Xuân Nhâm Dần 2022

Ra đi để trở về

Thứ Tư, 26/01/2022 | 14:50

Họ là những người Bạ Liêu trẻ tuổi, đầy khát vọng và năng lực, luôn dấn thân để biến ước mơ vươn tới những chân trời bao la thành hiện thực. Và khi đã trở thành những công dân toàn cầu, điều họ làm là trở về và góp sức mình cho công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Ra đi để trở về, những người trẻ quê hương Bạc Liêu đã nói và làm bằng tất cả trái tim...

Ra đi để viết tiếp những thành công

Nhật Đăng (bên phải) phỏng vấn Tổng lãnh sự Trung Quốc năm 2017.

Trong số những người Bạc Liêu thành công, Dư Nhật Đăng được xem là thế hệ trẻ viết tiếp những thành tích tự hào của lớp thế hệ đi trước. Sinh năm 1989, Nhật Đăng sớm khẳng định bản thân trong lĩnh vực truyền thông. Sau khi tốt nghiệp ngành Báo chí - Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Nhật Đăng thi tuyển vào Báo Thể thao Ngày nay, và chỉ mất 1 - 2 tuần để trở thành cây bút chủ lực của trang bóng đá Ngoại hạng Anh. Thời đó, chỉ có những trang này là in màu, được nằm trang trọng ở vị trí giữa tờ báo. Công tác tại đây được vài năm, với tâm thế muốn thử sức ở một lĩnh vực mới, chàng phóng viên trẻ đã chuyển sang Báo Thanh Niên phụ trách mảng Quốc tế. Dù kinh nghiệm còn hạn chế, nhưng với nội lực có sẵn, Nhật Đăng đã bắt nhịp rất nhanh khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Nhật Đăng tham dự chương trình tập huấn báo chí về chống tin giả ở Mỹ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đến cuối năm 2016, Nhật Đăng chuyển công tác về Ban Quốc tế của Báo Tuổi Trẻ, và được tin tưởng giao thực hiện những nội dung về biển Đông, về quan hệ quốc tế nói chung. Với vốn kiến thức quốc tế vững chắc, Nhật Đăng đã trở thành phóng viên chính thức đưa tin cho các sự kiện như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại TP. Đà Nẵng; Thượng đỉnh Mỹ - Triều (cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong Un) tại Singapore năm 2018; Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) tại Singapore năm 2018 và 2019… Năm 2019, Nhật Đăng được cơ quan cử ra Hà Nội làm phóng viên thường trú, làm việc trực tiếp với Bộ Ngoại giao Việt Nam và các đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức nước ngoài (World Bank, ADB, IMF…). Nhiệm vụ của một phóng viên quốc tế không phải ai cũng đảm đương và có thể làm tốt được bởi nó đòi hỏi nhiều yếu tố. Trong khi đó, chỉ một mình Nhật Đăng gánh nguyên mảng quốc tế ở đầu cầu Hà Nội thì áp lực bội phần. “Gánh phần việc nặng nề của một phóng viên quốc tế, nhưng tôi vẫn thư từ qua lại với các chuyên gia, mở rộng mối quan hệ từ các bài viết trên The Diplomat, Eurasia Review, Bangkok Post… Đồng thời phải lo việc xin học bổng. Phải nói rằng công việc thường ngày quá áp lực, mà còn bận thêm chuyện học bổng và các bài viết cho báo nước ngoài thì quả thật kinh khủng, chi phối thời gian và sức lực ghê gớm. Nếu không có đam mê sẽ khó lòng vượt qua”, Nhật Đăng chia sẻ.

Những nỗ lực của Nhật Đăng rồi cũng thu về “quả ngọt” khi đã được nhận học bổng Chevening của Chính phủ Anh. Ngành mà Nhật Đăng theo học là thạc sĩ Khoa học Chính trị tại Trường đại học Essex (The University of Essex). Nói về định hướng tương lai, Nhật Đăng bày tỏ: “Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ một năm ở Anh, tôi sẽ quay về Việt Nam và nỗ lực truyền đạt thông tin qua báo chí, kiến thức qua giảng đường. Tôi muốn củng cố kiến thức chính trị cho sinh viên, cho người dân Việt Nam thông qua việc viết bài, giảng dạy, và các sự kiện giao lưu, chia sẻ”.

