Xuân Nhâm Dần 2022

Một góc nhìn về văn hóa Bạc Liêu

Thứ Ba, 25/01/2022 | 15:11

Trước tết Nhâm Dần hơn 2 tháng, có một sự kiện vô cùng đặc biệt, đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Nói vô cùng đặc biệt là vì kể từ ngày 24/11/1946, Bác Hồ chủ trương tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc rồi đến dự và phát biểu thì đến nay đã 75 năm chúng ta mới tổ chức được hội nghị toàn quốc như thế.

 Hội nghị cũng mang một sứ mệnh đặc biệt mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là “Chấn hưng văn hóa”, còn Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam thì gọi là Hội nghị Diên Hồng về văn hóa. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người trong các tầng lớp nhân dân, của nhiều ngành, nhiều giới, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, trí thức. Đã có rất nhiều tham luận của các nhà quản lý chuyên ngành, của văn nghệ sĩ đầu ngành gửi đến để cùng nhau bàn bạc, hiến kế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự rồi phát biểu chỉ đạo Hội nghị trong một tâm thế mà ông nói: “Tôi rất vui mừng và hào hứng…”. Rồi ông nói thêm: “Tôi rất ít khi dùng chữ hào hứng, nhưng lần này tôi dùng là bởi vì có lý do”. Và ông còn nói: “Các đại biểu thông cảm cho phép tôi nói dai, nói dài… bởi 75 năm mới có hội nghị toàn quốc về văn hóa…”.

Nghe bài phát biểu của Tổng Bí thư, bài tổng kết Hội nghị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cũng như các tham luận của các nhà quản lý chuyên ngành, các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ đầu ngành, người ta nhận thức được nhiều điều mới mẻ về văn hóa. Bác Hồ nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Ta có thể hiểu một cách nôm na rằng văn hóa giống như một chiếc đèn, nó soi đường cho dân tộc và cho mọi chúng ta đi trong đêm tối. Nếu như không có nó thì lối đi mù mờ rất dễ sẩy chân vào hố sâu, vực thẳm. Còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì nói: “Văn hóa làm nên bản sắc dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất…”.

Bác Hồ của chúng ta là danh nhân văn hóa thế giới, với tư cách là lãnh tụ kiệt xuất của Đảng, Người đã cùng với toàn Đảng nhận ra vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa nên từ năm 1943, khi nước nhà chưa độc lập, Đảng đã có đề cương văn hóa và đến năm 1946 thì mở Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên để đẩy mạnh phát triển văn hóa phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Từ đó tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân tạo ra nền tảng tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Từ đó, dân tộc ta đã làm nên những thành tích diệu kỳ chiến thắng hai cường quốc, giành độc lập dân tộc.

Sau năm 1975 đến nay, nhận thức về văn hóa của Đảng ta ngày càng toàn diện, hoàn chỉnh và sâu sắc hơn. Văn hóa được cho là nền tảng tinh thần và sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển; là quốc sách hàng đầu, văn hóa phải được chú trọng phát triển ngang bằng với chính trị, kinh tế. Xây dựng văn hóa là để xây dựng con người, xây dựng con người là trong trọng tâm chiến lược… Từ đó, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết... để đẩy mạnh phát triển văn hóa và thành tựu về văn hóa trong mấy mươi năm qua là vô cùng to lớn.

Thế nhưng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc cũng đánh giá rằng công tác xây dựng và phát triển văn hóa còn nhiều bất cập, tồn tại yếu kém. Hạn chế yếu kém nổi bật là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhìn nhận một cách sâu sắc, chưa được quan tâm một cách đầy đủ và tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh trong sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa đúng tầm, còn nặng về chức năng giải trí, văn hóa, văn học - nghệ thuật góp phần giáo dục con người không đạt yêu cầu. Phát triển trên lĩnh vực văn hóa chưa đồng đều, phiến diện. Nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu thực chất. Thiếu những tác phẩm văn học - nghệ thuật tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc đổi mới và phát triển đất nước. Môi trường văn hóa còn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tiêu cực, tham nhũng, sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền; nhiều di sản quý báu của dân tộc có nguy cơ bị mai một, tiêu vong. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về văn hóa còn lúng túng, trong thể chế các chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn hóa còn chậm, chưa sâu. Đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, thiếu tập trung vì thế mang lại hiệu quả thấp. Đội ngũ cán bộ văn hóa kém chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài còn thấp, chưa mạnh dạn tiếp nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực giữ gìn sự tốt đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc. Bắt chước nước ngoài không phù hợp, nhố nhăng vô văn hóa, phản văn hóa.

