Xuân Nhâm Dần 2022

Những câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Thứ Hai, 24/01/2022 | 15:02

Tết này chúng tôi muốn kể các bạn nghe về những người tuy bình dị nhưng cuộc sống của họ là câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Làm việc hết mình, cần cù lao động - sản xuất, giàu ý chí vượt khó vươn lên, đầy tâm huyết với công tác từ thiện…, là chân dung của những “đóa hoa xuân” này. Những việc làm, đóng góp thầm lặng của họ đã làm cho cuộc sống mỗi ngày tươi đẹp và ý nghĩa hơn.

Người nông dân có trái tim ấm áp

Trước đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, tôi biết anh Lý Quốc Khôi (33 tuổi, ngụ ấp Xóm Lớn A, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) qua “phây-bút” là người “mát tay” trong việc nuôi tôm thẻ. Rồi khi xảy ra dịch bệnh, anh lại cho tôi thấy thêm hình ảnh một chàng trai có trái tim nhân ái.

Anh Lý Quốc Khôi tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Phước Long. Ảnh: H.T

Cái tên Quốc Khôi được người dân ấp Xóm Lớn A biết đến khi khởi nghiệp thành công ở độ tuổi khá trẻ, nhất là với nghề nuôi tôm được gọi là “nghề bà cậu”, không phải ai làm cũng trúng. Nói như thế không có nghĩa là Quốc Khôi chỉ nhờ vào may mắn, để có được thành quả như hôm nay, anh đã chịu khó học, tìm hiểu từ nhiều nguồn và nhiều người. Mới 33 tuổi nhưng anh đã xây dựng được nông trại nuôi tôm theo mô hình CPF Combine của Công ty C.P, mỗi năm thu vài chục tấn tôm là chuyện bình thường.

Dịch ập tới, khu anh ở và cũng là cả tỉnh có ca F0 đầu tiên trong cộng đồng (là giáo viên mầm non từ TP. Hồ Chí Minh về), toàn ấp bị phong tỏa từ ngày 28/5. Suốt 21 ngày “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, ngoài việc nhờ bạn bè bên ngoài mua cà phê, nhang ung muỗi gửi tặng lực lượng trực chốt, Quốc Khôi còn bỏ tiền túi thuê nấu ăn và nhờ thanh niên tình nguyện mang đến hỗ trợ các chốt phòng, chống dịch trong huyện, người dân ở các khu cách ly tập trung.

Dịch bệnh kéo dài, anh nông dân này lại tiếp tục nối dài những việc làm từ tâm. Đó là tìm đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ. Quà tặng chỉ đơn giản là thùng mì gói, ít rau củ, chục trứng gà…, vậy mà người nhận mừng rỡ, ấm lòng, còn người tặng cũng cảm thấy hạnh phúc. “Có đi mới thấy quê mình còn nhiều người dân khổ sở, nhiều nhà không đủ ăn trong mùa dịch. Mình không giúp được chuyện lớn, cũng không thể nào giúp hết, nhưng giúp được bao nhiêu thì làm thôi”, Quốc Khôi trải lòng.

PHƯƠNG ANH

----------------------------------

Dành cả thanh xuân làm chuyện “bao đồng”

Mới tờ mờ sáng, trong lúc mọi người còn đang ngon giấc thì chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Toàn (ở trọ tại Phường 8, TP. Bạc Liêu) lặng lẽ chất mấy bao đá nhựa đường và đồ nghề lên xe máy rồi nhanh chóng đến chỗ có “ổ gà” được phát hiện vào hôm trước. Ðó là niềm vui và cũng là “trách nhiệm”, theo như cách nói vui của Toàn.

