Xuân Nhâm Dần 2022

Giáo dục trực tuyến và chuyện của một thế hệ số

Thứ Tư, 26/01/2022 | 15:18

Bỏ qua những hạn chế, tiêu cực của việc học trực tuyến, chúng ta sẽ nhìn thấy tương lai rộng mở về một thế hệ dẫn đầu “trào lưu số” của thế giới. Thế hệ ấy sẽ dễ dàng hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay thậm chí là 5.0 sau này và xem đó là một phần tất yếu của cuộc sống, là trách nhiệm không thể đứng ngoài cuộc của những công dân số - công dân toàn cầu trong tương lai.

Trần Võ Ngọc Nhất (học sinh lớp 9D, Trường THPT Gành Hào, huyện Đông Hải) học trực tuyến bằng điện thoại cũ. Ảnh: Đ.K.C

Phác thảo chung về thế hệ số

Tờ mờ sáng, nghe ba mẹ cọc cạch mở cửa để đi làm, Trần Võ Ngọc Nhất (học sinh lớp 9D, Trường THPT Gành Hào, huyện Đông Hải) cũng vội vàng bật dậy để hoàn tất công việc nhà, nấu cơm sáng cho gia đình, hối thúc hai em nhỏ dậy ngồi vào bàn học. Việc đâu vào đấy, Nhất cũng bắt đầu mở điện thoại, kết nối mạng để đăng nhập vào lớp học. Có tín hiệu giáo viên mời Nhất phát biểu nhưng bật mãi mic-rô vẫn không thể phát đi âm thanh. Nhanh trí, em bật phần “chat” để trả lời câu hỏi của giáo viên và giải thích lý do về sự cố từ chiếc điện thoại cũ được mua qua tay.

Những sự cố “như cơm bữa” ấy không làm Nhất nản lòng, mà ngược lại còn giúp em phát hiện thêm nhiều tính năng mới của phần mềm hỗ trợ học trực tuyến. Nhất cười đầy lạc quan: “Chút sự cố nhỏ đó có hề chi khi em vẫn có thể vào lớp học, vẫn được nghe thầy cô giảng bài, tương tác cùng các bạn và xa hơn nữa là vẫn còn cơ hội để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình…”.

Cách đó 60km, trong một gia đình có điều kiện tốt hơn, bé Nguyễn Đăng Khoa (lớp 5/3, Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm, TP. Bạc Liêu) cũng bắt đầu thức dậy, mở máy vi tính và linh hoạt thao tác để vào lớp học. Chương trình học hôm nay của Khoa có vẻ nặng hơn khi ngoài việc học chính khóa buổi sáng, Khoa còn học thêm Toán, Tiếng Anh vào buổi chiều và tối. Dù lịch học tương đối dày, nhưng Khoa luôn hào hứng đón nhận và xem đó là một phần tất yếu trong cuộc sống hàng ngày. Ba mẹ Khoa cũng cảm nhận rõ rệt sự tiến bộ của con, nhất là khả năng thích ứng, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, cũng như các phần mềm, tính năng hỗ trợ học trực tuyến…

Đó là những phác thảo chung nhất về một thế hệ số với đầy đủ những đặc tính chung và riêng. Các em có thể là học sinh ở nông thôn với điều kiện kinh tế khó khăn, chật vật lắm mới có thể mua được chiếc điện thoại qua tay hỗ trợ học trực tuyến; hay học sinh ở thành thị với điều kiện kinh tế khá giả, được cha mẹ đầu tư cho những dòng máy tính, laptop hiện đại. Cách tiếp cận công nghệ của các em cũng khác nhau, có em chỉ mới chập chững, tập tành làm quen nhờ học trực tuyến; cũng có em từ nhỏ đã được tiếp cận, nay lại có thêm cơ hội để sử dụng công nghệ một cách thuần thục… Nhưng tựu trung lại, đây là một thế hệ mang đến nhiều kỳ vọng trong việc làm quen, nhanh chóng tiếp cận để hòa nhịp và thích ứng nhanh với công nghệ số.

Nếu như phụ huynh cảm thấy khó khăn với việc dạy - học trực tuyến thì các em lại nhanh chóng hòa nhập, cảm thấy chuyện học hành, thi cử trực tuyến trở nên rất đỗi bình thường, thậm chí có phần thú vị hơn cả việc học, thi trực tiếp. Bỏ qua những tác động tiêu cực từ việc dạy và học trực tuyến, việc làm quen với công nghệ từ nhỏ sẽ là nền tảng tốt để các em thích ứng với hoàn cảnh mới, thích ứng với công nghệ số và sẵn sàng hành trang để trở thành những thế hệ tiếp nhận sự phát triển khoa học - công nghệ của Việt Nam một cách bình tĩnh, bài bản nhất.

