Văn hóa - Nghệ thuật
Văn học địa phương: Giậm chân tại chỗ
Trực thuộc Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu (gọi tắt là Liên hiệp Hội), Chi hội Văn học vẫn còn những khó khăn nhất định chưa thể nâng lên thành Hội Văn học. Nhà văn ở Bạc Liêu thì chỉ có một người, còn phong trào sáng tác văn chương nói chung chỉ gói ghém trong vài tên tuổi quen thuộc, tham dự các cuộc thi về văn học thì càng hiếm hoi… Văn học địa phương phải chăng còn “giậm chân tại chỗ”?
Một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ viết văn, làm thơ do Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh tổ chức. Ảnh: C.K
Ngày 31/3/2017 là thời hạn cuối (sau khi đã gia hạn) của cuộc thi bút ký ĐBSCL năm nay (do Liên hiệp Hội tỉnh Long An đăng cai tổ chức), vậy mà số lượng tác phẩm dự thi của Bạc Liêu chỉ mới lác đác… 1 - 2 tác phẩm! Để có đầu bài dự thi, Chi hội Văn học phải động viên từng hội viên tham gia. Tuy nhiên, viết bút ký không phải là chuyện một sớm một chiều, động viên là có được và bút ký dự thi cấp khu vực lại không thể chấp nhận sự cẩu thả. Lượng bài gửi dự thi lác đác nên hy vọng giật giải ở những cuộc thi sáng tác văn học cấp khu vực như thế này càng…. mong manh! Và đó cũng là thực trạng buồn, là câu chuyện “muôn năm cũ” của văn học Bạc Liêu khi đứng trước cuộc so tài với các cây bút tỉnh bạn.
Chi hội Văn học là nơi tập hợp những người yêu văn chương, nhưng thật sự hoạt động còn quá tẻ nhạt! Điều đó thuộc về trách nhiệm của những người đầu tàu khi chưa khuấy động phong trào sáng tác, tạo sân chơi văn chương để quy tụ, khuyến khích hội viên tham gia; nguyên nhân khác là chính bản thân các hội viên cũng chưa mặn mà với nghiệp viết lách, chưa thật sự yêu văn chương - bằng chứng là những buổi trao đổi cách viết văn, làm thơ (do Liên hiệp Hội chủ trì tổ chức) với sự góp mặt của những nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp vẫn chưa thu hút hội viên!
Một vùng đất có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng, nơi chứa đựng nhiều tinh hoa văn hóa người đi trước gầy dựng, làm hành trang phát triển và tạo “của để dành” cho con cháu đời sau… Tất cả là vốn liếng, là mảnh đất màu mỡ để những người gánh nghiệp văn chương cày xới và gặt hái tinh túy cho văn chương địa phương! Nhưng nhìn lại, ngoài mỗi nhà văn Phan Trung Nghĩa với những tập bút ký nặng tình với đất quê thì chúng ta có không nhiều tác phẩm văn học được kết tinh từ mảnh đất màu mỡ ấy! Mà nếu có, thì văn chương Bạc Liêu vẫn còn lẩn khuất đâu đó chứ chưa thật sự đến tay công chúng. Những chuyến đi sáng tác thực tế của các Liên hiệp Hội VH-NT trên cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng, liệu có “đào” ra những tác phẩm chất lượng, câu hỏi đó chưa ai dám khẳng định và vẫn còn là đề tài để người trong cuộc mổ xẻ!
Văn học địa phương đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại cấp học THCS, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, môn học này chưa thật sự tạo sự yêu thích cho học sinh. Những tác phẩm văn học về quê hương Bạc Liêu chưa nhiều, tên tuổi của những tác giả văn học địa phương quanh quẩn chỉ vài người đếm trên đầu ngón tay, tư liệu giảng dạy cũng chưa hấp dẫn, đó là tình hình chung của mảng văn học địa phương ở nhiều tỉnh, không riêng Bạc Liêu, phải công bằng để nhìn nhận thực trạng này.
Thế thì, làm thế nào để giúp văn học địa phương thoát khỏi thế giậm chân tại chỗ?! Câu hỏi không dễ giải đáp nhưng theo thiển ý của người viết bài này, điều đầu tiên là tác động ngay từ lúc các em còn ngồi trên ghế nhà trường làm sao để khiến các em yêu thích môn Văn học, nhận thấy được tầm quan trọng của việc học văn, biết yêu hơn con người, quê hương, đất nước qua mỗi tác phẩm văn học! Từ nhiều người yêu thích mới mong có vài ba người bám nghiệp văn chương, đeo đuổi nghề viết lách. Trong khi nghề viết văn chưa thể đem lại nguồn lợi đảm bảo cuộc sống cho nhà văn thì chế độ ưu đãi đặc biệt đối với những tài năng văn học chớm nở là điều tối cần thiết! Giải thưởng dành cho những cuộc thi nhan sắc, thậm chí là những gameshow giải trí trên truyền hình luôn cao ngất ngưởng; còn tiền thưởng dành cho những tài năng văn chương luôn “èo uột” thì khó khiến người ta bám nghiệp chỉ - với - niềm - đam - mê!
VH-NT chân chính luôn thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ, có tác dụng đặc biệt trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức con người; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Văn học lại là một mảng lớn trong các chuyên ngành VH-NT. Từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, các học sinh đã được nghe thầy cô truyền đạt tầm quan trọng của môn Văn học: “Văn học là nhân học”, nói dễ hiểu hơn, học văn chính là học làm người! Học văn không chỉ là để thuộc lòng những đoạn thơ hay, để viết những bài tập làm văn cho thầy cô chấm điểm, mà qua sự phong phú của các thể loại văn học như ca dao dân ca, truyện ngắn, những áng thơ hay ở nhiều thời đại khác nhau, với bút pháp khác nhau, văn học giúp chúng ta hiểu biết về cội nguồn, trân trọng những viên gạch quý xây dựng nên nền văn hóa Việt Nam, những viên gạch đó là truyền thống yêu nước, là cốt cách của dân tộc, là vẻ đẹp của quê hương đất nước mà văn học đã chuyển tải bằng cảm xúc, ngôn ngữ… Thế nhưng, trong xã hội hôm nay, văn học trên bình diện chung, liệu có còn được “trọng vọng”? Văn hóa đọc bị xao lãng do tác động của phương tiện nghe nhìn hiện đại, văn chương chưa gây sức hút cho giới trẻ bởi chính sự đổi mới thích ứng của nó đã không kịp thời, sự đầu tư đãi ngộ văn nghệ sĩ còn chưa tương xứng… đó là những nguyên nhân. Thế nên, ở phạm vi địa phương, không riêng gì Bạc Liêu, văn học vẫn còn “giậm chân tại chỗ” là lẽ tất nhiên! Để có những bước tiến mới, đòi hỏi phải tìm giải pháp khắc phục những nguyên nhân nêu trên.
Cẩm Thúy
- Bảo hiểm Agribank Kiên Giang chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tín dụng cho một khách hàng tại TX Giá Rai
- Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
- Bộ Quốc phòng kiểm tra các mặt công tác tại một số đơn vị đóng quân trên địa bàn Tây Nam Bộ
- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức đối thoại với công dân tại Hà Nội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới