Xuân Nhâm Dần 2022
Luôn đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất với quyết tâm chính trị cao
Đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trả lời phỏng vấn Báo Bạc Liêu
Dù có nhiều khó khăn từ sự tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong Ban Chấp hành (BCH), Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy; tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang; sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, Ðảng bộ tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2021.
Trả lời phỏng vấn Báo Bạc Liêu trước thềm xuân mới, đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã cho thấy một góc nhìn toàn diện về công tác lãnh đạo điều hành, công tác xây dựng Ðảng và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong năm 2021 vừa qua.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: P.A
NHỮNG DẤU ẤN...
PV: Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức mới, gay gắt hơn, nhất là xuất hiện các đợt dịch COVID-19, theo đồng chí đâu là dấu ấn quan trọng của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu trong năm qua?
Đồng chí Lê Thị Ái Nam: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19; song BCH, BTV Tỉnh ủy luôn giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phát huy trách nhiệm nêu gương của cá nhân, nhất là người đứng đầu; đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nói đi đôi với làm, nghị quyết đến đâu triển khai và tổ chức thực hiện ngay đến đó; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Sau Đại hội Đảng, Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đã ban hành 11 nghị quyết chuyên đề, 7 chỉ thị, 19 kế hoạch và nhiều quy định, kết luận lãnh đạo, chỉ đạo trên hầu hết các lĩnh vực. Các văn bản ban hành chất lượng được nâng cao hơn; nội dung cụ thể, sát với tình hình thực tiễn, có tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện và sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cuộc bầu cử diễn ra nghiêm túc, trên tinh thần dân chủ và đúng luật; cử tri đi bầu sớm và đạt tỷ lệ rất cao (99,92%); kết quả bầu cử đảm bảo về số lượng, yêu cầu cơ cấu và chất lượng được nâng lên. Đồng thời, đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Mặc dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị đã triển khai thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Có 10/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 5,05% (tuy chưa đạt kế hoạch, song đứng thứ nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố); một số chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ như: Sản lượng thủy sản tăng 8,84%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 15,7% so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt 103,4% dự toán đề ra; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt và kịp thời, nhất là các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với tổng số tiền hơn 311 tỷ đồng... Đặc biệt, một số dự án động lực được tập trung triển khai quyết liệt, đã hoàn thành 7 dự án điện gió theo đúng tiến độ, với tổng công suất là 370MW đã hòa vào lưới điện quốc gia.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy và cán bộ các cấp, các ngành tiếp tục được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng. Kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối, làm việc; tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị 12 của BTV Tỉnh ủy tiếp tục có chuyển biến và nâng cao hơn, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Phường 5 (TP. Bạc Liêu).
...VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
PV: Năm 2021 được xem là thời gian đầy thách thức cho ý chí và quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và bất ngờ, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này tỉnh Bạc Liêu đã cơ bản kiểm soát được dịch, từng bước trở lại trạng thái bình thường mới. Xin đồng chí cho biết bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để có được kết quả đó?
Đồng chí Lê Thị Ái Nam: Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao và quyết liệt nên đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Từ kết quả thực tiễn, có thể rút ra một số kinh nghiệm:
Luôn đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất với quyết tâm chính trị cao của Tỉnh ủy và sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; đã phân công cán bộ chủ chốt bám sát địa bàn đến từng xã, phường, thị trấn, nắm chắc tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, thần tốc và có hiệu quả.
Quán triệt và thực hiện nghiêm tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc. Cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, thực hiện tốt phương châm “thần tốc và 4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm các giải pháp đồng bộ như: đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin không chỉ cho người lớn mà cả trẻ em; duy trì việc xét nghiệm sàng lọc, kịp thời bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng để tránh lây lan rộng và thần tốc truy vết F1, F2 cách ly theo quy định; quan tâm việc thu dung, điều trị F0, chăm lo an sinh xã hội cho đối tượng bị cách ly, phong tỏa kịp thời...
Đồng thời, cùng với sự đóng góp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, Tổ COVID cộng đồng và với tinh thần, ý thức tham gia phòng, chống dịch của các tầng lớp nhân dân... Ủy ban MTTQ các cấp đã vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp ủng hộ nguồn lực, gồm tiền và hiện vật trị giá hơn 90 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch và phục vụ cho công tác phòng chống dịch, góp phần giảm bớt khó khăn cho ngân sách tỉnh.
