Văn hóa - Nghệ thuật
Trung tâm Triển lãm VH-NT và Nhà hát Cao Văn Lầu: Từng bước phát huy hiệu quả
Trong quá trình xây dựng, Trung tâm Triển lãm VH-NT và Nhà hát Cao Văn Lầu (còn gọi là Nhà hát 3 nón lá) bị dư luận đánh giá là công trình… gây lãng phí! Thế nhưng, sau khi hoàn thành, Nhà hát 3 nón lá đã và đang phát huy hiệu quả thông qua việc tỉnh thường xuyên chọn nơi này để tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật.
Nằm trong các công trình xây dựng cơ bản về văn hóa, cơ sở hạ tầng chào mừng Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014 (gọi tắt là Festival), Nhà hát 3 nón lá được đánh giá là công trình có nghệ thuật kiến trúc đặc sắc. Mang hình ảnh chiếc nón lá đặc trưng của người dân Nam bộ, công trình chứa đựng vẻ đẹp văn hóa như một biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Với thiết kế độc đáo 3 chiếc nón lá chụm vào nhau thể hiện nhiều ý nghĩa như: tình yêu thương, nâng niu, che chở của người cha, người mẹ đối với người con; tinh thần đoàn kết của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa trên đất Bạc Liêu; mối tình gắn bó, keo sơn của nhân dân 3 miền Bắc - Trung - Nam. Công trình này được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục có hình dạng 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam.
Mặc dù tỉnh đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng Nhà hát 3 nón lá đã không thể hoàn thành đúng dịp Festival. Trước tình trạng này, dự luận đã có nhiều điều tiếng không hay. Song, Bạc Liêu cũng nhận được không ít đánh giá tích cực đối với công trình này. Trong một lần về với đất Bạc Liêu, NSND - nhạc sĩ Thanh Hải (TP. HCM) cho rằng: “Nhà hát 3 nón lá Bạc Liêu cho chúng ta liên tưởng đến hình ảnh Nhà hát Con sò nổi tiếng của nước Úc. Nhưng điểm đặc biệt là công trình này được cách điệu thuần Việt khi nằm trong một quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo của Bạc Liêu”.
Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật diễn ra tại Nhà hát 3 nón lá luôn thu hút đông đảo khán giả. Ảnh: H.T
Đến tháng 11/2015, Nhà hát 3 nón lá chính thức được chọn làm điểm tổ chức cuộc thi Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc do Bạc Liêu đăng cai. Đây được xem là hoạt động mở màn để khai thác công năng công trình phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương, tạo điều kiện để tỉnh đăng cai các sự kiện văn hóa - nghệ thuật cấp tỉnh, khu vực và quốc gia. Sau đó, công trình tiếp tục được trưng dụng làm nơi diễn ra các hoạt động như: Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau mở rộng 2016, Giọng ca cải lương giải Cao Văn Lầu 2016, chương trình giới thiệu Tác giả - tác phẩm năm 2016… Có thể nói, Nhà hát 3 nón lá đang từng bước phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ Bạc Liêu phát triển sôi nổi. Không chỉ vậy, từ những sân chơi được tổ chức tại đây đã tạo “bệ phóng” giúp cho những tài năng trẻ có cơ hội cọ xát và tỏa sáng. Lần đầu đến với Nhà hát 3 nón lá, ông Nguyễn Hồng Chiến, Phó Chủ tịch Hội VH-NT Đắk Lắk, bày tỏ: “Việc đầu tư xây dựng công trình cho thấy bản lĩnh, sự cố gắng rất lớn của Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu. Hiển nhiên, nhà hát này được xem như một biểu tượng đẹp của văn hóa Việt Nam, hình thành nên một không gian văn hóa đặc sắc mà chỉ riêng Bạc Liêu mới có và rất đáng để các địa phương khác học hỏi”.
Nằm trong quần thể các công trình văn hóa - lịch sử của Quảng trường Hùng Vương, Nhà hát 3 nón lá thật sự hấp dẫn du khách phương xa nhờ kiến trúc vừa truyền thống, vừa hiện đại. Cùng với các điểm du lịch tiêu biểu khác, công trình này đã được ngành VH-TT&DL tăng cường quảng bá, kết nối tua tuyến phục vụ du khách về Bạc Liêu. Chị Trịnh Y Nguyên (người dân phường 1, TP. Bạc Liêu), chia sẻ: “Thật tự hào và hạnh phúc vì quê hương đang đổi thay với biết bao công trình mới. Đặc biệt, Nhà hát 3 nón lá đã trở thành một trong những biểu tượng của vùng đất Bạc Liêu. Mỗi khi đi xa, tôi thường khoe với các bạn về công trình này, hoặc mời họ về thăm Bạc Liêu bằng tất cả niềm tự hào và hãnh diện”.
Vào dịp Festival, một vị lãnh đạo tỉnh đã phát biểu: “Khi công trình này hoàn chỉnh sẽ được đưa vào khai thác tổ chức biểu diễn những chương trình nghệ thuật mang ý nghĩa bảo tồn giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc”. Thật vậy, việc đầu tư cho văn hóa không phải nhìn nhận trong một sớm một chiều mà cần có thời gian để công trình phát huy hiệu quả. Hiện tại việc khai thác Nhà hát 3 nón lá đang cho thấy những tín hiệu phấn khởi!
HỮU THỌ
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8
- VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long: Gặp gỡ giao lưu, kết nối thương mại và hợp tác phát triển
- Dừng triển khai loại hình giáo dục tiểu học chất lượng cao kể từ năm học 2025 - 2026
- TP. Bạc Liêu trao tặng Huy hiệu Đảng cho 31 đảng viên