Trường THPT Gành Hào (huyện Đông Hải) hỗ trợ điện thoại thông minh cho học sinh khó khăn để học trực tuyến. Ảnh: Đ.K.C

... Và bước chuyển mình của giáo dục

Khi chân dung về một thế hệ số ngày càng rõ nét thì cũng là lúc ngành Giáo dục phải linh hoạt chuyển mình, không ngừng vận động để thích ứng nhanh với xu thế mới.

Hãy thử liên tưởng về hình ảnh thế hệ thầy đồ “gõ đầu trẻ” đến những ông giáo, bà giáo trường làng thập niên 80 của thế kỷ trước nắn nót rèn con chữ cho từng học trò thì nay tất cả những điều ấy đã được thay thế bằng việc giáo viên làm chủ khoa học - công nghệ, hướng dẫn học sinh sử dụng thành thạo các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ học, thi trực tuyến… Bức tranh thu nhỏ về giáo dục qua các thời kỳ đã cho thấy bước tiến rõ rệt để nền giáo dục truyền thống dần chuyển mình sang giáo dục số, tạo ra không gian mở để người học có thể học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng mọi lúc, mọi nơi. Nền tảng giáo dục mở ấy còn giúp thế hệ số tiếp cận thông tin đa chiều, rút ngắn khoảng cách, thu hẹp mọi không gian và mang đến nguồn tài liệu mở vô tận… qua kết nối Internet chỉ sau một cú nhấp chuột. Trong khi đó với giáo dục truyền thống, người học lại tiếp nhận kiến thức chủ yếu qua sách vở, giáo trình, hoặc bị bó hẹp cùng giáo viên trong không gian lớp học…

Bà Donna McGowan - Đại diện Hội đồng Anh tại Việt Nam nhận định: “Trước bối cảnh toàn cầu cùng những gián đoạn học tập do dịch COVID-19 gây nên, chuyển đổi số là một thay đổi tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thế hệ trẻ tương lai, giúp họ trang bị kiến thức và kỹ năng chuyển đổi cần thiết để chuẩn bị cho một thế giới việc làm nhiều biến đổi”. Trong bối cảnh ấy, giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang xây dựng khung năng lực số cho học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông, trong đó không chỉ dừng lại ở những kỹ năng sử dụng kiến thức công nghệ, mà hướng đến phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường công nghệ nhiều biến đổi.

Để tạo ra nền giáo dục làm đòn bẩy cho một thế hệ số thì ngành Giáo dục càng phải có những bước tiến dài hơn, khắc phục những tiêu cực, bỏ qua những nghi ngờ của dư luận về những mặt trái của việc dạy - học trực tuyến và mạnh dạn hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ số bởi đó là xu hướng tất yếu của thế giới, chúng ta không thể nào đứng ngoài cuộc. Đại dịch COVID-19 được ví như là một phép thử, là thách thức trong vô vàn thách thức đặt ra cho thế giới sau này, buộc thế hệ số phải đối mặt và linh hoạt thích ứng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Nguyễn Kim Sơn từng cho rằng: “Quá trình chuyển đổi số trong giáo dục chỉ thật sự khởi sắc khi chúng ta thấy hết tiện ích, lợi thế của chuyển đổi số. Đó là quản trị tốt hơn, người dạy thuận tiện hơn, việc học chất lượng hơn. Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy và học mà phạm vi rộng lớn hơn, ở đó tất cả hoạt động, quan hệ, thao tác sẽ được đặt trong nền tảng số để vận hành tốt hơn, tạo ra nhiều cơ hội học tập chất lượng hơn”.

Quả vậy, chuyển đổi số trong giáo dục không phải là công việc dễ thực hiện trong một sớm một chiều. Nhưng nếu chúng ta biết tận dụng thời cơ, bắt đầu làm ngay và làm thường xuyên thì đó sẽ là cú hích quan trọng làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi phương thức của cả người dạy và người học, hướng đến giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành Giáo dục thời gian qua. Và khát vọng về một thế hệ “công dân số” - công dân toàn cầu đang dần được ngành Giáo dục hiện thực hóa.

KIM TRÚC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.