Đặc biệt, sự đóng góp rất quan trọng của các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ tỉnh đến cơ sở. Có hàng chục ngàn cán bộ, công chức, viên chức là nhân viên y tế, công an, quân đội, cán bộ các cấp, nhất là ở cơ sở ngày đêm bám địa bàn, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công; cũng có không ít đồng chí bị nhiễm, trở thành F0 trong lúc làm nhiệm vụ... Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu cũng trân trọng cảm ơn các y, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Răng Hàm Mặt thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Quân y 120, Bệnh viện Quân y 121, Bệnh viện Lê Văn Thịnh và các tình nguyện viên đã trực tiếp tham gia điều trị, xét nghiệm, tiêm vắc-xin cho người dân... Những đóng góp của lực lượng tuyến đầu và các đơn vị tăng cường đã góp phần làm nên kết quả phòng chống dịch của tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Năm Dân vận khéo tại huyện Đông Hải.
CÔNG TÁC CÁN BỘ: KHÂU THEN CHỐT CỦA THEN CHỐT
PV: “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là một nhiệm vụ quan trọng được BCH Trung ương Đảng nhấn mạnh tại Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa". Xin đồng chí cho biết, để có được đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, BCH Đảng bộ tỉnh sẽ có những giải pháp cụ thể gì trong thời gian tới?
Đồng chí Lê Thị Ái Nam: Tỉnh ủy Bạc Liêu xác định phải triển khai thực hiện có hiệu quả khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng là công tác cán bộ và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở. Yêu cầu được đặt ra là tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết với công việc; đủ trình độ, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong tình hình mới. Vì vậy, công tác cán bộ cần tập trung một số giải pháp cơ bản sau:
1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp và khâu đột phá trong công tác cán bộ mà BCH Đảng bộ tỉnh đã xác định. Thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; xem công tác cán bộ thật sự là “khâu then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu về xây dựng đội ngũ cán bộ, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
2. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tất cả các khâu của công tác cán bộ, từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển và sử dụng cán bộ.
Cụ thể, từng cấp ủy, tổ chức đảng phải cụ thể hóa và thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác cán bộ, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ; thực hiện tốt chủ trương kiểm soát quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ và chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Trong công tác cán bộ phải bảo đảm đúng quy định, quy trình, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng; không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ; căn cứ vào kết quả và sản phẩm cụ thể trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để đánh giá cán bộ cho đúng thực chất; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc đánh giá còn căn cứ vào kết quả đổi mới, sáng tạo; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm; khả năng thích ứng nhanh với tình hình thực tiễn và quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ. Tiến hành rà soát, kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, sai phạm không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, hết tuổi công tác.
Tiến hành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025 và xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển; nâng cao chất lượng và tính khả thi trong công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với đào tạo và sử dụng cán bộ cho đồng bộ; quy hoạch được phê duyệt phải có số lượng và cơ cấu hợp lý, chú trọng cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ đương chức, cán bộ được quy hoạch, để đảm bảo có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và trình độ lãnh đạo, quản lý; bố trí, sử dụng cán bộ theo đúng năng lực, sở trường; rà soát, sắp xếp, mạnh dạn thay thế những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng được yêu cầu công việc; nói không đi đôi với làm, uy tín thấp. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác luân chuyển cán bộ để rèn luyện, thử thách, giúp cán bộ có thêm kinh nghiệm thực tiễn từ cơ sở; đồng thời, bảo đảm sự cân đối, hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác cán bộ.
Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện nghiêm và có hiệu quả Quy định 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Phát huy dân chủ trong Đảng, tăng cường sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân đối với công tác cán bộ.
Đồng thời, phải đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng thực thi công vụ của các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ; tăng cường hoạt động tổng kết thực tiễn và nghiên cứu khoa học về công tác cán bộ; nâng cao phẩm chất, trình độ và năng lực của đội ngũ làm công tác cán bộ; có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn những người công tâm, trung thực, khách quan và có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác cán bộ. Cán bộ tham mưu về công tác cán bộ phải có tâm, có tầm mới đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ trong giai đoạn mới.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Kế hoạch 102 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện khâu đột phá về công tác cán bộ và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm đối với công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cấp, các ngành, từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt phải làm tốt vai trò nêu gương, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần quyết liệt hơn, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả việc thực hiện khâu đột phá trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch vững mạnh.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết với công việc; có khát vọng vươn lên; đủ trình độ, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ chính trị là yêu cầu cấp bách của tỉnh trong giai đoạn mới, nhằm thực hiện có hiệu quả khâu đột phá trong công tác cán bộ và góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
LÂM ANH (thực hiện)
Tựa do tòa soạn đặt
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam