tôm. Ảnh: C.L

3. Vài năm gần đây, câu chuyện “được mùa rớt giá” đeo bám hằng ngày, hằng giờ, thậm chí là trong từng giấc ngủ của người nông dân nuôi tôm, như vận vào cuộc mưu sinh một câu hỏi treo lơ lửng! Câu hỏi ấy đang đặt ra cho các cấp lãnh đạo và các nhà quản lý một bài toán đau đầu. Cử tri Bạc Liêu nói rằng: thường cái gì mình mua nhiều, mình xài nhiều sẽ được khuyến mại, được mua giảm giá. Vậy nhưng trong nuôi tôm thì hoàn toàn ngược lại: mua hàng hóa ngành tôm càng nhiều, người nông dân nuôi tôm càng phải chịu mức giá cao?!. Thông thường, giá trị kinh tế một chuỗi ngành hàng được phân chia lợi nhuận hợp lý cho tất cả các bên tham gia. Vậy nhưng trong nuôi tôm lại đang trong tình trạng “thân ai nấy lo”. Có thể thấy rõ qua minh chứng này: Khi giá nhập khẩu nguyên liệu tăng, các nhà sản xuất hàng hóa phục vụ ngành tôm lập tức tăng giá. Trong khi người nông dân nuôi tôm không thể tự tăng giá tôm mà mình sẽ bán ra, bởi giá bán tôm phải nhất nhất tuân theo quy luật thị trường tại thời điểm thu hoạch. Đã hết đâu, khoảng 70% chi phí nuôi tôm nằm ở khâu mua thức ăn nuôi tôm, vật tư ngành tôm; nếu được đưa đến tận tay người nông dân, không thông qua đại lý, thì giá thành nuôi tôm giảm được khoảng 20% và đi đôi với đó là làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Nhưng đó lại là điều không thể.

Không thể, bởi vì những doanh nghiệp lớn, với dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đang dần dần chiếm lĩnh thị trường vật tư phục vụ ngành tôm. Không còn doanh nghiệp nhỏ và vừa, sân chơi này là của các doanh nghiệp FDI và đại lý. Chính họ đã và đang triệt để đánh vào điểm yếu của người nông dân nuôi tôm trên mảnh đất ông bà mình để lại, điêu đứng vì không có vốn, phải nhắm mắt mà chấp nhận “ăn trước, trả sau”. Các ngân hàng thương mại tuy sẵn sàng cho  vay vốn nuôi tôm nhưng kèm theo đó thì người nông dân phải hội đủ những điều kiện cần thiết về thủ tục… Câu chuyện đã diễn ra, đang diễn ra, và rồi chắc chắn sẽ còn tiếp diễn… Người nông dân nuôi tôm luôn luôn phải gánh chịu nhiều thiệt thòi hơn ai hết trong chuỗi cung ứng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngành tôm. Cho nên mấy năm gần đây, dù trúng tôm cách mấy thì lợi nhuận cuối vụ cũng chẳng đáng so với vốn liếng đầu tư và công sức mà người nông dân nuôi tôm đã bỏ ra. Trong khi đó, diễn biến thời tiết lại hầu như mỗi lúc mỗi bất lợi hơn cho nghề nông nói chung, nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu nói riêng. Xem ra, để cho rừng đước tiếp tục “rước” con tôm, con tôm tiếp tục “ôm” cây lúa, cây lúa tiếp tục “múa” cùng tôm, thì phát triển bền vững nghề nuôi tôm đã và sẽ là câu chuyện “nóng”, chẳng kém cạnh gì câu chuyện chuyển đổi lúa - tôm hơn 20 năm trước.

Như đã nói, trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội Bạc Liêu, phát triển nông nghiệp, mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo được xác định là trụ cột đầu tiên. Đồng thời, đây được xem là trụ cột mang tính nền tảng khi chiếm gần 90% thu nhập của người nông dân dựa vào sản xuất nông nghiệp. Cách xa những đồng tôm, dòng người bươn bả ngược trở về quê trong mùa dịch giã lại càng hối thúc một điều. Ấy là, mong lắm rồi đây sẽ có những chính sách hợp lý hơn nữa, bảo vệ những người nông dân nuôi tôm “tay không tấc sắt”, cũng là để cho người nông dân “bất ly nông” để “bất ly hương”; cũng là để bất cứ người Việt nào, khi dùng món Tempura trên đất Nhật, hay món tôm ở một quốc gia nào khác, khi được giới thiệu rằng tôm này nhập từ đất nước các bạn, sẽ được hưởng niềm vui trọn vẹn.

Tôm à, tôm! Ta cùng hy vọng và cùng tin tưởng nhé.

 NHÃ AN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.