------------------------------

Và trở về vì ước mơ

Kiến trúc sư Nguyễn Khiêm

Được bổ nhiệm làm đại diện chính thức của Hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ tại Việt Nam từ tháng 7/2021 - 12/2022 không chỉ là niềm vui, tự hào của riêng anh Nguyễn Khiêm, mà còn là niềm vinh dự cho những người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc cả nước. Thành tựu đạt được hôm nay chính là kết quả của cả quá trình nỗ lực không ngơi nghỉ của chàng kiến trúc sư quê gốc Bạc Liêu.

Anh Nguyễn Khiêm sinh ra tại Phường 7 (TP. Bạc Liêu), từng học tại Trường THPT Chuyên Bạc Liêu và là thí sinh duy nhất của 3 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng đậu vào Trường đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh năm 2001. Con đường đại học của anh có nhiều khó khăn, vừa học vừa làm thêm để trang trải chi phí học hành trong suốt quãng đời sinh viên. Dù vậy, thành tích học tập của chàng trai Bạc Liêu luôn khiến bạn bè ngưỡng mộ. Khi là sinh viên năm thứ ba, tham gia hội thảo du học của Hội đồng Anh và cuộc thi tiếng Anh, bằng vốn kiến thức vững chắc, sự tự tin, nhiệt huyết của một người trẻ, anh đã đạt học bổng du học hè ở Trường Liverpool John Moores - Anh quốc. Tuy nhiên, điều kiện để được đi du học là phải tự lo chi phí vé máy bay khứ hồi trong khi gia đình anh lại chật vật về kinh tế. Những tưởng con đường đến nước Anh học tập đã không thành hiện thực, nhưng mẹ Khiêm đã động viên và lo mọi thứ chu toàn để cho anh đi.

Sau khi hoàn thành khóa học ở Anh, Khiêm trở về nước tiếp tục việc học tại trường. Năm 2006, vượt qua những thử thách, anh đã tốt nghiệp loại ưu với đề tài “Bảo tàng mỹ thuật thành phố” và được chọn tham dự cuộc thi Loa Thành dành cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc trong cả nước. Cùng năm đó, anh với nhóm bạn học cùng khóa cũng tham gia cuộc thi thiết kế mô hình kiến trúc cho ngôi nhà chống động đất tại Đài Loan do APEC và Hội đồng Anh tổ chức và đã giành giải thưởng quốc tế mang về cho trường.

Nhà truyền thống Trường THCS  Võ Thị Sáu (TP. Bạc Liêu) do kiến trúc sư Nguyễn Khiêm thiết kế.

Tốt nghiệp đại học, anh được tuyển vào nhóm kiến trúc sư tư vấn thiết kế kiến trúc cho một tập đoàn của Anh quốc. Trải qua 10 năm kinh nghiệm làm nghề, tên tuổi của Nguyễn Khiêm đã gắn liền với các dự án liên quan đến bảo tồn, trùng tu di sản kiến trúc khách sạn cổ ở vùng Cheltenham Spa và những dự án phát triển mới như khu phức hợp cao tầng The Cube ở TP. Birmingham - Anh quốc… Đặc biệt, anh đã dành tặng một công trình thiết kế Nhà truyền thống Trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Bạc Liêu) cho người thầy cũ và quê hương Bạc Liêu.

Với kinh nghiệm thực tế, cùng năng lực của mình, anh Khiêm đã tự thành lập văn phòng kiến trúc. Ngoài thời gian làm việc ở văn phòng, anh còn làm công tác giảng dạy và tham gia chấm các cuộc thi thiết kế, đồ án tốt nghiệp kiến trúc tại Trường đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.

Nói về nỗi trăn trở với quê hương, anh Khiêm bày tỏ: “Khi thấy quê mình còn nhiều khó khăn, thế hệ trẻ không được hưởng môi trường giáo dục tốt như những nơi khác, tôi có mong muốn sẽ thực hiện một ngôi trường dạy nghệ thuật và kiến trúc theo phương pháp sáng tạo riêng của mình”. Cũng chính khát vọng này đã làm động lực cho anh tiếp tục nhận học bổng Fulbright với chương trình học và nghiên cứu cấp thạc sĩ về chính sách công chuyên ngành lãnh đạo và quản lý tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam).

Trong những ngày xuân đến, nhìn lại chặng đường nỗ lực không mệt mỏi vươn tới thành công của những người con quê hương, chúng ta có quyền tự hào và lấy đó làm động lực để viết tiếp hành trình của tương lai. Nguyễn Khiêm và Nhật Đăng là hai trong nhiều “cánh én” góp phần dệt nên mùa xuân tươi đẹp cho đất trời Bạc Liêu thêm phần rực rỡ.

HOÀNG LAM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.