Bạn Nguyễn Thanh Toàn dặm vá một ổ gà cạnh vòng xoay trên đường Hòa Bình. Ảnh: C.L

Dừng xe tại ngã tư vòng xoay đường Hòa Bình - nơi mấy ngày qua xuất hiện một “ổ gà” khá lớn, Toàn khệ nệ nhấc từng bao đá xuống. Đầu tiên là dọn vệ sinh quanh chỗ lộ hư để loại bỏ rác, vì nếu trong quá trình dặm vá mà có túi nylon hay cành cây, lá khô… thì đá nhựa mới sẽ không dính với lớp nhựa đường cũ. Tiếp đến Toàn đổ một lớp đá nhựa và tưới thêm chút nước để dàn đều, rồi đầm đá cho chắc. Vừa làm, Toàn vừa nói với tôi: “Hỗn hợp đá nhựa đường gặp trời nắng dễ dính lại vào nhau, tôi nén sơ, xe chạy qua chạy lại vài lần là chặt thôi”.

Công việc vá đường đến với Toàn rất ngẫu nhiên. Toàn kể: “Ra đường tôi thường xuyên chứng kiến cảnh người tham gia giao thông té ngã vì “ổ gà”, thậm chí có người bị chấn thương não sau tai nạn. Những hình ảnh đó thôi thúc tôi phải làm việc gì đó để giúp ích cho cộng đồng”. Từ đó, Toàn tình nguyện đi vá đường không công, mặc cho một số người xung quanh gièm pha việc làm của anh là… lo chuyện “bao đồng”! Không chỉ bỏ công, Toàn còn tự bỏ tiền túi để mua sắm các nguyên vật liệu. Thời gian đầu, hàng tháng anh đều trích 1 triệu đồng trong khoản tiền 4 triệu gửi về cho gia đình từ công việc tư vấn bán hàng. Nhưng rồi sau nhiều lần đến mua đá và biết Toàn dùng để vá đường giúp người lưu thông trên đường được an toàn, chủ cơ sở đá chẳng những không lấy tiền mà còn cho thêm nguyên vật liệu và động viên, khích lệ Toàn tiếp tục làm công việc có ý nghĩa cho đời.

Có người hiểu và tiếp thêm động lực, Toàn càng hăng hái đi tìm và đã dặm vá không biết bao nhiêu “ổ voi”, “ổ gà” ở khắp các tuyến đường trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Cũng theo Toàn, để những điểm dặm vá được nhanh, hiệu quả và an toàn, thì phải làm từ lúc tờ mờ sáng. Bởi lúc đó, lượng xe cộ qua lại ít, dễ làm. “Nhưng vừa làm, tôi cũng vừa phải coi chừng tránh đám thanh niên đi chơi về khuya chạy ẩu”, Toàn vui vẻ chia sẻ. Vá xong đường, Toàn vẫn chưa hết lo. Những ngày sau đó, anh thường quay lại kiểm tra xem đã ổn chưa, nếu bị bong tróc thì lập tức “trùng tu”.

Cứ như thế, nhờ bàn tay của Toàn mà biết bao tuyến đường của thành phố này đã lành lặn và đẹp đẽ trở lại. Cuộc sống này thật đẹp biết bao khi có những người trẻ biết sống vì mọi người như Nguyễn Thanh Toàn.

KHÁNH NGUYÊN

-----------------------------------

Chiến sĩ dân quân hết mình trong cuộc chiến chống dịch

Khi những ngày xuân Nhâm Dần cận kề cũng là lúc chiến sĩ dân quân Văn Chí Thuận (Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) Phường 3, TP. Bạc Liêu) đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Ðây là sự ghi nhận, đánh giá cao của lãnh đạo Bộ Quốc phòng đối với cán bộ, chiến sĩ đã xung kích đi đầu tham gia nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm trong cuộc chiến chống “giặc COVID”.

Dân quân Văn Chí Thuận nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (do Thiếu tá Lê Thanh Sang - Ban CHQS TP. Bạc Liêu trao). Ảnh: T.H

Là dân quân thường trực của Ban CHQS Phường 3, nhiệm vụ thường nhật của Văn Chí Thuận (SN 1986) là giúp Ban Chỉ huy thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, diễn tập, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đồng thời, phối hợp với lực lượng an ninh cơ sở giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào Bạc Liêu, Thuận lại góp sức mình cùng tuyến đầu ngày đêm chống dịch. Trải qua 2 năm, việc đảm bảo an ninh, hỗ trợ công dân tại các khu cách ly tập trung của TP. Bạc Liêu; chốt gác ở các chợ hay kiểm soát người và phương tiện lưu thông trên địa bàn Phường 3 luôn có sự xông xáo của người chiến sĩ này. Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, ban ngày đứng hàng chục giờ để kiểm soát người và phương tiện, tối về Thuận lại cùng lực lượng truy vết F0, F1, căng dây phong tỏa, tuần tra xử lý các vi phạm về phòng, chống dịch…

Để công dân từ các tỉnh, thành phố về quê đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Thuận không nề hà với bất kỳ những công việc hậu cần nào: chuẩn bị cơ sở vật chất tại trường học, di dời bàn ghế, khử khuẩn, sắp xếp giường nghỉ, mắc đèn chiếu sáng… Đến khi công dân rời đi thì lại cặm cụi dọn dẹp hoàn trả lại hiện trạng ban đầu cho nhà trường.

“Chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình để gìn giữ bình yên cuộc sống, song có thể đối diện với nhiều nguy cơ lây nhiễm. Do vậy, khi điều động lực lượng, Ban Chỉ huy phường luôn cân nhắc kỹ về năng lực, tinh thần nhiệt huyết, kể cả bản lĩnh thực tiễn của dân quân. Không phụ kỳ vọng đó, đồng chí Thuận đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Trong quá trình tham gia phòng, chống dịch, đồng chí Thuận còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các quy định phòng, chống dịch, từ đó góp phần giảm thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra”, Chỉ huy trưởng Ban CHQS Phường 3 - Huỳnh Trung Nguyên nhận xét về Thuận.

Nhà cách đơn vị chưa đầy 200m, nhưng đã lâu Thuận chưa về bởi đã là người lính thì chống dịch cũng quyết liệt, kiên cường như “chống giặc”. 36 tuổi đời chưa xây dựng hạnh phúc riêng, Thuận cho đó là lý do khiến mình có thể nhận nhiệm vụ bất cứ khi nào. Nhưng đồng đội hiểu, những điều anh cống hiến xuất phát từ lý tưởng vì Nhân dân và từ trái tim ấm nóng của “Bộ đội Cụ Hồ”.

THANH HẢI

----------------------------------

Anh thợ hớt tóc nối “vòng tay yêu thương”

Vốn là thợ hớt tóc, kinh tế không dư dả nhiều, vậy mà hơn 5 năm qua, anh Trần Hoài Duy (SN 1982, ngụ thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) không chút đắn đo khi dùng hết tiền tích cóp của mình thực hiện các hoạt động thiện nguyện. Việc làm của anh như những hạt nắng hạnh phúc thắp thêm niềm tin về tình người, lòng nhân ái bao la giữa cuộc sống đời thường, giúp những phận đời không may cảm nhận được cuộc sống vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp, đáng sống.

Anh Trần Hoài Duy (bìa phải) tặng quà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn. 

Hoài Duy bén duyên với hoạt động thiện nguyện từ đầu năm 2017, trong một lần bắt gặp cụ bà Nguyễn Thị Diền (ấp Ninh Phước, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) sống một mình trong căn nhà xiêu vẹo, bữa đói bữa no, anh thương cảm, day dứt không yên và suy nghĩ phải tìm cách giúp đỡ. Nghĩ là làm, anh liền kết nối với bạn bè, kêu gọi vận động giúp bà xây dựng căn nhà kiên cố, đồng thời tặng bà nhiều vật dụng sinh hoạt. Ngày dọn vào nhà mới, bà Diền không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc, bởi vì căn nhà kiên cố chính là ước mơ từ thời thanh xuân nhưng đến cuối đời bà mới chạm đến.