Những tồn tại yếu kém trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đặc biệt trong công tác lãnh đạo quản lý chúng ta chưa nhận thức một cách toàn diện sâu sắc về đường lối văn hóa của Đảng, phương thức lãnh đạo văn hóa chậm đổi mới, chưa thích ứng kịp thời công tác văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Công tác cán bộ trong lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập, chưa bồi dưỡng về kiến thức văn hóa cho đội ngũ cán bộ cả nước một trình độ văn hóa thích ứng...

Năm 2019 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhìn nhận trong báo cáo tổng kết ngành thế này: “Thực tiễn phát triển văn hóa ở Bạc Liêu đã làm phong phú sinh động thêm thực tiễn xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của cả nước”.

Bạc Liêu là tỉnh giàu truyền thống văn hóa, thế nên việc chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa được quan tâm từ nhiều chục năm, nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh. Thế nhưng giai đoạn văn hóa được xem là nguồn lực trực tiếp phải kể từ năm 2011 và nhiều năm sau đó. Hồi đó tôi làm ở Báo Bạc Liêu, rồi sang công tác ở Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh, suốt ngày vác bút đi giữa các trung tâm sự kiện. Vào đầu xuân năm 2012, trong một cuộc họp mặt nhà báo, trí thức văn nghệ sĩ, người đứng đầu tỉnh lúc bấy giờ đã thông tin rằng hướng phát triển chủ đạo của Bạc Liêu là huy động văn hóa làm sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng trực tiếp để phát triển. Kể từ đó, mặc dù chưa có chủ trương, nghị quyết bằng văn bản nhưng trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh đã huy động, thu nạp nguồn lực văn hóa rồi chuyển nguồn năng lượng ấy cho văn hóa thấm sâu trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội mà làm động lực phát triển.

Có một chuyện vui là thời kỳ đó, đi đến đâu cũng nghe cán bộ, đảng viên nói đến cụm từ “văn hóa”. Rồi họ tự tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa để thích ứng công việc, qua đó mà nhận thức về văn hóa, hiểu được vai trò vị trí văn hóa trong phát triển được nâng cao. Từ đó tạo sự đồng thuận rất cao đối với quan điểm, chủ trương này.

Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử. Ảnh: P.T.C

Văn hóa công sở hiện diện khắp nơi, đặc biệt là các cơ quan đầu não của tỉnh, đó là sự thay đổi ai cũng thấy được. Nếu trước đây mặt mày anh cán bộ trực cơ quan khó đăm đăm, được nhào nặn ra bởi căn bệnh cửa quyền,  thì nay, mặt mày anh ta vui vẻ, đon đả mời khách đến quan hệ công việc ngồi uống trà, ở một nơi rất trang trọng, với những lời lẽ lịch sự.

Trong một vài văn bản, trong các khẩu hiệu chào mừng các ngày lễ, hội nghị du lịch Đồng bằng sông Cửu Long người ta bắt đầu thấy xuất hiện những cụm từ: “Người Bạc Liêu phóng khoáng, hào hiệp, nghĩa tình, khoan dung, nhân hậu”;  “Người Bạc Liêu hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”.

Hồi ấy, văn học - nghệ thuật - bộ phận tinh túy nhất của văn hóa và cả báo chí nữa được quan tâm đúng mức. Liên hiệp hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh được cấp một trụ sở rất đẹp, có ý nghĩa lịch sử và rộng lớn, cảnh quan đẹp, phù hợp với nơi cư trú của văn nghệ sĩ. Tỉnh còn đầu tư cho một sân khấu có mái che ngoài trời để các hội, các chi hội thành viên, câu lạc bộ tổ chức Đêm thơ, Đêm tác giả tác phẩm, cũng như trưng bày ảnh nghệ thuật... Hồi đó Liên hiệp Hội mà còn dựng được một vở cải lương hoành tráng, đoạt giải Quốc gia.

Các văn nghệ sĩ gạo cội và cả những người mới trưởng thành cũng được lãnh đạo tỉnh quan tâm chăm sóc, Tết là Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia nhau đến thăm từng nhà. Rồi đầu tư kinh phí in sách cho họ.

Có thể nói, đó là những năm mà văn nghệ sĩ Bạc Liêu sáng tác rất sung sức, đoạt nhiều giải thưởng cao, nhất là nhiếp ảnh.

Hồi dân tình còn chưa nghe "tăm hơi" gì chuyện đờn ca tài tử Nam Bộ được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì đờn ca tài tử và cải lương Nam Bộ đã được tỉnh Bạc Liêu khơi dậy để phát triển, với tư cách là quê hương của chiếc nôi đờn ca tài tử và bản Dạ cổ hoài lang, đồng thời cũng để phát triển văn hóa. Chẳng những Đoàn cải lương Cao Văn Lầu được đầu tư chiều sâu mà nhiều địa phương trong tỉnh đã khôi phục và phát triển các câu lạc bộ đờn ca tài tử, các báo, đài, tạp chí dành một dung lượng rất lớn để nói về Dạ cổ hoài lang, đờn ca tài tử. Các nghệ nhân, nghệ sĩ có công sáng tạo ra “Dạ cổ hoài lang” và ba Nam, sáu Bắc - những làn điệu của đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam Bộ đã được nghiên cứu giới thiệu. Chính thời kỳ đó đã làm cho người ta hiểu nhiều hơn các danh sĩ Bạc Liêu như: Cao Văn Lầu, Nhạc Khị, Năm Nghĩa, Mộng Vân, Trịnh Thiên Thư. Cả những soạn giả cải lương tài danh như: Yên Lang, Trọng Nguyễn cũng được giới thiệu qua những đêm tác giả, tác phẩm. Tôi nhớ “lâm râm” có lãnh đạo tỉnh chủ trương cán bộ phải biết ca vọng cổ, rồi đưa đờn ca tài tử vào trường học...

Chính vì thế mà di sản này được gìn giữ và phát triển một cách tốt đẹp để bây giờ khi nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc rằng: “Nếu ta không giữ gìn phát triển di sản văn hóa là ta phản phúc tổ tiên…” thì ta tự hào về Bạc Liêu của mình.

Trong quá trình vận động phát triển, càng về những năm gần đây hàm lượng văn hóa được huy động càng nhiều, thấm sâu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Đầu tư cho văn hóa ngày một nhiều thêm, theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương IX là văn hóa ngang bằng với kinh tế, chính trị. Tôi nhớ khi Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Nghị quyết 01 về xây dựng TP. Bạc Liêu xanh - sạch - đẹp và văn minh đã đặt ra một yêu cầu tiên quyết là: Dựa vào đặc điểm văn hóa lịch sử của vùng đất mà tạo ra cho thành phố một nét riêng, trên một số lĩnh vực.

 Còn Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy Bạc Liêu về đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì nêu: Dựa vào lịch sử văn hóa của vùng đất làm nguồn lực chủ đạo.

Cả hai nghị quyết đều đặt yêu cầu huy động văn hóa cao. Khi xây dựng, phát triển thành phố và kinh tế du lịch, đồng thời vừa khai thác vừa xây dựng phát triển văn hóa. Từ đó mà chúng ta thấy những công trình văn hóa tiêu biểu của Bạc Liêu mọc lên, đó là: Quảng trường Hùng Vương, Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Tượng đài chiến thắng, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Đài tưởng niệm liệt sĩ Mậu Thân năm 1968, biểu tượng văn hóa của tỉnh (cây đờn kìm). Ngoài ra, Bạc Liêu còn xây dựng khang trang bề thế Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, Khu căn cứ Tỉnh ủy Cái Chanh…

Bên cạnh đó, còn nhiều thành tựu văn hóa khác như văn hóa công sở, văn hóa giao tiếp, văn hóa Đảng mà Bạc Liêu triển khai mạnh mẽ trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển văn hóa.

Ngắm nhìn các công trình văn hóa mới mọc lên người ta thấy không gian Bạc Liêu thêm đẹp và người ta nhận ra tâm hồn Bạc Liêu.

Festival Đờn ca tài tử Nam Bộ quốc gia Bạc Liêu 2014, tôi được Tỉnh ủy phân công tiếp đón mấy anh nhà báo ngoài tỉnh. Nhiều nhà báo và cả văn nghệ sĩ nữa nói rằng: “Bạc Liêu là vùng đất văn hóa”.Tôi nghe và tôi tự hào. Văn hóa là một mỹ từ, việc dùng mỹ từ ấy dành tặng cho một vùng đất là công nhận phẩm hạnh tốt đẹp cho quê hương chúng ta rồi. Cũng tại Festival 2014, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Huỳnh Vĩnh Ái nói rằng: “Bạc Liêu là một thực tiễn sinh động trong phát triển văn hóa”.

Tôi kết thúc bài viết này khi mùa xuân Nhâm Dần đang lấp ló ngoài cửa. Tết là dịp văn hóa dân tộc phơi bày vẻ đẹp của nó và người ta hay nói đến lễ nghĩa văn hóa. Thế nên, đó cũng là một cái lý để ta bàn về văn hóa. Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa diễn ra đặt ra yêu cầu cao hơn trong đẩy mạnh phát triển văn hóa, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Với tư cách là người Bạc Liêu, trước mùa xuân này, trước hội nghị này tôi bắt gặp một niềm vui, đó là với thành tựu, đẩy mạnh phát triển văn hóa trong một thập kỷ gần đây Bạc Liêu có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm để thực hiện Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng trong lĩnh vực văn hóa.

Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.