Xuân Nhâm Dần 2022

Để niềm vui​ được trọn vẹn

Thứ Ba, 25/01/2022 | 15:09

Trên nhiều sân khấu lớn ở trong và ngoài nước, bản “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) của nhạc sĩ Cao Văn Lầu vẫn chiếm chỗ đứng trang trọng. Những vở cải lương kinh điển của soạn giả Yên Lang, hay những bài ca vọng cổ của soạn giả Trọng Nguyễn vẫn còn chiếm ngự trái tim người đam mê nghệ thuật. Ðó là lẽ đương nhiên, bởi các bậc tài hoa đã sinh ra những “đứa con tinh thần” xứng đáng!

“Các nghệ sĩ sáng tác lớn như nhạc sĩ Cao Văn Lầu - cha đẻ của bản DCHL, tiền thân của bài ca vọng cổ ngày nay; soạn giả Yên Lang, soạn giả Trọng Nguyễn, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển… với những tác phẩm làm say đắm lòng người, sống mãi với thời gian” - những cái tên đã quá quen thuộc với giới mộ điệu, lần đầu tiên được nhắc đến trên bàn nghị sự nơi nghị trường vốn để bàn bạc chuyện vĩ mô! Mà thật ra thì họ cũng đang được nhắc đến cho một chủ trương tầm quốc gia với “sứ mệnh” của những bậc tiền bối tiêu biểu…

Sống mãi với thời gian

 Những vở cải lương kinh điển của soạn giả Yên Lang như “Đêm lạnh chùa hoang”, “Máu nhuộm sân chùa”, “Mùa thu trên Bạch Mã Sơn”… người mê cải lương nhiều thế hệ có thể mê đến độ nhớ cả tiếng vó ngựa, tiếng vọng của chuông chùa trong tuồng nào, ở đoạn nào. Nên, đừng ngạc nhiên khi tuổi của vở đã “già” hơn đời người mà khán giả vẫn thuộc làu lời ca…

Soạn giả Trọng Nguyễn, người chiến sĩ - nghệ sĩ đã để lại cho đời gần 200 bản vọng cổ, hơn 20 vở cải lương: “Bóng biển”, “Giọt máu oan cừu” hay “Ơn Đảng”, “Bạc Liêu ngày ấy”, “Quê anh quê em”, “Chợ Mới”, và đặc biệt là “Giọt sữa cuối cùng” hát về người mẹ đối mặt với kẻ thù vẫn hiên ngang đến hơi thở sau cùng… Những bài ca làm rực rỡ quê hương thì tên tuổi soạn giả cũng sống mãi trong lòng người hâm mộ. Những năm tháng cuối đời ông, bên góc quán cóc ông thường ghé ăn sáng, ngay trước Tòa soạn Báo Bạc Liêu, tôi có dịp chuyện trò với người mình ngưỡng mộ! Cách nói chuyện hồn hậu, chất phác như lời ca ông viết vậy. “Ở đâu chú cũng viết được, viết thần tốc à nghen, từ bờ đìa, mé ruộng, gốc chuối, dưới xuồng ghe… miễn có chuyện, có “sự tích” là viết được, ví như nhìn cô gái ngồi bờ sông giặt áo mà có bản vọng cổ Chợ Mới đó”… Dễ rung cảm, viết nhanh, giản dị mà sâu lắng, là soạn giả Trọng Nguyễn!