Sau lần đó, Hoài Duy quyết định sẽ tiếp tục duy trì việc làm ý nghĩa này. Do đó, anh đã kêu gọi bạn bè cùng nhau thành lập nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” vào giữa năm 2017 (gồm 7 thành viên), anh được bầu làm nhóm trưởng. Sau khi thành lập, nhóm thường xuyên kêu gọi quyên góp nhu yếu phẩm tặng người nghèo, hỗ trợ tiền trị bệnh, cất và sửa nhà tình thương, chăm lo trẻ em mồ côi… Không gói gọn ở một địa bàn nào, hễ nghe tin ở đâu cần giúp đỡ, nếu trong điều kiện thì nhóm sẵn sàng tương trợ.

Đặc biệt, hơn 5 tháng qua, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, bất chấp mưa gió hay đêm khuya lạnh lẽo, ngày nào Hoài Duy cũng cùng các thành viên trong nhóm xông xáo vận động tiền, nhu yếu phẩm góp vào các bếp ăn tình thương của huyện, trực tiếp đến các chốt kiểm soát dịch bệnh, các khu cách ly, khu phong tỏa trong và ngoài huyện để phát tặng thức ăn, sữa…

Không chỉ hỗ trợ tiền, quà, hơn 10 năm qua, tiệm hớt tóc của anh còn là địa chỉ quen thuộc của những cảnh đời nghèo khó, người khuyết tật. Hoài Duy tâm niệm: “Ngày nào tôi còn cầm kéo là ngày đó tôi còn hớt tóc miễn phí cho những mảnh đời khó khăn. Đồng tiền tuy giá trị, nhưng nghĩa tình sẻ chia giữa người với người còn đáng quý hơn bội phần”.

THÙY LÂM

--------------------------------

“Anh Chàng” mê làm từ thiện

“Làm từ thiện vì đam mê” - câu nói bông đùa nhưng lại đúng với tinh thần của chàng trai sinh năm 1996 - Trịnh Anh Chàng (ngụ xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long). Anh Chàng đang làm nên một hành trình đẹp và đầy màu sắc của cuộc đời mình cho cộng đồng.

Trịnh Anh Chàng tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: H.L

Bén duyên với công tác xã hội từ khi còn ở giảng đường đại học, Anh Chàng được bạn bè gọi với cái tên thân thương là “chàng trai thường trực” trên mặt trận thiện nguyện. Sự ví von của mọi người có phần hài hước nhưng vô cùng chuẩn xác, vì hầu như chàng trai 9X này luôn có mặt trong mỗi chuyến đến thăm và tặng quà trẻ em mồ côi, người già neo đơn, những số phận không may trong cuộc sống. Đặc biệt, kể từ khi gắn bó với Câu lạc bộ Kết nối yêu thương, tinh thần “ham” làm việc thiện của Anh Chàng càng thể hiện rõ. Từ việc xông xáo trong những chuyến xe chở quà từ thiện, đến tham gia tổ chức nấu bữa cơm yêu thương hỗ trợ miễn phí cho lao động nghèo trong suốt một thời gian dài đến tận bây giờ.

Chia sẻ về việc làm của mình, Anh Chàng bày tỏ: “Tôi yêu thích công việc thiện nguyện. Với tôi, giúp đỡ những số phận kém may mắn chính là niềm vui. Điều này cũng làm cho tôi cảm thấy cuộc đời thêm nhiều ý nghĩa”.

Từ những niềm hạnh phúc không tên như vậy, Anh Chàng lại càng gắn bó với công việc này nhiều hơn. Hành trình thiện nguyện của Anh Chàng được viết tiếp khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, trong thời gian TP. Bạc Liêu áp dụng Chỉ thị 16, đều đặn ngày hai buổi sáng - chiều, Anh Chàng mang cơm cho 2 ông bà cụ (ông cụ làm nghề chạy xe ôm nuôi bà cụ bị tai biến) ở trọ gần Cầu Xáng (Phường 1, TP. Bạc Liêu). Việc làm của Anh Chàng đã được mọi người sống gần ông bà cụ hết lời khen ngợi.

Đi ngược chiều với nhiều người trẻ hiện nay chỉ thích “sống ảo” trên mạng xã hội, Anh Chàng có một tư tưởng sống rất đẹp. Mỗi việc làm của Anh Chàng như đang gieo trồng những điều tốt đẹp cho cuộc sống này ý nghĩa hơn.

GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.