Xuân Nhâm Dần 2022

Cưới vợ ăn tết

Thứ Hai, 24/01/2022 | 14:23

Hồi tôi còn trẻ, ở dưới quê, hay nghe nông dân nói “câu cửa miệng”: “Cưới vợ ăn Tết”. Thực tế lúc đó đám cưới thường diễn ra tháng 11 đến tháng Chạp âm lịch, đám xong, dọn dẹp, thu xếp ổn là tết nhất gần kề. Hai tháng này dưới quê, gọi là mùa cưới, cưới “đông ken”, làng quê cứ chộn rộn, vui như mở hội. Ðây không chỉ là nếp sinh hoạt ở quê tôi mà cả Bạc Liêu và miệt Hậu Giang xưa.

Sẽ có người đặt câu hỏi rằng “vì sao phải đặt mùa cưới trong 2 tháng này?”. Tôi xin trả lời ngay, nếp sinh hoạt này được hình thành bởi yếu tố mùa vụ và thời tiết.

Ngày xưa, từ thời khai hoang lập nghiệp, ông bà ta cấy những giống lúa mùa muộn, thời điểm thu hoạch, lúa chín rộ là vào tháng 11 đến tháng Chạp âm lịch. Đối với nhiều gia đình làm nghề tát đìa, thì đây cũng là thời gian dứt mưa, cá rút về đìa, nông dân bước vào thu hoạch cá… Tóm lại, đây là thời gian thu hoạch mùa màng mà nông dân gọi là mùa no ấm hay mùa vui. Nhà nhà tiền bạc rủng rỉnh trong túi, có điều kiện để cưới vợ cho con.

Còn một yếu tố nữa, lúc này thời tiết khô hạn, đồng khô, đường khô. Hồi đó sân nhà, đường làng đều bằng nền đất, mưa xuống là sình bùn nhão nhoẹt, người ta chọn thời điểm khô ráo để đám cưới diễn ra cho sạch đẹp. Hơn nữa sắp Tết rồi, cưới vợ về, nắm tay bước vào mùa xuân thì thật là ý nhị.

Đám cưới chế Hai tôi diễn ra vào tháng Chạp năm 1968. Hồi đó chiến tranh đầy trời. Gia đình tôi vừa lo chạy trốn cái chết vừa lo kiếm miếng ăn nên khó khăn lắm. Nhà không có một cái bàn tiếp khách, một bộ ngựa cho khách ngủ. Thế nên gần ngày đám cưới chế Hai, ba má tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Nhưng rồi cũng đâu vào đó. Trước đám cưới 2 ngày, cô ruột tôi qua nhà cùng với đám con cháu của bà. Sau đó ông anh cô cậu ruột tôi cũng từ Xóm Lá kéo qua cả bầu đàn thê tử. Cô tôi là người chỉ huy, bà là người ở ngoài nên nhìn đâu cũng sáng. Bà cho dọn hết cỏ rác, lùm bụi quanh nhà, dọn luôn cả bến sông rồi bắc một cây cầu để đàng trai qua rước dâu khỏi phải lội sình bùn. Trong nhà thì bà cho lau chùi hết giường tủ, đặc biệt là trang hoàng thật đẹp cái bàn thờ ông bà nội tôi. Đến ngày hôm sau thì chòm xóm, sui gia, ní nót kéo đến cả vợ lẫn chồng, có người còn đưa cả con trai, con gái sang giúp. Lạ lắm, họ phân công giao việc một cách bài bản chẳng cần gia chủ yêu cầu. Người thì khiêng máy tát đìa, kẻ thì bắt cá, rộng cá…, mấy chị phụ nữ thì lựa cá, làm cá để nấu bún mắm cho những người phụ giúp ăn buổi sáng, nấu canh chua, kho cá ăn buổi chiều và chọn ra những con cá lóc to để nấu cháo dừa đãi khách đêm nhóm họ.

Anh Ba Lác, anh chú bác ruột của tôi là người chỉ huy con cháu và trai tráng trong làng đến giúp một công việc rất quan trọng là mượn bàn ghế và che rạp. Cái rạp làm bằng lá dừa nước che kín khoảng sân rộng trước nhà và họ dùng lá dừa non, trái dừa nước kết thành vòng nguyệt, tương tự như ngày nay người ta kết hoa đám cưới.

