Xuân Nhâm Dần 2022

Phum sóc vào xuân

Thứ Ba, 25/01/2022 | 16:06

Trong tiết trời thanh mát của những ngày xuân, các phum sóc trên địa bàn tỉnh như khoác lên mình chiếc áo mới. Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày một nâng cao, các giá trị văn hóa được giữ gìn và phát huy…, những thành quả ấy, ngoài sự chăm lo của Ðảng và Nhà nước, còn phải kể đến sự nỗ lực của đồng bào Khmer trong việc chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp.

Về các phum sóc đang độ vào xuân, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới, sự chuyển mình mạnh mẽ. Những ngôi nhà kiên cố với khuôn viên sạch đẹp, trung tâm văn hóa - thể thao khang trang, tuyến đường bê-tông mới trải dài đến tận các xóm, ấp; người nông dân Khmer cần mẫn chăm sóc ruộng lúa đang vào độ chín vàng, rẫy màu tươi xanh…, tất cả tạo nên một bức tranh sống động, tuyệt đẹp trước thềm xuân mới.

Đến ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) gặp Bí thư Chi bộ ấp - Sơn Ri Thi, ông vui mừng cho biết: “Đời sống của đồng bào Khmer hôm nay đã thay đổi về cả vật chất lẫn tinh thần. Hộ nghèo trong ấp giảm, hộ khá giàu tăng lên. Phấn khởi nhất là trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường học tập; không ít con em người dân tộc Khmer công tác tại các cơ quan, ban ngành trong tỉnh…”.

Trò chơi dân gian mừng xuân mới. Ảnh: Lâm Tùng

Còn tại huyện Hồng Dân - một trong những địa phương của tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, những năm qua, nhờ chính quyền địa phương quyết liệt thực hiện công tác giảm nghèo cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự lực, tự cường đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua lao động - sản xuất trong đồng bào Khmer nơi đây. Bên cạnh đó, diện mạo phum sóc đã có nhiều đổi thay tích cực với hạ tầng điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, thông thoáng, giao thương thuận lợi… Ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: “Ðến nay, hầu hết đồng bào Khmer trong huyện đã được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch; mặt bằng dân trí được nâng lên; văn hóa truyền thống của đồng bào được giữ gìn và phát huy; quyền bình đẳng giữa các dân tộc được tôn trọng, truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau được tăng cường…”.

Trò chuyện với nhiều nông dân Khmer, chúng tôi cảm nhận được nếp nghĩ, nếp sinh hoạt văn minh, tích cực của đồng bào. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp trong vùng có đông đồng bào Khmer phổ biến từ 2 vụ lúa, thậm chí có nơi 2 vụ lúa - 1 vụ màu hoặc 3 vụ lúa/năm với năng suất, chất lượng ngày càng tăng. Không chỉ tăng vụ, chí thú làm ăn, thực hành tiết kiệm, nông dân còn thay đổi cả tập quán, thói quen canh tác lạc hậu của thời trước khi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… Từ đó, nhiều hộ đã vươn lên trong cuộc sống, xây dựng nhà ở khang trang. Ông Danh Cọp (huyện Hồng Dân) tự hào chia sẻ, chỉ với 1,5ha đất nông nghiệp, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng từ mô hình đa canh tổng hợp.

Cùng với ý chí tự lực vươn lên của người dân, thì sự chuyển mình của phum sóc hôm nay còn phải kể đến những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào. Ông Trịnh Thanh Phong - Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, cho biết: “Qua 5 năm thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn 2016 - 2020), tỉnh đã đầu tư hơn 28 tỷ đồng cho 10 xã và 41 ấp đặc biệt khó khăn. Từ đó, góp phần phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Các dự án đã tạo sức bật cho vùng có đông đồng bào dân tộc. Nếu như đầu năm 2016, theo kết quả điều tra hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, hộ nghèo người dân tộc thiểu số của tỉnh Bạc Liêu chiếm 17,12% (với tổng số hộ nghèo của tỉnh), thì đến nay tỷ lệ này chỉ còn 0,47%”.

Từ sự chăm lo này mà người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và ra sức thực hiện các chủ trương, quyết sách vì sự phát triển chung của tỉnh.

KHÔI NGUYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.