Xuân Nhâm Dần 2022

Nối dài mạch truyền dân ca Bạc Liêu

Thứ Ba, 25/01/2022 | 15:06

Mỗi lần năm cũ sắp qua, tôi lại ước mong được phân công đi theo đoàn chúc tết đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ. Đi để được nghe lại ca khúc trứ danh của cố nhạc sĩ Phan Nhân - “Trên quê hương Minh Hải”. Nghe bà con xa quê hát ngay ở xứ người mới thấu cảm hết tình quê nhà, nghĩa đồng hương. Ca khúc mở đầu bằng 6 câu trên nền điệu lý Năm Căn của xứ Bạc Liêu: “Rằng quê Minh Hải mình đây. Đồng xanh thẳng cánh chim bay (…) Đồng xanh, muối trắng Bạc Liêu. Chung sức dựng xây Minh Hải đẹp giàu”.

Dân ca - “chiếc cầu nối” văn hóa

Cũng như các vùng quê miền sông nước Nam Bộ, dân ca Bạc Liêu hình thành trên đồng ruộng, sông rạch. Trong quá trình sống, lao động và chiến đấu, người dân nơi đây đã tạo nên giá trị văn hóa dân gian thể hiện qua những câu ca, bài hát, điệu hò, nói thơ Bạc Liêu. Đây là “chiếc cầu nối” giữa đất đai, con người Bạc Liêu với các vùng đất khác, là sự tiếp nối của những sáng tác truyền thống. Dân ca khác nào chiếc gối êm, đưa ta về quá khứ, thấy yêu hiện tại và hướng đến tương lai.

Trong một lần về Bạc Liêu, nhạc sĩ Phan Nhân (1930 - 2015) đã “cảm  hứng” khúc dân ca lý Năm Căn, và sử dụng chất liệu ấy vào bài “Trên quê hương  Minh Hải” rất thành công. Ngày nay nhiều tác giả cải lương dựa vào giai điệu ấy “đặt lời mới”. Lý Năm Căn xuất phát từ điệu nói thơ Bạc Liêu được cấu tạo theo lối (điệu thức) âm nhạc ngũ cung dân tộc (rề, fa thăng, sol, la, si bình), tương ứng với lối ghi nhạc cổ: hò, xự (già), xang, xê, cống.

Lịch sử khẩn hoang vùng đất Bạc Liêu được xác định muộn màng nhất, nhì ở Nam Bộ. Trên bước đường bôn ba tìm kiếm vùng đất mới, ngoài những của cải bất ly thân, tiền nhân Bạc Liêu còn mang theo bên mình vốn văn nghệ dân gian để làm hành trang tinh thần trong thời gian xa xứ. Đến đây đất rộng người thưa, sông sâu nước chảy, cảnh vật hữu tình… cộng với nỗi niềm tha hương, càng tạo điều kiện cho lưu dân dùng lời ca, tiếng đờn bày tỏ nỗi lòng. Lời ca, tiếng đờn ấy hòa nhập tính cách, tâm hồn vùng đất, con người Bạc Liêu, trở thành những làn điệu dân ca trữ tình, trong đó có những câu hò, điệu lý, nói thơ Bạc Liêu và đặc biệt là bản “Dạ cổ hoài lang”.

Trong dân ca Bạc Liêu, chúng ta còn bắt gặp những làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Khmer và Hoa. Như đã biết, vùng đất này mới được người Việt đến khai phá chừng hơn 300 năm nay (thế kỷ XVII). Sau đó người Hoa (Triều Châu) đến cùng nương náu, đan xen với người Khmer. Thạc sĩ âm nhạc, Nghệ sĩ ưu tú Thạch Moly - Trưởng Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, cho biết dân ca Khmer trong tỉnh cũng có những nét tương đồng với dân ca Khmer ở các tỉnh lân cận như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang. Có thể kể đến một số bài như: “Ôp kai lơ mệt” (Đếm sao), “Sari kakeo” (Chim sáo)… Tâm hồn người Khmer được thể hiện rõ nhất trong các bài hát dân gian như thế này.