Đám cưới ở miền quê. Ảnh minh họa: T.L

Hồi đó không có dịch vụ cho mướn bàn ghế như bây giờ nên anh Ba tôi phải huy động mượn bàn ghế trong cả xóm mang về để kê trước rạp sao cho đủ đãi mấy chục mâm cỗ. Anh Ba còn cho mượn mấy bộ ngựa gõ để lót cho các cụ già ngủ đêm nhóm họ, lót cho mấy bà nấu cỗ ngồi xắt thịt, nướng bánh, bắc mâm và rảnh thì ngồi đánh bài tứ sắc hay nằm nói chuyện thời con gái. Khu nhà bếp còn được che rạp mát mẻ, lại dựng thêm cái sàn để úp chén… Chỉ sau hơn một ngày, dưới sự chỉ huy của cô tôi và anh Ba, khu nhà tuềnh toàng, nhếch nhác của chúng tôi bỗng nhiên tươm tất và rất tiện nghi, sẵn sàng cho việc tiến hành một đại lễ.

Cũng trước đám cưới 2 ngày, mấy chị là con cô Hai, cô Ba, cô Tư từ xóm Công Điền, Ông Tấn, Thào Lạng qua phối hợp cùng với mấy chị bạn của chế Hai tôi trong xóm làm thành đội quân phục vụ đám cưới. Họ nhảy xổm vào công việc của gia đình chẳng cần sai bảo, giống như chuyện từ khai thiên lập địa đến giờ phải thế. Trong nhóm, chị Út Dứt, con cô Ba tôi là chỉ huy. Lúc đó chị đã hơn 40 tuổi, cùng với hai đứa con khoảng mười chín đôi mươi của mình qua "dùm" đám cưới để tiễn đứa em của mình về nhà chồng. Hai đứa con chị thì sung vào đội quân bưng mâm, còn chị thì chịu trách nhiệm làm bánh phục vụ đãi khách. Chiếc bánh chị làm rất khéo và ngon, màu vàng óng, giòn tan, ăn vào béo ngọt thanh tao đầu lưỡi. Mấy cô gái trẻ nhìn chị Út làm bánh mà bái phục rồi hỏi chị học làm bánh ở trường nữ công gia chánh nào. Chị cười và nói rằng: “Dì học mẹ và bà ngoại chứ có học trường nào đâu”. Nông dân Bạc Liêu và cả miệt Hậu Giang này là thế, với nếp sống “tự sản tự tiêu”, “tự cung tự cấp” hình thành từ thời khẩn hoang, người ta có cách dạy dỗ để cho ra đời những lớp phụ nữ đảm đang và khéo léo. Chưa đầy 10 tuổi, các bé gái đã theo mẹ, theo bà đi nhà hàng xóm giúp làm bánh vần đổi công trong các dịp lễ lộc, tết nhất, đến khi lớn lên các em hiển nhiên trở thành cô thợ làm bánh khéo tay.

Tôi nhớ đêm đó trăng sáng lắm, bà con láng giềng cứ băng đồng lũ lượt kéo đến nhà tôi dự nhóm họ đến chật rạp. Lại có mấy anh mang đàn đến để hát làm cho đám cưới thêm phần vui tươi. Người ta ăn nhậu, hát ca sinh khí rần rật, vui đến nức lòng. Cứ tưởng trên đời chỉ có lễ nghĩa ân tình mà chẳng có chiến tranh.

Đến 12 giờ đêm khách khứa thưa dần, chỉ còn lại dòng tộc thì đến phần lễ lạy xuất giá. Anh Tư Thanh, là con rể của cô ruột tôi lãnh phần điều hành buổi lễ. Dĩ nhiên là anh không chuyên nghiệp nhưng anh rành rẽ bởi đã dựng vợ gả chồng cho 3 - 4 đứa con. Nhà tôi nghèo rớt mồng tơi nhưng nhờ sự chăm chút, trang hoàng tỉ mỉ của cô tôi nên cái bàn thờ gia tiên giữa nhà đêm ấy rất đẹp, làm trang trọng thêm buổi lễ. Ba má tôi và những người lớn tuổi có vai vế to ngồi ở bàn giữa, tốp nhỏ hơn thì ngồi ở hai bên bộ ngựa. Anh Tư đốt nhang, rót rượu, châm trà trên bàn thờ để cúng tổ tiên và gọi chế Hai tôi ra. Chế Hai tôi khi ấy mới 17 tuổi, mặc chiếc áo dài màu hồng - chiếc áo lần đầu tiên trong đời chế được mặc. Chế đẹp mà buồn, khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Anh Tư Thanh bảo chế đến lạy ông bà quá cố bốn lạy để trả nghĩa gia tiên. Tôi không biết chế khấn vái điều gì nhưng vẻ mặt của chế rất thiết tha, thành kính, hẳn đó là lời tự sự thầm kín của một con chim mới ra ràng từ giã tổ tiên để về với một gia đình khác.

