Xuân Nhâm Dần 2022

Điện gió: Công trình của khát vọng và kỳ tích

Thứ Tư, 26/01/2022 | 16:54

Trong cái nắng ấm của những ngày xuân, sừng sững giữa trời xanh mênh mông là những cánh quạt to đùng đang nô đùa với gió. Khu đất bãi bồi ven biển vốn quanh năm đối mặt với nghèo khó, túng quẫn nay bỗng mọc lên những công trình ngàn tỷ. Rồi những vuông tôm, đồng vàng còn thơm mùi lúa mới cũng đan xen dưới những công trình điện gió trên bờ. Bức tranh sinh động đầy màu sắc ấy được vẽ lên từ những công trình của ý chí, khát vọng và niềm tin.

Toàn cảnh Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1.

QUYẾT TÂM TẠO NÊN KỲ TÍCH

Đến với Bạc Liêu hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay đến lạ kỳ và ấn tượng từ những công trình năng lượng xanh. Khi mới triển khai xây dựng các công trình điện gió, nhiều nhà quản lý và các chuyên gia nước ngoài dự báo: Để hoàn thành các dự án điện gió này, Bạc Liêu phải mất thời gian từ 2 - 3 năm do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nhất là các dự án ngoài khơi luôn phải đối mặt với sóng to, gió lớn và thời tiết diễn biến phức tạp.

Vậy mà, cả 3 dự án điện gió ngoài khơi và cả trên bờ đều hoàn thành vượt thời gian và đóng điện vận hành thương mại vào cuối tháng 10/2021. Người ta gọi đó là “kỳ tích” vì chưa từng xảy ra ở các dự án năng lượng đã triển khai lâu nay.

Điển hình như Dự án Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu (giai đoạn 1) do Công ty Cổ phần Điện gió Kosy Bạc Liêu - thành viên của Tập đoàn Kosy làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư trên 1.600 tỷ đồng được khởi công từ tháng 10/2020. Ông Dương Thành Trung - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, người trực tiếp theo dõi dự án từ khi bắt đầu, còn ngạc nhiên: “Để hoàn thành dự án này,  thường phải mất từ 2 - 3 năm, nhưng trong vòng một năm Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu đã xây dựng hoàn thành và đưa vào đóng điện thật sự là một kỳ tích”.

Cùng tạo nên kỳ tích ấy còn có Dự án Điện gió Đông Hải 1 do Công ty Cổ phần Bắc Phương đầu tư, được chia làm 2 giai đoạn, có tổng công suất là 100MW với tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng. Giai đoạn 1 được khởi công vào quý 2/2019, giai đoạn 2 vào quý 3/2020, nhưng đến ngày 30/8/2021 đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 340 triệu kWh và đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 100 tỷ đồng/năm. Tạo nên kỳ tích này còn phải kể đến Công ty Cổ phần Năng lượng Hacom Bạc Liêu với Dự án Điện gió Hòa Bình 5 - giai đoạn 1 có công suất 80MW và có tổng mức đầu tư 3.700 tỷ đồng. Đây là dự án điện gió gần bờ có công suất lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn cảnh Dự án Điện gió Đông Hải 1.

NĂNG ĐỘNG VÀ QUYẾT ĐOÁN

Khi triển khai xây dựng các dự án điện gió trên bờ, nhiều người cho rằng sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn so với các dự án được triển khai xây dựng ngoài khơi. Tuy nhiên, trên thực tế đối với các dự án điện gió trên bờ lại gặp nhiều khó khăn và phát sinh hàng loạt các vấn đề ngoài dự kiến. Ngoài nền đất yếu phải thi công thử nghiệm nhiều lần làm tăng chi phí đầu tư, bị ảnh hưởng của công tác giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ, các dự án điện gió trên bờ còn gặp khó về giao thông. Bởi hạ tầng giao thông của tỉnh không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng vào đến chân công trình. Giải pháp duy nhất là phải vận chuyển các thiết bị bằng đường biển, nhưng để đưa các thiết bị này vào đất liền thì hệ thống giao thông thủy phải thông và đủ lớn để các sà lan có tải trọng hàng ngàn tấn di chuyển được. Trong khi đó, phần lớn các con kênh thủy lợi trên địa bàn tỉnh kết nối với biển chủ yếu là kênh nhỏ, chỉ phục vụ cho việc lấy nước nuôi tôm. Giải quyết bài toán khó này, các nhà đầu tư quyết định làm một “cuộc cách mạng” trong thủy lợi bằng việc tổ chức nạo vét, khơi luồng và mở rộng các kênh nội đồng thành các con kênh lớn để sà lan có thể vận chuyển thiết bị vào. Cũng như xây dựng các bãi tập kết cho các thiết bị to đùng siêu trọng này. Ông Đoàn Xuân Thủy - Chánh Văn phòng Công ty Cổ phần đầu tư Hacom, cho biết: “Theo dự kiến ban đầu, để khơi thông luồng lạch nhằm đưa các trụ tua-bin và cánh quạt vào công trình phải mất hơn 6 tháng. Thế nhưng, tập thể Công ty Cổ phần đầu tư Hacom đã quyết tâm hoàn thành vượt tiến độ nên đã huy động tổng lực với sự tham gia của các nhà thầu và việc khơi thông luồng lạch chỉ diễn ra trong vòng 40 ngày. Đây thật sự là điều bất ngờ và chúng tôi xem đó là kỳ tích trong xây dựng các công trình”.

Với việc hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại của các nhà máy điện gió đã phản ánh sinh động quyết tâm, khát vọng không ngừng của các nhà đầu tư trong điều kiện phải ứng phó với đại dịch COVID-19, công trình đôi lúc phải tạm dừng tiến độ vì thiếu chuyên gia, lao động. Đây còn là kết quả của sự năng động, sáng tạo và quyết liệt chạy đua với khoảng “thời gian vàng” để được hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ trước ngày 31/10/2021. Đồng thời, việc hoàn thành các dự án này còn đóng góp quan trọng và mang tính quyết định giúp Bạc Liêu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, đứng vào tốp đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong điều kiện phải ứng phó với đại dịch COVID-19.

Tập đoàn Kosy và các nhà thầu tổ chức vận hành thương mại Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1. Ảnh: Nguyễn Hoàng - Hữu Thọ

Phát huy kết quả này, các chủ đầu tư sẽ tiếp tục triển khai các dự án cho giai đoạn 2, giai đoạn 3 trong năm 2022 và sẽ góp phần cùng với tỉnh thực hiện mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia (cụ thể, Tập đoàn Kosy sẽ triển khai Dự án Điện gió ngoài khơi Bạc Liêu với công suất 1.000MW, hay Công ty Cổ phần Năng lượng Hacom triển khai Dự án Điện gió Hòa Bình 5 ngoài khơi với công suất 72MW). Đặc biệt trong năm 2022 này, Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD sẽ được đẩy nhanh tiến độ và đưa vào vận hành tổ máy đầu tiên vào năm 2024, hướng đến hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2027 và hứa hẹn đóng hơn 3.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách.

Rong ruổi khu vực ven biển Bạc Liêu trong những ngày xuân, ai cũng cảm thấy tự hào và niềm vui cứ nhân lên khôn tả khi 56km bờ biển này trong tương lai gần sẽ mọc lên nhiều công trình năng lượng xanh và tương lai “xanh hóa” cho một Bạc Liêu tăng tốc, bứt phá sẽ không xa!

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.