Với bản DCHL, nhạc sĩ Cao Văn Lầu được hậu thế tôn vinh là ngôi sao sáng của cổ nhạc Việt Nam. DCHL nhịp đôi phát triển thành bản vọng cổ - “bài ca vua” của sân khấu cải lương. DCHL độc đáo từ cổ nhạc sang tân nhạc khi được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển phục hiện qua thanh nhạc Tây phương. Từ cổ (xưa) đến kim (nay), từ cổ (cổ nhạc) đến tân (tân nhạc), ở đâu, thời điểm nào DCHL cũng được đón nhận nồng nhiệt. Các tiền nhân đã chắp cánh cho hậu bối thành danh, trở thành nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT)… Sau nhạc sĩ Cao Văn Lầu là Lư Hòa Nghĩa - người khai sinh bản vọng cổ nhịp 8, Mộng Vân - người sáng tác kịch bản cải lương nhiều nhất Việt Nam, rồi còn Năm Hưng, Bảy Cao, Lý Khi, Hai Thơm, sau nữa có Hữu Nghĩa, Trọng Nguyễn, Yên Lang…

NSƯT Mỹ Hạnh và NSƯT Giang Tuấn trong vở “Đêm lạnh chùa hoang” của soạn giả Yên Lang do Nhà hát Cao Văn Lầu biểu diễn. Ảnh: C.T

Tôn vinh người sáng tác trên bàn nghị sự

NSND Bạch Tuyết từng nhận định: “Dù biết rằng mảnh đất phù sa Nam Bộ đã nuôi dòng chảy ca kịch cải lương…, thế mà tôi cứ choáng ngợp bởi sự trù phú của những tài năng âm nhạc nơi miền đất hãy còn thắt ngặt, chật vật này. Những nghệ danh nghe mộc mạc, chân chất như Hai Khị, Sáu Lầu, Ba Chột… lại là những bậc danh họa kỳ tài xuất chúng, phác họa thành bức tranh âm nhạc tài tử - cải lương sinh động… Điều này đã phần nào khẳng định được giá trị của một nền văn hóa đậm chất văn hóa dân gian được hội tụ và vun bồi tại đất Bạc Liêu”.

Sự hội tụ và vun bồi đó mới đây đã được nhắc lại ở một phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2021. Đóng góp cho Dự thảo Luật Thi đua - khen thưởng (sửa đổi), các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã kiến nghị bổ sung xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ sáng tác có đủ điều kiện. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, cho rằng: “Thời gian qua đã có một số nghệ sĩ được tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Đó là những nghệ sĩ biểu diễn, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật của nước nhà. Tuy nhiên, khi được tặng những danh hiệu cao quý này của Nhà nước, một số nghệ sĩ cảm thấy rất áy náy, niềm vui không trọn vẹn. Đó là vì sao các bậc thầy của mình, các nghệ sĩ sáng tác lớn như nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của bản DCHL, tiền thân của bài ca vọng cổ, bài ca vua của sân khấu cải lương; soạn giả Yên Lang, soạn giả Trọng Nguyễn, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển… với những tác phẩm làm say đắm lòng người, sống mãi với thời gian lại không nằm trong đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT? Trong khi những vở cải lương, bản vọng cổ, bản nhạc do các thầy soạn ra, các học trò của ông biểu diễn đã đoạt nhiều huy chương - điều kiện quan trọng làm cơ sở để được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT”.

Quả thật, đã đến lúc định hình lại sự tôn vinh, bởi những danh nhân đất Bạc Liêu, từ Cao Văn Lầu đến soạn giả Yên Lang, Trọng Nguyễn... cũng như các soạn giả sau này không chỉ có công mở đường, đưa loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc bước lên những tầm cao mà còn dẫn lối cho bao thế hệ đã được trao những danh hiệu cao quý. Cái tầm của họ không cần đợi đến khi được gọi là NSƯT, NSND thì mới được nhìn nhận bởi họ vốn đã có vị trí quan trọng trong lòng người mộ điệu, nhưng việc trao những danh hiệu xứng đáng vẫn cần phải làm. Bởi đó là tôn vinh người tài, là sự trân trọng với cội nguồn của dòng chảy cải lương Nam Bộ cũng như trách nhiệm với nghệ thuật đờn ca tài tử mà Bạc Liêu đã đóng góp và làm rạng danh bấy lâu nay.

THÚY ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.