Theo sự điều khiển của anh Tư Thanh, chế Hai tôi bưng hai ly rượu đến mời ba má tôi để trả nghĩa cha mẹ. Má tôi khóc thật nhiều, ba tôi cũng rươm rướm nước mắt. Tôi biết đó là những giọt nước mắt vừa mừng vừa thương. Mừng là hôm nay con có đôi có bạn, thương là con còn nhỏ dại nay nó phải đi xa, về với một gia đình khác, cực khổ bệnh đau thiếu vòng tay của cha mẹ.

Đám cưới chế Hai tôi, tính ra đến năm Nhâm Dần - 2022 là đúng 44 năm. Bốn mươi bốn năm ấy tôi đã rời khỏi làng quê của mình mà đi khắp chân trời góc bể, bụi trần ai đã gội trắng mái đầu. Nhưng lạ lùng thay trong góc lòng sâu thẳm của tôi, bụi thời gian lại không thể gội sạch, xóa nhòa những ký ức về làng quê thời tấm mẳn. Mỗi lần định thần ngồi nhớ lại cứ thấy dậy lên một nỗi buồn man mác gợi thương gợi nhớ. Làm sao mà không nhớ nhung cho được bởi làng quê chất chứa những ký ức đau thương, những điều mà đến khi đầu bạc mình mới bất chợt nhận ra nó.

Anh Tư Thanh thì “chữ nghĩa không đầy lá mít” vậy mà điều hành buổi lễ lạy xuất giá cho chế Hai tôi một cách lớp lang bài bản hẳn hoi, để chế theo chồng chất chứa ân tình nhân nghĩa. Chị Út Dứt, một cô gái quê, chân lấm tay bùn lại sáng rỡ như một bà thợ làm bánh, cái nghề mà ông bà, cha mẹ và làng quê này đã dạy dỗ chị. Còn cô Tư của tôi, rồi anh Ba Lác nữa, họ kéo bầu đàn thê tử qua rồi làm tất tần tật những công việc của đám cưới. Rồi bà con chòm xóm, họ đến tát đìa, che rạp, gánh nước ngọt về dùng…, không có họ sẽ không thể tổ chức được một cái đám cưới có quá nhiều công việc.

Ngày xưa, người ta đến giúp nhau sao mà hồn nhiên đến vậy. Ai cũng nghĩ thật đơn giản, chuyện phải thế, ngàn năm vẫn thế. Nhưng hóa ra nó không đơn giản chút nào, người ta đến với nhau bằng tư cách ấy là trao cho nhau một ân tình, gieo vào cuộc đời một ân nghĩa. Những thứ ấy giúp xua đi những tị hiềm, giúp cho con người gần lại nhau hơn.

Ôi cái ngày xưa ấy, mỗi lần nhớ về nó là thấy ngậm ngùi. Trong lúc chiến tranh máu lệ đầy trời, nghèo đến không có cái bàn để ngồi ăn cơm thì người ta vẫn sống có lễ nghĩa, giữ được phẩm giá con người. Người ta sống được là nhờ sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đó là nếp sống của làng quê, lối sống của nông dân. Nó hình thành qua mấy trăm năm trên đất mới và ổn định như một bức tường thành.

Nông thôn, nơi đó là cội nguồn của nhiều người. Hãy về lại quê mình mà xem, trời vẫn xanh ngăn ngắt, đồng vẫn trải rộng mênh mông cánh cò, dòng tộc, bạn bè vẫn mộc mạc chân quê. Về để mà yêu thương, mà tiếp nhận những điều rất đáng quý trọng. Và hẳn rằng khi ấy ta sẽ thiết tha thêm với cuộc sống này.

Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.