Văn học - nghệ thuật Bạc Liêu: Một hành trình khởi sắc

Thứ Tư, 21/12/2016 | 15:15

Phải thừa nhận rằng, chặng đường 20 năm qua của hoạt động văn học - nghệ thuật (VH-NT) ở Bạc Liêu là một hành trình khởi sắc! Lĩnh vực văn hóa nói chung, VH-NT nói riêng được các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương quan tâm bằng những biện pháp và giải pháp thiết thực nhất, từ đó VH-NT có điều kiện đóng góp phần mình vào nhiệm vụ xây dựng con người mới, xã hội mới phát triển, phồn vinh, đi đúng định hướng “gìn giữ và phát huy nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”.
Từ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) tháng 7/1998 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đến 10 năm sau đó là Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VH-NT trong thời kỳ mới”... Tất cả như “luồng gió” tạo sức sống mới cho hoạt động VH-NT, cổ vũ giới văn nghệ sĩ cả nước nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã thể hiện sự quan tâm đến đường hướng hoạt động và chăm bồi cho VH-NT phát triển bằng những chương trình hành động cụ thể nhất. Tại Đại hội lần thứ IV (2010 - 2015), Hội VH-NT được nâng thành Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh (gọi tắt là LHH), điều kiện thuận lợi để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng tổ chức Hội, chi hội chuyên ngành. Năm 2009, UBND tỉnh đã công bố chính thức việc thành lập giải thưởng VH-NT Cao Văn Lầu để xét tặng, tôn vinh những văn nghệ sĩ có thành tích nổi bật, đồng thời kích thích sự phấn đấu của giới văn nghệ sĩ hôm nay… Trước đó, quỹ Hỗ trợ sáng tạo văn hóa - nghệ thuật của tỉnh cũng đã được thành lập với mục đích tiếp sức văn nghệ sĩ có điều kiện sáng tác, giới thiệu tác phẩm của mình. 

Ngày thơ Việt Nam - một hoạt động được tổ chức thường niên của Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh. Ảnh: C.T

Bạc Liêu nhận thức được vị trí trang trọng là một trong những “chiếc nôi” của đờn ca tài tử (ĐCTT), nơi khai sinh bản Dạ cổ hoài lang (DCHL) bất hủ, năm 2009, UBND tỉnh cũng đã công nhận Lễ hội Dạ cổ hoài lang là lễ hội cấp tỉnh để tôn vinh xứng tầm giá trị bản DCHL. Một câu lạc bộ ĐCTT cấp tỉnh cũng được Hội VH-NT thành lập (năm 2008) sau được đổi thành Câu lạc bộ DCHL để tập hợp đội ngũ nghệ nhân, tài tử khuấy động phong trào cho Bạc Liêu… Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014 như một kết tinh đầy tự hào của hành trình gìn giữ, tôn vinh và làm thăng hoa nghệ thuật ĐCTT của Việt Nam. Và cũng từ Festival, những công trình văn hóa như Quảng trường Hùng Vương, Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu, Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu… đã góp phần nâng lên tầm vóc Bạc Liêu, diện mạo văn hóa Bạc Liêu, đó là điều không thể phủ nhận! 
Điểm lại vài nét chính cho thấy, VHNT đã được tỉnh quan tâm như một “đứa con tinh thần” vô giá! Tất cả những điều kiện thuận lợi đó cộng thêm nhân tố khá quan trọng là đội ngũ văn nghệ sĩ, hội viên luôn có quan điểm, lập trường vững vàng trong lối sống và đam mê "nghiệp" sáng tác, từ đó tạo đà cho VH-NT Bạc Liêu phát triển! Từ số lượng khá khiêm tốn, năm 1997 chỉ có 58 hội viên, đến nay LHH có trên 460 hội viên sinh hoạt trong 13 hội, chi hội chuyên ngành và chi hội trực thuộc. Hội viên Trung ương tăng từ 14 lên trên 70 hội viên. Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, đội ngũ cầm máy đã mang về hơn 100 huy chương cấp khu vực, quốc gia, quốc tế; hàng ngàn tác phẩm ở các chuyên ngành khác như sân khấu, điện ảnh, văn học, văn nghệ dân gian… được đăng báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh, biểu diễn và đoạt giải cao trong các hội thi, hội diễn; hơn 60 đầu sách được xuất bản… Khó có thể thống kê toàn diện nhưng bấy nhiêu đủ chứng minh rằng, vị thế của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh trong việc tạo ra nhiều tác phẩm, công trình VH-NT đa dạng, góp phần làm phong phú đời sống văn chương, văn nghệ và gìn giữ đúng bản sắc văn hóa, tạo thành “dấu ấn” Bạc Liêu qua từng tác phẩm!
Tháng 6/2014, Tạp chí văn nghệ (TCVN) Bạc Liêu được chính thức đổi tên thành Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu, tăng từ 1 kỳ/tháng lên 2 kỳ/tháng. Các hoạt động liên kết với các sở, ngành trong tỉnh cũng như với LHH, Hội VH-NT các tỉnh ĐBSCL để tổ chức các hội thi, hội diễn VH-NT, giới thiệu tác giả - tác phẩm cũng được LHH đặc biệt quan tâm… Từ đó nhiều tác phẩm VH-NT Bạc Liêu được giới thiệu rộng rãi đến với công chúng cả nước, khẳng định tên tuổi của nhiều văn nghệ sĩ Bạc Liêu và dấu ấn của những tác phẩm VH-NT vượt khỏi phạm vi tỉnh nhà…
Thành tựu thì nhiều, song hạn chế tất nhiên vẫn có! Tuy đã có Nghị quyết của Đảng, nhưng vẫn còn chậm cụ thể hóa những vấn đề liên quan đến sự phát triển của VH-NT như: chế độ chính sách đối với văn nghệ sĩ, một vài chi hội chuyên ngành hoạt động “cầm chừng” chưa thật sự toàn tâm toàn ý với công tác Hội, việc thâm nhập thực tế, sáng tạo tác phẩm đôi khi chưa đạt hiệu quả như mong muốn…. 
Một chặng đường khởi sắc tạo nên diện mạo mới cho VH-NT Bạc Liêu, đó là một thành quả lao động miệt mài đáng được trân trọng và tôn vinh của cả tập thể văn nghệ sĩ, hội viên LHH, mà trước hết là sự quan tâm, chỉ đạo có tầm và có tâm của những người đứng đầu! Tôn vinh và đánh giá đúng tầm những thành quả, những cống hiến ấy chính là cách để khuyến khích văn nghệ sĩ tiếp tục có những đóng góp quý báu cho hoạt động VH-NT trên con đường phía trước.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.