Còn ông Ngô Vũ Đại - Chủ tịch Hội người Hoa ở Bạc  Liêu và nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Bạc Liêu, cho rằng dân ca Hoa tỉnh Bạc Liêu có những bản nhạc như: Quý phi tứ tửu, Giang tô Điểu ngữ, Tấn Phong, Tân Xái Phỉ, Sương chiều và Tú anh. Gần đây, nhạc sĩ Thanh Tâm đã sáng tác ca khúc “Niềm vui Bạc Liêu” dựa trên giai điệu bản Sương chiều: “Xáng u liu cồng, xừ cồng liu u/ Xáng u liu cồng, líu xàng xê cống…”.

Tất cả cùng tạo nên nền văn hóa Bạc Liêu đa dạng, thống nhất, là một phần không thể tách rời của nền văn hiến Việt Nam.

Học sinh biểu diễn dân ca Khmer. Ảnh: N.Q

Học sinh thích hát dân ca

Để bảo tồn và phát huy dân ca tỉnh nhà thì chúng cần được lưu truyền, phổ biến cho chính người dân sở tại, nhất là thế hệ trẻ. Và một điều đáng mừng là đa số học sinh phổ thông rất yêu thích dân ca. Qua khảo sát của thạc sĩ, nhạc sĩ Đỗ Tiến Lập (Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu) tại Trường THCS Nguyễn Minh Nhựt (huyện Vĩnh Lợi) cho thấy, chỉ có 18% học sinh không thích tham gia ngoại khóa hát dân ca, còn lại đều “hơi thích”, “thích” và “rất thích”. Việc ham thích hát dân ca của các em là điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học môn Âm nhạc.

Trong chương trình dạy âm nhạc chính khóa ở trường trung học cơ sở chỉ có 3 bài dân ca Nam Bộ, đó là “Vui bước trên đường xa” (lớp 6), “Lý dĩa bánh bò” (lớp 8) và “Lý kéo chài” (lớp 9). Như vậy là quá ít, sẽ làm cho học sinh không cảm thụ được hết những cái hay, cái đẹp trong dân ca Nam Bộ, trong đó có dân ca Bạc Liêu.

Trong bối cảnh của thời kỳ hội nhập sâu rộng, sự giao thoa và tiếp biến các giá trị văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng đã tạo nên những trào lưu mới trong xã hội, và cũng ảnh hưởng tới sự hình thành, phát triển những nét tâm lý, tính cách của thế hệ trẻ. Chính vì vậy, giáo dục âm nhạc truyền thống, trong đó có dạy hát dân ca Bạc Liêu hứa hẹn hình thành cho thế hệ trẻ những tình cảm đúng đắn với âm nhạc nói chung, với âm nhạc truyền thống nói riêng và bồi đắp nhân cách con người Việt Nam.

-------------------------

Theo Thạc sĩ, nhạc sĩ Đỗ Tiến Lập, trong kho tàng dân ca Bạc Liêu thì hò Bạc Liêu (chủ yếu là hò chèo ghe) chiếm vị trí rất quan trọng. Cho nên, trong số 14 bài mà thầy giáo này đề xuất đưa vào hoạt động ngoại khóa hát dân ca ở trường trung học cơ sở thì có đến 5 bài hò chèo ghe, gồm Hò chèo ghe 1, 2, 3, 4 và 5, Dạ cổ hoài lang, Lý con sáo sang sông (Bạc Liêu), Lý Năm Căn, Ôp kai lơ mệt, Sari kakeo, Niềm vui Bạc Liêu (dân ca Hoa), hò Bạc Liêu, nói thơ Bạc Liêu “Mười thương”. Những bài hát này mang đậm sắc màu của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, dễ hát, dễ thuộc, gần gũi với học sinh và người dân Bạc Liêu.

NGUYỄN QUỐC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.